Chuyên canh nghệ vàng trên đất bãi

Thứ ba, 30/07/2019 20:53
(ĐCSVN) - Nằm ven sông Hồng, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có lượng phù sa màu mỡ và thời tiết thuận lợi rất thích hợp để cây nghệ phát triển. Từ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, người dân nơi đây đã hình thành vùng chuyên canh cây nghệ vàng có giá trị cao.

Chí Tân là một xã thuần nông ven sông Hồng có truyền thống canh tác ngô, lúa, đất đai phần lớn là pha cát, không phù hợp thâm canh lúa nước nhưng lại rất thích hợp với trồng cây nghệ vàng. Khai thác đặc tính thiên nhiên, người dân địa phương đã chọn nghệ là cây trồng chính tạo nguồn thu, phát triển kinh tế gia đình.

Trồng nghệ đơn giản, không tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân xã Chí Tân đã cải tạo diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả để trồng cây nghệ vàng. Từ năm 2016, trên 90% các hộ dân trong xã đều chuyển sang trồng nghệ, hiện ở xã nhà ít cũng phải vài ba sào. Để hỗ trợ người dân, các cấp, các ngành chức năng đã tạo điều kiện cho bà con tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nghệ; áp dụng quy trình trồng VietGAP; vay vốn ưu đãi sản xuất và tạo cơ chế để bà con cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nghệ.

Ngày 29/3/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 20443/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Nghệ Chí Tân cho sản phẩm nghệ của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Theo lãnh đạo xã Chí Tân, khoảng hai năm gần đây việc trồng nghệ phát triển ồ ạt ở nhiều địa phương nên người trồng nghệ khó tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mong muốn lớn nhất của người trồng nghệ ở Chí Tân hiện nay là được các cấp, ngành chức năng quan tâm, xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho nghệ Chí Tân, để cây nghệ có chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài nước.

Từ tháng 5 - 7 hàng năm, về xã Chí Tân, khách ghé thăm sẽ thấy những cánh đồng nghệ bát ngát ven sông Hồng. Huyện Khoái Châu có gần 300 ha diện tích đất nông nghiệp trồng nghệ, chủ yếu tập trung ở các xã có sông Hồng chảy qua như Chí Tân, Đại Tập, Nhuế Dương, Thuần Hưng, Đại Hưng... Riêng Chí Tân có diện tích trồng nghệ lớn nhất huyện với khoảng 140 ha.


Hơn 30 năm gắn bó với cây nghệ, xã Chí Tân được xem là vùng trồng nghệ lớn nhất tỉnh Hưng Yên và nổi tiếng cả nước với sản lượng khoảng 5.000 tấn nghệ/năm.


Những năm gần đây, diện tích trồng nghệ ở Chí Tân đã thay thế hầu hết diện tích trồng ngô và lúa tại các khu vực nội đồng ở cả ba thôn thuộc xã.


Nhiều gia đình sử dụng cả những khoảng đất nhỏ trong vườn để trồng nghệ.


Người trồng nghệ Chí Tân đã tạo ra những cánh đồng cho năng suất, chất lượng cao.


Nghệ thu hoạch tại vườn ở xã Chí Tân.


Những kết quả nghiên cứu trên củ nghệ  ở tỉnh Hưng Yên cho thấy, tinh chất Curcumin trong 100mg tinh bột nghệ khoảng 4,7 – 5,2%.


Cô Xuân cho biết, vài năm trước gia đình đã đầu tư hơn 20 triệu đồng mua đất phù sa cải tạo 3 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nghệ. Mỗi sào nghệ vàng cho năng suất gần 1,5 tấn. Với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi sào nghệ cho lợi nhuận trên 20 triệu đồng.

 


Khoảng 3 năm trở lại đây ở Chí Tân xuất hiện một nghề mới, là nghề chế biến tinh bột nghệ. Toàn xã có hàng chục hộ gia đình làm nghề này, có hộ đã tổ chức sản xuất, kinh doanh bài bản theo mô hình công ty cung cấp tinh bột nghệ cho thị trường, góp phần nâng cao giá trị cây nghệ Chí Tân.


Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm nghệ vẫn còn khó khăn. Người trồng vẫn phải loay hoay tự tìm đầu ra, việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thương lái dẫn đến giảm doanh thu.


Mong muốn lớn nhất của người trồng nghệ hiện nay là được các cấp, ngành chức năng phát triển nhãn hiệu “Nghệ Chí Tân - Khoái Châu” và xây dựng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm để  cây nghệ có chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài nước.

.
N Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực