Đặc sắc sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội

Thứ bảy, 10/08/2019 14:01
(ĐCSVN) – Hà Nội, đất trăm nghề hội tụ, kết tinh, lan tỏa với nhiều ngành nghề truyền thống, không chỉ mang tới cho du khách những sản phẩm thủ công hấp dẫn mà còn giúp ngành Du lịch Thủ đô ngày càng phát triển.

Những năm gần đây, việc phát triển du lịch làng nghề đang là một hướng đi, được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc, gìn giữ bản sắc, hình ảnh con người, vẻ đẹp văn hóa của mỗi địa phương ở Thủ đô.

Dưới góc nhìn của những người làm du lịch, để phát triển du lịch làng nghề cần có sự bắt tay của các doanh nghiệp, tại các làng nghề của Thủ đô cần giữ được nghệ nhân, giữ lại những ngôi nhà có kiến trúc cổ, sưu tầm các sản phẩm nổi tiếng, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề. Trong làng cần có người am hiểu nghề, hiểu biết sâu về phong tục và văn hóa làng để giới thiệu với du khách. Hơn nữa, trong việc phát triển gắn với du lịch, các làng nghề nên có hai khu vực, một khu trưng bày sản xuất các mặt hàng, một khu showroom để khách trải nghiệm kỹ thuật nghề, xem các nghệ nhân trình diễn.

Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch để hình thành đội ngũ quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại làng nghề; huy động cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch.

Ngoài ra cũng cần có sự liên kết giữa các làng nghề, tạo sự kết nối sâu rộng giữa các làng nghề để khai thác triệt để những tiềm năng còn bỏ ngỏ. Góp phần nhân lên sức mạnh thương hiệu, giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các làng nghề của Thủ đô trong thời kỳ mở cửa.

 

Sự phát triển của các làng nghề truyền thống tạo thêm những dấu ấn văn hóa đặc sắc ở Thủ đô, đồng thời góp phần nâng cao đời sống người dân.


Dệt lụa từ tơ sen theo phương pháp thủ công ở làng lụa Phùng Xá (Hoài Đức).


Khăn lụa tơ sen, một sản phẩm thủ công độc đáo của làng nghề Phùng Xá.


Sản xuất ấm tử sa tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.


Bộ ấm Tử Sa sản phẩm thủ công có độ thẩm mỹ cao của làng gốm Bát Tràng.


Sản phẩm làng quạt Chàng Sơn (huyện Thạch Thất).


Xu hướng du lịch làng nghề đang hấp dẫn, bởi thế, du khách tham quan không chỉ để đến ngắm nhìn, mua sản phẩm mà muốn được tham gia, học hỏi kỹ năng làm nghề và muốn tự tay tạo ra sản phẩm.


Mỗi ngày, làng Chuông (huyện Thanh Oai) làm ra trên 4.000 chiếc nón làm quà lưu niệm và phục vụ đời sống.


Lụa Vạn Phúc dệt theo phương pháp thủ công của người dân làng lụa Hà Đông (quận Hà Đông).Những tấm vải mềm mại mang nét văn hóa đặc trưng của làng nghề là sản phẩm độc đáo thu hút du khách tham quan, mua sắm mỗi khi có dịp tới thăm Thủ đô.


Sản phẩm làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín).


Đồ mỹ nghệ làng Vân Hà (Đông Anh) là sản phẩm được du khách yêu thích chọn làm quà lưu niệm.

Sản xuất đồ mỹ nghệ làng nghề sơn mài Hà Thái, Thanh Trì, Hà Nội.


Du lịch làng nghề ngày càng hấp dẫn du khách và trở thành một hướng phát triển mang lại những lợi ích về kinh tế, xã hội. Hình thức du lịch này  góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương của Thủ đô.


Những năm gần đây nhiều hội chợ được tổ chức tại Hà Nội đây là dịp để các làng nghề của Thủ đô giới thiệu, quảng bá, tới du khách trong và ngoài nước về  sản phẩm thủ công truyền thống của mình.

.
N. Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực