Điệu múa sư tử mèo Xứ Lạng

Thứ bảy, 08/09/2018 13:28
(ĐCSVN) - Múa sư tử mèo đã được hình thành qua nhiều thế hệ và gắn bó lâu đời với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn. Với đồng bào múa sư tử mèo là linh hồn làm nên sức sống ngày hội, tạo không khí sôi động, lôi cuốn và phản ánh khát vọng con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 90 đội múa sư tử mèo, với gần một nghìn nghệ nhân múa sư tử, tập trung chủ yếu ở các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia, Tràng Định... Mỗi đội múa sư tử có từ 8 đến 16 người, gồm: người múa sư tử, đười ươi, mặt khỉ và đội múa võ dân tộc... Hàng năm, cứ vào dịp diễn ra các lễ hội như: lễ hội Lồng tồng, lễ hội mùa xuân, tết Trung thu, lễ vào nhà mới... bà con các dân tộc Tày, Nùng lại tưng bừng mở hội múa sư tử mèo. Sinh hoạt dân gian này đã được lưu truyền trong đời sống người Tày, Nùng qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng.

Theo ông Hoàng Choóng, 72 tuổi, ở thôn Thâm Mè, xã Hoàng Việt (Văn Lãng - Lạng Sơn) một trong số ít nghệ nhân còn biết chế tác, phục dựng múa sư tử mèo: Múa sư tử mèo có rất nhiều bài biểu diễn khác nhau như: bài múa đi đường, bài mừng, bài bái tổ, bài cầu may; rồi nghệ thuật chồng hình, nhào lộn qua vòng lửa, thăng đai cho sư tử... Mỗi bài múa đi kèm một điệu nhạc khác nhau; người múa sư tử chỉ cần nghe chuyển nhạc gõ là biết trình diễn múa bài tương thích.


Hòa mình vào những lễ hội xứ Lạng, nếu không thấy tiếng trống vang, tiếng thanh la, thấy những con sư tử múa những đường quyền nhịp nhàng, uyển chuyển... thì vẫn chưa thấy hết được không khí náo nhiệt của những ngày hội vùng cao miền đông Bắc tổ quốc.


Để chuẩn bị cho phần múa sư tử mèo, người múa phải chuẩn bị những đạo cụ như: mặt báo đông, mặt nả lình (mặt khỉ); chiêng (là), chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả); đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn…


Người múa sư tử mèo là những thanh niên khỏe mạnh, dẻo dai, họ điều khiển chiếc đầu sư tử được cách điệu theo hình mặt mèo có trang trí đa sắc.


Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử mèo có nhiều nghi thức, điệu múa và các trò diễn cho phù hợp như: múa chào thần thánh; múa chúc mừng năm mới các nhà trong làng (pai hờn, pái lờn); múa đi đường, múa tại hội lồng tồng… và các trò diễn như: báo đông, trò vui của khỉ, múa võ (oóc quyền)…


Dàn nhạc cụ dân gian sử dụng trong múa sư tử mèo.

Người đánh nhạc gõ phải nắm bắt nhanh sự chuyển động của động tác múa để sáng tạo kịp thời những tiết tấu phù hợp. Tiếng thanh la, chập choã hòa theo tiếng trống càng nhịp nhàng thì điệu múa càng hấp dẫn.


Mỗi con sư tử mèo mang một sắc thái riêng trong mỗi vũ điệu.


Điệu múa còn thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Tày, Nùng Lạng Sơn.


Theo các nghệ nhân múa:“Những người múa sư tử từ 10 năm trở lên mới được múa đầu sư tử đen, họ phải là người rất sành sỏi, giỏi giang, có thể biết người nào múa sai để chỉnh đốn. Vào những ngày hội lớn hay công việc hệ trọng của địa phương mới được múa sư tử đầu đen, trước đó phải làm lễ cẩn thận, theo đúng cách thức truyền thống”.


Vũ điệu có thêm múa võ, múa đao kiếm, đinh ba, gậy đôi, tẳng giảo.


Người xem hào hứng dõi theo từng động tác của điệu múa cổ truyền.


Với những giá trị văn hóa đặc sắc múa sư tử mèo ở Lạng Sơn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 1852 công nhận là loại hình Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vào ngày 8/5/2017. Để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, những năm gần đây tỉnh Lạng Sơn tích cực xây dựng các đề án chuyên sâu về múa sư tử mèo; đẩy mạnh việc truyền dạy cho các thế hệ trẻ; quảng bá rộng rãi loại hình di sản văn hóa truyền thống này để nhân dân gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể này đến bạn bè trong và ngoài nước.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực