Không gian văn hóa mới của Hà Nội

Thứ bảy, 17/08/2019 16:35
(ĐCSVN) – Dựa trên nền tảng di sản văn hóa của Hà Nội, sự ra đời và phát triển các không gian văn hóa mới góp phần xây dựng một Thủ đô hội nhập, phát triển nhưng vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững.

Với bề dày lịch sử, văn hóa nghìn năm văn hiến Hà Nội có tới 5.922 di tích, trong đó có 1 Di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 3 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng 1.350 làng nghề và làng có nghề.

Các di tích, di sản văn hóa là nguồn lực để Hà Nội xây dựng các không gian văn hóa đặc trưng. Tiêu biểu là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long với dấu ấn kiến trúc, văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm trải từ các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... cho đến thời kỳ cận đại; là hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn; khu phố cổ Hà Nội mang bóng dáng kinh thành Thăng Long xưa... cho đến những dấu ấn kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc còn lưu giữ trên các công trình của Hà Nội.

Từ nền tảng di sản văn hóa truyền thống, việc “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã hình thành, phát triển các không gian văn hóa mới, góp phần xây dựng hình ảnh một Thủ đô trên đường hội nhập, phát triển nhưng vẫn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững.

 

Những năm gần đây việc đẩy mạnh “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến các không gian văn hóa mới.


Từ quần thể di tích hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn - Di tích quốc gia đặc biệt, cùng với các tuyến phố cổ, phố cũ và khu vực lân cận. Sự ra đời của Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận mang lại sự tươi mới, sống động cho người dân Thủ đô và du khách mà vẫn gắn kết với các di sản văn hóa.


Tại các khu vực chợ Đồng Xuân, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ), các điểm diễn lưu động diễn ra các buổi trình diễn ca trù, diễn xướng chầu văn, xẩm, tuồng, chèo, nhạc cụ dân tộc... luôn thu hút công chúng thưởng thức. Đó cũng là dịp để giúp thế hệ trẻ tìm hiểu, thêm yêu và cùng chung tay bảo tồn di sản của cha ông.


NSƯT Bạch Vân biểu diễn Ca Trù tại đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm – Hà Nội.


Biểu diễn áo dài Huế tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm - Hà Nội.


Việc tái hiện các phong tục tập quán, trò chơi dân gian trong các dịp Tết Nguyên đán, rằm Trung thu..., tại khu phố cổ Hà Nội mang đến người dân và các du khách những trải nghiệm rõ nét nhất về phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt.


Nghệ nhân Phạm Văn Bể giới thiệu nghệ thuật rối nước làng Tế Tiêu, tại phố cổ Hà Nội.


Đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa người dân, nhiều không gian văn hóa mới cũng được hình thành và nhân rộng như: Phố sách Hà Nội, Phố bích họa Phùng Hưng, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn...

Đền Ngọc Sơn một điểm nhấn trong không gian văn hóa truyền thống Hà Nội.


Nhà hát lớn công trình kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc tiêu biểu tại Hà Nội.


Không đứng ngoài cuộc, các làng nghề truyền thống cũng tạo ra cho mình không gian văn hóa mới. Đó là Không gian gốm Bát Tràng, không gian làng lụa Vạn Phúc - nơi trưng bày các sản phẩm truyền thống và những tác phẩm của những nghệ nhân tài hoa.


Những dấu ấn lịch sử hàng trăm năm cùng mang lại cho Hà Nội một bản sắc văn hóa riêng, độc đáo mang tầm vóc khu vực và thế giới.


Tất cả những không gian văn hóa mới hòa quyện cùng văn hóa truyền thống tạo nên những sắc màu đa dạng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo lên những sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Nội, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

.
N Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực