Kiến trúc độc đáo chùa Khmer

Chủ nhật, 13/08/2017 18:28
(ĐCSVN) - Trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Khmer, của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, ngôi chùa Khmer có một vị trí quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội, đây là một biểu tượng văn hóa tinh thần, vật chất của dân cư trong khu vực với những đặc điểm kiến trúc độc đáo, riêng biệt và đặc sắc.

Người Khmer có quan niệm Đức Phật luôn bên họ để che chở và ban phúc lành nên hầu như ở trong các phum, sóc, người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng ngôi chùa riêng cho địa phương mình. Tính riêng người Khmer sinh sống ở khu vực Tây Nam Bộ đã có hơn 1,3 triệu người, với hàng trăm ngôi chùa Khmer lớn nhỏ, trong đó có những ngôi chùa có niên đại xây dựng cách đây vài thế kỉ, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như: chùa Âng, chùa Mẹt, chùa Hang, chùa Dơi...

Chùa Khmer thường được chọn xây dựng trên một khu đất rộng, bao bọc bởi những hàng cây dầu, cây thốt nốt hay rừng tràm xanh tươi. Tổng thể một ngôi chùa Khmer gồm: cổng chùa, tường rào, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, tăng xá, nhà hội, an xá,… Trong đó, nổi bật và quan trọng nhất là ngôi chính điện được xây dựng ở trung tâm của ngôi chùa. Ở mỗi ngôi chùa Khmer, chính điện được xây theo hướng Đông - Tây với quan niệm Đức Phật luôn ngự ở phía Tây nhìn về hướng Đông mà ban phúc lộc, cứu độ chúng sinh.

Những ngôi chùa Khmer được xây dựng dựa trên tinh thần văn hóa Phật giáo Tiểu thừa thông qua nét kiến trúc và trang trí độc đáo.


Ngôi chính điện uy nghi thể hiện rõ nét nhất kiến trúc của chùa Khmer Nam Bộ.


Nóc chùa thiết kế theo hình tam giác cân, mái chùa có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn, hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc. Ở góc nóc mái chính điện trang trí đuôi rồng uốn lượn tạo cảm giác uyển chuyển, mềm mại cho ngôi chùa.


Các tượng canh giữ cừa chánh điện: tượng chằn, chim hoon… được xây dựng ở hai bên lối lên xuống chính điện.


Ngôi chính điện luôn có hình tượng chim thần Krud nâng đỡ mái chùa.


Tượng chằn (Yeak) trên những hàng cột bao quanh chính điện.


Cổng và tường rào được các nghệ nhân Khmer điêu khắc, trang trí những biểu tượng gắn với đời sống tín ngưỡng cộng đồng người Khmer, tạo nên nét độc đáo riêng có cho ngôi chùa.


Các bức tường hay các cột kèo, cánh cửa trong chính điện được trang trí các bức phù điêu, hình ảnh lấy cảm hứng từ cuộc đời của Đức Phật.


Các họa tiết hình khối, đường nét tinh tế, màu sắc rực rỡ tạo sự nổi bật cho ngôi chùa.


Trên trần chánh điện là các hình vẽ tranh sơn dầu theo đề tài khá phong phú với hoa lá, hình kỷ hà, kết hợp với hình tượng thần, tiên và linh thú…  Đây là nét nghệ thuật đã định hình có tính chất cổ điển của mỹ thuật dân tộc Khmer.


Không gian bên trong chính điện của chùa Khmer được bài trí với bệ thờ Đức Phật Thích Ca.


Bên ngoài của chính điện thường có các công trình phụ trợ, các trang trí phù điêu đắp nổi, thể hiện các hình tượng tiên nữ xinh đẹp, chim thần Krud nâng đỡ mái chùa, chằn Yeak hung dữ, đầu thần Bayon bốn mặt... được lấy từ văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Khmer, ngoài ra có các dãy hành lang tạo không gian thoáng mát, trang trí các hình tượng những thế lực tà ác đã bị đức Phật quy phục.

Trong không gian trong chính điện chùa Khmer bài trí nhiều họa tiết tinh tế với một bệ thờ theo hình một tòa sen chia thành nhiều cấp và trang trí trau chuốc, cẩn thận để thờ đức Phật bên trên. Tượng Phật Thích Ca được chạm khắc hài hòa với không gian chính điện và có thể tạo dáng ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi, thể hiện sự đa dạng, phong phú về ý nghĩa đạo đức và vẻ đẹp của Đức Phật.

Có thể nói ngôi chùa Khmer là sự tổng hòa các sắc thái riêng của người Khmer. Thông qua nghệ thuật kiến trúc xây dựng trên các ngôi chùa, người Khmer muốn giữ gìn nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng Phật giáo cùng tinh thần hướng thiện đến cộng đồng./.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực