Làng phật thủ ven đô sẵn sàng đón Tết

Chủ nhật, 14/01/2018 21:16
(ĐCSVN) - Dịp cuối năm, khắp trên những vườn Phật thủ ven đô Hà Nội, đang rộn ràng bước vào thời vụ quan trọng nhất năm. Thời điểm này, đã có những quả Phật thủ đã được người mua đặt trước với giá cả triệu đồng, thậm chí nhiều quả Phật thủ đặc biệt được nhà vườn cho biết sẽ được bán với giá vài triệu đồng.

Cây Phật thủ được đưa về trồng tại xã Đắc Sở (Hoài Đức - Hà Nội) khoảng từ 10 năm trước, trồng Phật thủ đạt năng suất và hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với việc trồng lúa, ngô, nên người dân trong xã dần chuyển sang trồng phật thủ. Ở Đắc Sở hiện có khoảng 220 ha trồng cây phật thủ, trong đó có 150 ha đang cho thu hoạch, xã có tới 60-70% số hộ dân tham gia trồng cây Phật thủ, diện tích canh tác tăng khoảng 15% so với năm 2015”.

Từ hiệu quả canh tác, người dân xã Đắc Sở không ngừng mở rộng diện tích canh tác Phật thủ sang các xã lân cận như xã Yên Sở, xã Phúc Thọ… theo các hình thức thuê đất canh tác, cung cấp giống cây trồng, cung cấp kỹ thuật. Cùng Đắc Sở, những năm gần đây xã Yên Sở (Hoài Đức - Hà Nội) cũng đã phát triển mạnh, trở thành một xã trồng Phật thủ đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích trồng tại đây đang không ngừng mở rộng, hiện phật thủ đã trở thành giống cây trồng phổ biến tại Yên Sở, tạo thu nhập chính cho hơn 75% người dân nơi đây.

Quả Phật thủ đã giúp người dân các xã Yên Sở, Đắc Sở đổi đời, nhiều hộ nông dân đã có doanh thu từ 500 triệu đến bạc tỷ mỗi năm. Mũi nhọn phát triển kinh tế từ nông nghiệp của địa phương này đang đem tới những mùa xuân yên bình, sung túc và đổi thay cho những người nông dân ngay trên quê hương mình.

Phật thủ được người dân trồng với quy mô lớn ở xã Đắc Sở, toàn xã hiện có khoảng 400 hộ trồng phật thủ, hộ trồng ít nhất cũng 1 sào, hộ nhiều nhất tới 50 sào.

Loại quả dùng thờ Phật và gia tiên, hay bầy trên ban thờ ngoài hương thơm thoang thoảng còn có độ tươi từ 3 tháng - 5  tháng, vì vậy được nhiều người ưu thích bởi quan niệm sẽ mang tài lộc đến với gia đình.


Những ngày này không ít vị khách đã đến Yên Sở để mua hoặc đặt trước những quả Phật thủ đẹp.


Tại xã Yên Sở người dân đang tất bật chăm sóc, thu hoạch Phật thủ bán dịp Tết cổ truyền 2018.

Người dân chăm sóc Phật thủ tại nhà vườn tại xã Yên Sở (Hoài Đức - Hà Nội).


Anh Nguyễn Tuấn Thanh  thuê 9 sào đất canh tác tại Yên Sở cho biết: Từ việc trồng cây Phật thu mang lại, gia đình anh có thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Nếu vụ Tết Nguyên Đán thuận lợi có thể thu nhập tới 500 triệu/năm. Ngoài gia đình tôi, tại xã có nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến gần tỷ đồng/năm nhờ cây “bàn tay phật”.


Một quả Phật thủ đặc biệt quý khi có trên 20 ngón, ngón cuối cùng phải nằm ở chữ… “thịnh”, theo cách đếm: “thịnh – suy – vi – thái”. Đây chính là những quả có dáng “tài - lộc” được người mua đặc biệt quan tâm.


Những vườn Phật thủ tại Yên Sở trĩu quả sẵn sàng đón khách mua.

Nhiều nhà vườn tại Yên Sở còn phát triển đa dạng sản phẩm  như: Phật thủ bon sai, Phật thủ cảnh, cam quất cảnh để đáp ứng nhu cầu người mua chơi Tết.


Anh Hà Văn Khánh cho biết: Một quả Phật thủ đẹp có tới 20 múi, nặng từ 1,5 - 2kg, thời điểm này giá dao động từ 300.000 - 1.000.000 đồng/ quả, cận Tết Âm lịch giá cao còn hơn. "Khi mua người ta thường chọn hình dáng quả Phật thủ, với các tiêu chuẩn quả to, tay dài, mập, nhiều ngón đều thì quả phải già, trơn cật, màu hơi vàng mơ”.


Anh Phạm Văn Cường, phố Hàng Bột (Ba Đình - Hà Nội) chia sẻ: “Quả Phật thủ dù giá cao hơn những loai hoa quả khác, nhưng đây là loại quả quý để thờ cúng tổ tiên, có ý nghĩa tâm linh nên khi mua tôi không muốn mặc cả nhiều. Quả Phật thủ sử dụng được rất lâu cũng là điều khiến nhiều người chọn nó”.


Từ Yên Sở, những trái Phật thủ mang “mối duyên lành giữa người và đất” tới nhiều địa phương trên cả nước.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực