Năm Hợi, ngắm “heo vàng” ở chợ đồ cổ Hàng Lược

Chủ nhật, 03/02/2019 11:00
(ĐCSVN) – Mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên con phố cổ hàng Lược, những người yêu thích đồ cổ, đồ cũ du xuân lại có dịp thưởng lãm những món đồ cổ, đồ cũ mang đậm nét văn hóa Á đông của chợ phiên mỗi năm chỉ họp một lần. Năm 2019 là năm Kỷ Hợi, nên những chú “heo vàng” thu hút sự chú ý của nhiều du khách tham quan.

Nằm trong khuôn viên chợ hoa Tết của Thủ đô, chợ họp tại khu vực ngã năm Hàng Lược, kéo dài tới ngã tư Hàng Mã – Hàng Rươi. Từ lâu nơi đây đã trở thành điểm hẹn dịp cuối năm của những người đam mê, và yêu thích đồ cổ. Điều thú vị nhất khi tới chợ là có thể gặp những món đồ từ thời xa lắc xa lơ tưởng như đã biến mất hẳn, nay lại xuất hiện ở chợ, tại đây người xem, người mua có thể dễ dàng tìm hiểu về lịch sử, lai lịch những món đồ xưa cũ. Bên cạnh những món đồ có tuổi thọ hàng trăm năm, phần lớn là đồ gốm đời mới, đồ giả cổ, đồ đồng có niên đại vài chục năm… được chế tác tinh xảo. Còn giá trị thì chỉ những người sành đồ cổ mới thực sự am hiểu và đánh giá được chúng...


Không như những chợ khác, khách đến chợ là phải mua bán, còn ở chợ đồ cổ, đồ cũ ai cũng có thể ngồi ngắm nghía, mân mê, tần ngần hồi lâu rồi lại đặt đồ xuống mà không sợ bị chủ hàng phàn nàn. Nếu có muốn tìm hiểu lai lịch xuất xứ về món đồ, khách cũng nhận được sự giải thích nhiệt tình, nhã nhặn của các chủ hàng.

Chợ phiên bắt đầu họp và nhộn nhịp vào khoảng 20 tháng Chạp tới ngày 30 Tết. Rất nhiều mặt hàng được bày bán tại đây, nhưng phổ biến hơn cả là các loại đồ thờ, đồ bày biện trong nhà như tượng phật đồng, tam đa, đỉnh đồng; lư đồng, các con vật bằng đồng, những vật dụng như ấm trà, đèn cổ, lư hương, bình phong, đồng hồ cổ, đồ thờ…


Theo một số chủ hàng, chợ có những món đồ được thu gom dần từ trong năm, có món mua nhiều năm nay rồi mới mang ra bán. Nhiều món khác thì phải đi lùng mua ở các tỉnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình…

.

Năm nay là năm Kỷ Hợi nên những chú lợn với đủ kiểu dáng, chất liệu gốm, đồng được bày bán nhiều.


Một chú heo vàng biểu tượng cho sự sum vầy, sung túc tại một sạp hàng.


Một chú heo có giá lên đến 6 triệu đồng, theo chủ cửa hàng, sản phẩm này độc đáo do có niên đại lâu năm, được chế tác bằng đồng kết hợp với pha lê, trên bề mặt heo khắc họa các họa tiết trang trí rất tinh xảo.


Ở chợ đồ cổ, du khách cũng có thể tìm thấy những chú heo có giá tới hàng chục triệu đồng.


Biểu tượng năm Kỷ Hợi được bày với nhiều mẫu mã đa dạng phong phú.


Một chú heo thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan bởi kích thước "khủng", được “thổi” với giá cả 100 triệu đồng/đôi.

Một cặp heo đồng đen với biểu tượng hạnh phúc.


Bên cạnh các món đồ biểu tượng năm Kỷ Hợi, nhiều món đồ khác cũng được bày bán phong phú, đa dạng. Theo chủ hàng giá của chiếc chum tiền xu cổ này dao động từ 5 - 6 triệu đồng.


Một bức  tranh  cá chép vượt vũ môn thu hút sự chú ý của du khách, bởi những đường nét điêu khắc tinh tế, sinh động.


Đến các vật dụng một thời được coi là vật dụng cao cấp, từng gắn bó với đời sống của người dân những năm 1980 tưởng như đã mất hẳn, nay xuất hiện ở chợ.


Nhiều vị khách nước ngoài cũng rất thích thú với những nét văn hóa Á Đông độc đáo tại khu phố cổ Hà Nội.


 Chợ phiên đồ xưa, đồ cũ được sự quan tâm của nhiều người dân Thủ đô đến để thưởng lãm, hay tìm mua cho mình một món đồ lấy vui trong những ngày cuối năm, hoặc đơn giản là tìm lại ký ức một thời đã qua.

N Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực