Những vườn phật thủ ven đô sẵn sàng đón Tết

Thứ ba, 15/01/2019 18:31
(ĐCSVN) - Tết Nguyên đán 2019 đã gần, thời điểm này các nhà vườn phật thủ tại các xã Đắc Sở, Yên Sở huyện Hoài Đức, Hà Nội đang tất bật với công việc chăm sóc những trái phật thủ phục vụ thị trường Tết. Từ trồng cây phật thủ đang tạo ra những đổi thay, giúp người nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình một cách bền vững.


Cây phật thủ được người dân các xã Yên Sở và Đắc Sở đưa về trồng cách đây khoảng hơn một thập kỷ. Xã Đắc Sở hiện có 1.200 hộ thì đến một nửa trồng loại cây này, có hơn 80% người dân thuê đất trồng phật thủ với diện tích hơn 100 ha.


Bên cạnh việc trồng phật thủ tại xã, người dân ở Đắc Sở còn thuê đất ở các huyện như Đan Phượng, Quốc Oai, Phúc Thọ… để trồng phật thủ, tổng diện tích lên đến 250 ha. Mỗi năm có khoảng 2 triệu quả phật thủ Đắc Sở được tiêu thụ, doanh thu hơn 116 tỷ đồng.


 Theo anh Dũng người trồng phật thủ lâu năm ở Đắc Sở: Bình quân trên một hecta, thường trồng khoảng 300 cây, thu hoạch từ 8.000 – 10.000 quả. Nếu bán lẻ  tại vườn đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên chủ vườn phải bỏ ra chi phí khoảng hai trăm triệu đồng/hecta.


Cây phật thủ dễ chăm sóc, ra trái quanh năm, khi trồng chọn thời tiết ấm, cắt cành chiết và cắm xuống đất, để bén rễ rồi trồng vào luống.Từ khi trồng đến khi ra phật thủ ra quả khoảng 6-8 tháng...


Vòng đời của cây phật thủ chỉ 5-6 năm, bắt đầu cho trái từ năm thứ hai, trung bình một cây phật thủ cho khoảng gần 40 quả/vụ cây cho năng suất cao nhất là từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 thì hết lứa. Mỗi khi hết một lứa, đất cần được cải tạo vài năm trước khi trồng lứa mới.

Tại xã Yên Sở có 120ha phật thủ được trồng ở vùng đất bãi, đem lại thu nhập cho người trồng bình quân từ 500 đến 800 triệu đồng/ha.


Tại nhà vườn xã Yên Sở, quả phật thủ có giá từ 100.000 đồng tới vài triệu đồng/quả, phụ thuộc vào thế dáng quả, độ căng bóng của lớp vỏ ngoài, độ dày và dài của các múi.

 

Những năm gần đây người dân có quan niệm, trái phật thủ dùng để thờ Phật và gia tiên, do có hương thơm và đem lại may mắn cho gia chủ, nên khách hàng rất ưa chuộng loại trái cây này, nhất là vào dịp Tết cổ truyền. Với những khách hàng kỹ tính, một quả phật thủ đẹp cần hội tụ đủ các yếu tố “âm dương ngũ hành". Một quả phật thủ quý khi có số ngón đạt trên 20, ngón cuối cùng phải nằm ở chữ “thịnh”, theo cách đếm: “Thịnh - Suy - Vi - Thái”.


Một quả phật  thủ có giá 500.000 đồng, đã được khách hàng đặt mua trước Tết vài tháng để sử dụng trong dịp Tết tại nhà vườn xã Yên Sở.


Vài năm trở lại đây bên cạnh sản phẩm chính là quả phật thủ, nhiều nông dân ở xã Yên Sở đã phát triển và sáng tạo thêm mặt hàng phật thủ cảnh chơi Tết, nhiều chủ vườn bán cả cây phật thủ tại vườn với giá gần 20 triệu đồng.


Gần Tết, tại Yên Sở thương lái nườm nượp đến tận vườn tìm mua và vận chuyển phật thủ đi khắp nơi tiêu thụ.


Không chỉ đem đến niềm vui cho người trồng, mô hình phát triển kinh tế từ nông nghiệp này đang mang lại những mùa xuân bình yên, sung túc cho những người dân xã Yên Sở và Đắc Sở.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực