Phát triển kinh tế từ trồng chanh tứ quý

Thứ năm, 09/05/2019 11:31
(ĐCSVN) - Những vườn chanh tứ quý được nhiều hộ nông dân ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) trồng theo quy trình VietGap đang tạo ra những "vụ mùa ngọt", giúp phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Cây chanh tứ quý được đưa về xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên khoảng từ năm 2012, bén duyên trên đồng đất Khoái Châu, vài năm trở lại đây phong trào trồng chanh tứ quý phát triển mạnh, được nhiều hộ gia đình lựa chọn để thâm canh, bởi hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa.

Theo một số chủ vườn xã Tân Dân, so với giống chanh thường từ lúc trồng đến thu hoạch phải mất 15 tháng và chỉ thu được từ 10-20kg/đợt/cây vào tháng 7 và tháng 8 thì giống chanh tứ quý có chu kỳ thu hoạch chỉ từ 3-5 tháng và có thể thu hoạch quả liên tục từ tháng 2 đến tháng 6. Bên cạnh việc sử dụng chanh quả, giống chanh tứ quý còn được ứng dụng trong việc phát triển kinh tế bằng mô hình chanh sân vườn. Nhiều hộ trồng chanh tứ quý ở Tân Dân cung cấp dịch vụ từ trồng cây đến chăm sóc chanh cảnh tại các ngôi biệt thự hay nhà vườn với giá 1.000.000 - 5.000.000/cây nhỏ, 10.000.000 - 50.000.000/cây to...

Nói về hỗ trợ của địa phương đối với người dân trong việc phát triển mô hình trồng chanh tứ quý, huyện Khoái Châu đã hỗ trợ các hộ trồng chanh tứ quý hoàn thiện thủ tục pháp lý để cấp đăng ký kinh doanh, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về mặt quản lý hợp tác xã; hướng dẫn các hội viên trồng giống chanh tứ quý ở một số huyện trong tỉnh Hưng Yên; thành lập mô hình Hợp tác xã để xây dựng thương hiệu chanh vàng tứ quý, phát triển rộng rãi hơn trên thị trường, góp phần tăng doanh thu, ổn định đầu ra cho các hộ sản xuất.

Những trái chanh đang trong giai đoạn phát triển, chuẩn bị cho thu hoạch tại một nhà vườn ở xã Tân Dân.

Với ưu điểm cây khỏe, năng suất cao, vốn đầu tư thấp, dễ thích ứng với thổ nhưỡng, có khả năng chống chọi dịch bệnh cao, phù hợp với quỹ đất hạn hẹp, nhiều người dân ở xã Tân Dân đã chọn chanh tứ quý là loại cây chủ lực để canh tác trên đồng đất quê hương.


Chanh tứ quý chỉ 7 tháng đã ra hoa, đậu quả, thời gian thu hoạch kéo dài liên tục từ tháng 2 đến tháng 6, sản lượng ngày càng cao theo sự phát triển của cây, giúp nhà nông có thu nhập đều.


Trái chanh tứ quý ở Tân Dân nhập giống từ Úc, khi trưởng thành to gần gấp hai lần chanh thường.


Anh Lê Đình Năm trồng chanh đào từ năm 2011 cho biết: So với cây lúa, thu nhập từ trồng chanh cao hơn nhiều, doanh thu từ 50 - 60 triệu đồng/năm. 


Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng anh Năm cho biết: Kỹ thuật chăm sóc chanh ở xã Tân Dân sử dụng chế phẩm sinh học từ đậu tương để cung cấp dinh dưỡng cho cây ra quả quanh năm. Khi cây trồng ra vườn lớn được 25-30 ngày, người trồng sẽ rắc vào mỗi gốc cây 1 lạng bột đỗ tương, có tác dụng thay thế một số phân bón hóa học, giúp tăng sức đề kháng sâu bệnh cho cây.


Người trồng chanh giới thiệu kỹ thuật “tiện gốc” ép chanh đậu trái vụ, một cách làm sáng tạo của người nông dân ở xã Tân Dân.


Với ưu điểm mọng nước và độ chua thanh, chanh tứ quý ở Tân Dân được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng, dùng làm gia vị trong những bữa ăn hay pha chế nước giải khát …

Đối với những gốc chanh ngoài việc tưới nước bằng hệ thống tự động, người trồng chanh còn sử dụng cả tưới nước thủ công để luôn đảm bảo độ ẩm cho cây.


Bên cạnh việc được dùng làm chanh ăn quả, giống chanh tứ quý còn được ứng dụng trong việc phát triển kinh tế bằng mô hình chanh kiểng, chanh sân vườn.


Mô hình trồng chanh tứ quý góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp với quy hoạch tại địa phương, giúp nâng cao thu nhập,đang tạo ra những những vụ "quả ngọt" cho người nông dân trên vùng đất Khoái Châu.

N Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực