Sới vật ngày Xuân

Thứ năm, 15/02/2018 00:21
(ĐCSVN) - Đấu vật môn thể thao không thể thiếu trong các hội Xuân vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều sới vật đã lưu truyền, tồn tại qua hàng trăm năm. Bên cạnh ý nghĩa mang lại nụ cười sảng khoái ngày Xuân, sới vật còn biểu đạt tinh thần thượng võ dân tộc, là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa làng, xã từ ngàn xưa.

Trên cả nước hiện có hàng trăm hội vật tổ chức vào dịp đầu Xuân mới, riêng miền Bắc có nhiều làng có sới vật nổi tiếng như: Liễu Đôi (Hà Nam), Mai Động (Hà Nội), Hội Lim, sới vật  Đồng Kỵ (Bắc Ninh)…,Ở huyện Tiên Du xưa, sới vật Đình Cả từng nổi danh khắp vùng, nơi đây có cụ Nguyễn Đình Bốn (tức đô Bốn) làm trưởng môn đã xây dựng sân vật, thi đấu giao hữu nhiều sới vật trong khu vực và các tỉnh thành khác. Các anh em ruột của cụ như cụ Đám Bẩy, cụ Chánh Mười, Chánh Thu, con cháu cụ như ông Nhẫy, ông Nguyễn Đình Khôi, Nguyễn Đình Khả… và nhiều cụ trong sới vật của làng đã từng thi đấu và giành được giải cao ở nhiều lễ hội khu vực miền Bắc. Cùng sới vật Đình Cả, huyện Tiên Du còn có nhiều sới vật khác ở tại các xã Trung Mầu, Tri Phương, Đồng Nguyên...

Huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng có hàng chục sới vật nổi tiếng, được tổ chức vào mùng 4 Tết tới rằm tháng Giêng... đó là sới vật làng Bùng (Phùng Xá), làng Núc (Canh Nậu), Phú Lễ, Phú Kim, Đông Quang, Ngô Tề (Quốc Oai)…

Hiện một số tỉnh, thành vẫn giữ phong tục “vật thờ” một cách giới thiệu của địa phương mở hội vật. Keo vật thờ không phân định thắng thua mà thường được kết thúc bằng một miếng sườn, sau đó cả hai đô cùng lộn một vòng rồi ngồi lại giữa sới, mắt hướng về người cầm trịch, với ý nghĩa cẩn cáo với Thành Hoàng, tổ tiên thành tích tập luyện quê hương mình trong năm qua. Keo vật thờ thường chỉ dành cho những lão đô cao tuổi đăng cai giải, những lão đô này phải là người có đức có tài mới được chọn để giới thiệu miếng đánh “vật thờ” với người xem.

 

Quang cảnh một sới vật cổ truyền trong lễ hội đầu xuân, tỉnh Bắc Ninh.

Các vị bô lão với vai trò “cầm cân nảy mực” trong sới vật cổ truyền.

Người cầm trống chầu, đòi hỏi phải am hiểu về âm luật, các bài trống như: Trống mời vào sới vật hay trống dồn thôi thúc đô vật quật ngã đối thủ…, tạo không khí tưng bừng rộn rã cho sới vật.

Mở đầu keo vật là màn se đài, nghi thức luôn được người xem trông ngóng, chờ đợi nhất, bởi se đài bao giờ cũng “khoe” cái hay, cái đẹp và tôn lên nét đặc trưng của tinh thần thượng võ.

Theo luật lệ thi đấu hai đô phải 3 bước lên (vinh qui bái tổ), lại ba bước xuống, rồi ba lần ra, ba lần vào. Các động tác phải phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, lưng không được quay vào phía cửa đình hay phía Ban tổ chức.

Đô vật không phân biệt hạng cân, tuổi tác và phải qua thi đấu giải lèo (vòng loại), nếu thắng hai trận thì được vào vòng trong giữ giải, khi giữ giải nếu có đô xin phá mà thắng tiếp được ba trận  thì mới đoạt giải.


Hai đô bước vào keo vật thận trọng từng động tác, miếng đánh, cách tấn công, phòng thủ, phản công, khiến người xem mới thấm, mới say.

Đa số các sới vật đều thi đấu theo luật vật cổ truyền, các đô bị nhấc bổng hai chân (tứ chi túc li địa), hoặc bị đẩy nằm ngửa (nấm lưng, trắng bụng) là thua cuộc.

Hai loại tấn công chủ đạo của vật Việt Nam là những miếng ngáng, miếng đệm làm cho đối phương ngã xuống và những miếng bốc để nhấc bổng đối thủ lên.


Điều gì cũng có thể xảy ra ở sới vật, một ông đô ốm nhom có thể đánh đổ một đô vật “khổng lồ” hừng hực đầy khí thế, trong sự cổ vũ, reo hò đầy náo nhiệt của khán giả.

Các nhà vô địch nhận được số tiền giải thưởng và hiện vật từ Ban tổ chức và các cá nhân, Giải thưởng tuy không lớn nhưng trên hết chính là nét đẹp văn hóa, tinh thần thượng võ dân tộc vẫn đang được gìn giữ và lưu truyền.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực