Tái hiện Lễ cưới của dân tộc Nùng

Thứ hai, 03/09/2018 11:01
(ĐCSVN) - Lễ cưới là một nghi lễ đặc biệt đã lưu truyền trong đời sống người Nùng qua nhiều thế hệ. Nghi lễ này có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, cũng như góp phần cho sắc màu vườn hoa văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ.

Sáng 1/9/2018, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội), đồng bào Nùng (tỉnh Lạng Sơn) đã tái hiện Lễ cưới của dân tộc mình, thể hiện nét văn hóa sinh hoạt đặc trưng, phản ánh đậm nét phong tục truyền thống của đồng bào. 

Văn hóa dân tộc Nùng đa dạng và phong phú với kho tàng thơ ca, nhạc, múa, truyện cổ tích thần thoại và các lễ hội... Trong đó, phong tục hôn nhân là vốn văn hóa cổ truyền đặc sắc của dân tộc này. Để tiến tới hôn nhân, người Nùng phải thực hiện trang trọng các nghi lễ như: Lễ so tuổi, Lễ dạm hỏi, Lễ dẫn cưới, Lễ đón dâu, Lễ lại mặt và một số tục lệ khác. Trong đó, Lễ cưới là một nghi lễ đặc biệt đã lưu truyền trong đời sống người Nùng qua nhiều thế hệ. Nghi lễ này có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, cũng như góp phần cho sắc màu vườn hoa văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ.

Lễ đầu tiên là “so tuổi”, trên cơ sở tình yêu của đôi bạn trẻ, nhà trai mang sang nhà gái một đôi quả cau để xin thông tin về ngày, tháng, năm sinh cô gái. Nếu hợp nhau, nhà trai đến nhà gái lần hai làm lễ dạm hỏi. Trong lễ dạm hỏi, nhà trai chọn một người làm ông mối, là người có gia đình và có cả con trai, con gái, có uy tín đại diện nhà trai bàn với nhà gái về việc hôn lễ. Nếu được gia đình nhà gái nhất trí, nhà trai sẽ hẹn ngày đến để làm lễ ăn hỏi. Sau lễ dạm hỏi là lễ ăn hỏi “Lảu nự”. Trong lễ ăn hỏi, hai bên gia đình bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đám cưới như: lễ vật, ngày giờ đón dâu... Sau khi mọi công việc trên hoàn tất, hai bên gia đình sẽ bắt tay vào chuẩn bị cho lễ cưới.

Lễ cưới của dân tộc Nùng là phong tục đặc sắc, truyền thống văn hoá lâu đời, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, ước muốn mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cộng đồng. Đây còn là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu phong tục tốt đẹp của người Nùng là cơ hội để đồng bào Nùng quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình tới du khách trong nước và quốc tế tại Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em.

 

Nhà trai trong tâm trạng háo hức chờ đón đoàn rước dâu về nhà. 


Đoàn nhà trai đi rước dâu.


Bố chồng và các bậc cao niên nhà trai trong nghi thức cưới hỏi truyền thống của người Nùng.


Cô dâu Đặng Thị Hà, và chú rể Đàm Minh Khôi, thôn Sơn Chủ, xã Tân Thành (Cao Lộc - Lạng Sơn)


Bố chú rể thắp hương mời ông bà tổ tiên về chứng giám buổi hôn lễ.


Lễ cưới người Nùng diễn ra với nhiều lễ nghi đặc sắc như: Khi đón dâu phải đúng thời gian ước hẹn; đoàn đón dâu người Nùng thường là 6, 8 hoặc 10 người. Trước khi vào nhà trai, cô dâu phải dùng chân làm đổ cái bàn, trên đó có 5 cái bánh nặn bằng gio bếp mà gia đình nhà chú rể chuẩn bị. Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể phải thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và cúi lạy. Trong lễ đón dâu, ông mối sẽ phải đối đáp bằng lối hát sli với nhà gái để xin rước cô dâu về.


Sau nghi thức ra mắt, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và cúi lạy, đoàn rước đưa cô dâu về phòng.


Theo tín ngưỡng người Nùng, các vật dụng được đưa vào phòng cô dâu đầu tiên là chiếc chiếu và cây mía

với ý nghĩa mang lại sự ngọt ngào, may mắn cho đôi vợ chồng trẻ.

Nghi thức cô dâu đốt diêm ném bốn góc giường cầu mong điều may mắn.


Sau đó, cô dâu ngồi trên giường nhìn thẳng vào ngọn đèn cầu ước sự may mắn


Tiếp đó, cô dâu tới quỳ lạy mẹ chồng và người thân trong họ nhà chồng.


Cô dâu ra quỳ lạy và mời trầu, mời nước bố chồng và những người có tuổi trong họ nhà trai.

Từ đây, đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng.


Ngay sau các nghi lễ truyền thống, mọi người trong họ và khách mời cùng thưởng thức sản vật núi rừng,

hát những bài ca truyền thống mừng hạnh phúc cô dâu chú rể, mừng gia tộc thêm một người mới.

 

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực