Vùng chuyên canh na dai xoá nghèo ở Lục Nam

Thứ bảy, 15/09/2018 15:49
(ĐCSVN) - Trên vùng đất đồi gò khô cằn, cỏ dại còn khó mọc, nhưng từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, cùng sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng của người dân, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đã hình thành những vùng chuyên canh trồng cây na dai năng suất cao, giúp xoá đói, giảm nghèo hiệu quả.

Về huyện Lục Nam vào những ngày đầu thu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh ngút ngàn của hoa trái. Ông Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm HTX sản xuất na dai Lục Nam đưa chúng tôi đến thăm vườn na đang chờ ngày thu hái của gia đình ông Phương Minh Hiến ở thôn Khuyên, xã Huyền Sơn. Những cây na trong vườn nhà anh Hiến có quả chín, quả xanh, quả non và hoa theo ý muốn người trồng là nhờ kỹ thuật tỉa cành và thụ phấn nhân tạo, điều chỉnh lượng quả trên cây ở từng giai đoạn. Hiện trên diện tích canh tác 3 ha, trồng 600 gốc na dai, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Ngoài xã Huyền Sơn, phương pháp thụ phấn nhân tạo, kỹ thuật rải vụ, “bắt” na ra quả còn được người dân tại các xã trồng na trọng điểm của huyện Lục Nam áp dụng thành công như: Cương Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú… Những năm gần đây, ở Lục Nam, na luôn được mùa, được giá. Tư thương ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh... về tận nơi thu mua sản phẩm để tiêu thụ tại các chợ và siêu thị lớn khắp các tỉnh, thành cả nước.

Theo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Lục Nam hiện trồng khoảng 1.700 ha na, sản lượng na toàn huyện ước đạt 17.000 tấn, doanh thu trên 400 tỷ đồng/năm. Xã Huyền Sơn có 10/15 thôn trồng na, diện tích canh tác khoảng 120 ha, tập trung tại các thôn Văn Giang, Giếng Giang, toàn xã đạt thu khoảng 30 tỷ đồng/năm… Nhờ đó mà người dân phấn khởi bám đất, giữ rừng.

 


Những vườn na ở Lục Nam được người trồng áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGap.


Bám sát vườn, yêu nghề, những người trồng na ở xã Huyền Sơn “bắt” na ra quả theo ý muốn. Có thể cho na ra quả ở cả thân, cành. Nếu như na ở nơi khác trong năm cho thu hoạch tập trung vào tháng 7 âm lịch thì na của Huyền Sơn cho thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 11 âm lịch.


Việc thụ phấn hoa nhân tạo không chỉ giúp na ra quả đồng đều, mà còn giúp rải vụ thu hoạch. Trong khi ở nhiều nơi đã kết thúc mùa vụ nhưng nơi đây vẫn có na bán, thời điểm được giá có thể tới 50.000 - 53.000 đồng/kg.


Phát triển cây na ở vùng đất này không thể không nhắc tới ông Nguyễn Xuân Thủy, ông Bùi Văn Quang - những người đi đầu áp dụng kỹ thuật lai tạo na dai, tạo tiền đề hình thành vùng sản xuất na hàng hóa ở Huyền Sơn...


Theo ông Bùi Văn Quang, từ quan sát thực tế, những quả na ra từ thân đều to, mã đẹp, ông thực nghiệm cắt hết đầu cành na với chiều dài từ 15-20 cm. Vậy là từ thân cành, lộc ra khá nhiều, sau đó trổ hoa, đậu quả. Ông đã mạnh dạn áp dụng cách làm này trên diện tích hơn 1,5 mẫu vuờn na của gia đình.


Ông Quang chia sẻ, để làm điều này cần đốn toàn bộ cành cây cao vào trung tuần tháng 11 năm trước, cắt bớt một số cành cho thoáng, để cây không tốn dinh dưỡng nuôi cành. Quả ra từ thân sẽ hấp thụ dinh dưỡng nhanh hơn ở cành nên thường cho quả to. Để cây khỏe bật mầm, ra hoa sớm và quả đẹp nên chăm bón, phục hồi cây sau thu hoạch, cần phòng trừ một số sâu bệnh thường gặp như giòi quả, bệnh vàng lá, bọ nhảy, muội đen, sâu….


Tại nhà vườn gia đình ông Phương Minh Hiến ở xã Huyền Sơn, Lục Nam, Bắc Giang 100% cây na đều ra quả từ thân.


Ông Hiến chia sẻ về phương pháp chăm sóc và thụ phấn nhân tạo cho na dai theo kỹ thuật mới.


Kỹ thuật “bắt” na ra quả từ thân tại nhà vườn ông Hiền.


Na dai Lục Nam được nhiều người biết tới với quả sạch, mẫu mã đẹp, khi chín có vị ngọt thơm ngon, thịt quả đầy và mềm.


Từ những "vụ mùa ngọt" , những ngôi nhà khang trang xuất hiện ngày càng nhiều trên đất cằn đang giúp người dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương một cách bền vững.

Sau thời gian dài khẳng định chất lượng, chỗ đứng trên thị trường, cùng sự vào cuộc tích cực của người dân, chính quyền địa phương và ngành chức năng, na dai Lục Nam đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa vào ngày 11/11/2014, do Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thương hiệu “Na Lục Nam”.

Để phát huy lợi thế vùng đồi, UBND xã Huyền Sơn đề ra nhiều biện pháp phát triển cây na thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: quy hoạch vùng trồng na hàng hóa; thành lập HTX sản xuất na dai Lục Nam quy tụ các xã viên để giúp đỡ nhau về kỹ thuật sản xuất; cử các hộ trồng na tiêu biểu tham gia hợp tác xã na của huyện; mở rộng diện tích canh tác na; thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hàng hoá cho sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, tạo uy tín và thương hiệu cho na dai Lục Nam nói chung, xã Huyền Sơn nói riêng.

UBND huyện Lục Nam tích cực hướng người dân trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện Lục Nam đã có 650 ha na trồng theo tiêu chuẩn này, đạt sản lượng khoảng 5.600 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2020, diện tích na tăng thêm 500-600 ha, tập trung tại các xã trọng điểm là Huyền Sơn, Cương Sơn, Đông Phú, Nghĩa Phương, Tiên Nha, Lan Mẫu… Huyện còn phối hợp với Học viện Nông nghiệp I Hà Nội tổ chức hội thi tuyển chọn giống na chất lượng và cấp giấy chứng nhận cây đầu dòng để nhân giống. Cùng đó các cấp, ngành như nông nghiệp, ngành khoa học và công nghệ cũng quan tâm tới sản phẩm này. Nhiều đề tài, dự án về na đã được thực hiện. Một số giải pháp, sáng kiến trong chăm sóc cây trồng được áp dụng, giúp tăng sản lượng, chất lượng tốt.

Tin rằng tương lai không xa na dai Lục Nam sẽ có thêm nhiều thị trường mới, hướng tới mục tiêu xuất khẩu, được nhiều người biết đến hơn, từ đó góp phần làm giàu, mạnh thêm tiềm năng kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Giang.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực