Đà Nẵng: Tạm dừng hoạt động của 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc

Thứ bảy, 03/03/2018 09:21
(ĐCSVN) – Ngay sau buổi đối thoại giữa chính quyền TP. Đà Nẵng với người dân 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) ngày 28/2, UBND TP. Đà Nẵng đã ra văn bản thông báo kết luận của lãnh đạo TP liên quan đến kiến nghị của các hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm từ hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc.
Nhiều người dân 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 tại buổi đối thoại với UBND TP. Đà Nẵng

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng giao Văn phòng UBND TP trong ngày hôm nay (2/3) phải hoàn thiện các phương án xử lý liên quan đến việc di dời, giải tỏa tại khu vực hai nhà máy thép; trình Ban cán sự Đảng UBND TP xem xét, cho ý kiến để báo cáo xin chủ trương của Thường trực Thành ủy.

Đối với Công ty Cổ phần thép Dana Ý và Dana Úc, theo văn bản này, trong thời gian chờ ý kiến của lãnh đạo thành phố yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường, kể từ ngày 28/2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tổ chức giám sát việc tạm dừng hoạt động nêu trên.

Các hoạt động vận chuyển; bốc, dỡ; xuất, nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác của doanh nghiệp vẫn được thực hiện bình thường. Khi thực hiện việc vận chuyển, xuất, nhập hàng hóa, yêu cầu các doanh nghiệp thông báo cụ thể thời gian, loại phương tiện, số lượng người tham gia cho UBND xã Hòa Liên biết để thực hiện việc giám sát.

UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã Hòa Liên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân được rõ, ủng hộ chủ trương của TP và chấp hành đúng quy định của pháp luật; đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi lôi kéo, kích động người dân gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trước đó, do bức xúc từ việc hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (đóng tại thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 xã Hòa Liên) gây ô nhiễm kéo dài và việc chính quyền địa phương hứa có giải pháp xử lý từ hơn 01 năm qua nhưng đến nay vẫn không có chuyển động nào, từ tối 26/2 đến trưa 27/2, hàng trăm người dân 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 đã tục tập trung trước nhà máy để phản đối.

Theo trước tình hình trên, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo Đảng ủy, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Liên chỉ đạo các lực lượng đến hiện trường, yêu cầu 2 nhà máy tạm ngừng hoạt động để ổn định tình hình; vận động nhân dân không được có những hành động quá khích đập phá tài sản của 2 Công ty trên.

Qua vận động của chính quyền và các lực lượng chức năng địa phương, 2 nhà máy thép này đã ngừng hoạt động; trong khi đó, theo yêu cầu của người dân, 2 nhà máy cũng đã cho công nhân nghỉ làm việc để về nhà và đề nghị UBND xã, huyện kiến nghị đến lãnh đạo TP. Đà Nẵng về đối thoại với dân để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực do ảnh hưởng của 2 nhà máy thép, thực hiện di dời nhà máy hay di dời dân và công bố rõ thời gian thực hiện. 

Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ UBND huyện Hòa Vang về vụ việc, UBND TP. Đà Nẵng đã cử đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh trực tiếp đến gặp gỡ và đối thoại với nhân dân 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 vào chiều 27/2.

Tuy nhiên, khi đoàn công tác của UBND TP đến gặp, nhiều người dân của 2 thôn đã không có mặt tại cuộc họp (vì lý do gấp, thông tin thông báo về cuộc họp không đến kịp các hộ dân) nên đoàn công tác đã thống nhất với đại diện Ban nhân dân 2 thôn và những hộ dân có mặt chuyển cuộc họp này sang chiều hôm sau (28/2).

Đúng 14h ngày 28/2, cuộc đối thoại giữa người dân 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 với đại diện chính quyền TP. Đà Nẵng đã diễn ra.

Theo nhiều người dân phản ánh, đã nhiều năm nay, 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc hoạt động gây ô nhiễm bụi, khói cũng như xả chất thải ra ngoài môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân trong khu vực; đồng thời, tiếng ồn do quá trình sản xuất của các nhà máy cũng làm ảnh hưởng, đảo lộn đời sống, sinh hoạt của bà con.

Trước tình trạng trên, lần này là lần thứ ba chính quyền TP .Đà Nẵng đã đối thoại với người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của 2 nhà máy nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Người dân phải sống chung với ô nhiễm không thể kéo dài.

Theo anh Lê Văn Vĩnh (42 tuổi, thôn Vân Dương 2), nhà anh cách tường rào nhà máy thép Dana Ý 20 m. Đã nhiều năm qua, tiếng ồn và mùi hôi khét, bụi khói do nhà máy xả ra đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình anh. Vì vậy, bản thân anh và hàng chục hộ lân cận khác đều mong muốn chính quyền TP có giải pháp khẩn cấp di dời ngay nhà máy ra khỏi khu vực dân cư.

“Tại cuộc đối thoại năm ngoái, đại diện chính quyền TP. Đà Nẵng hứa sẽ có giải pháp xử lý tình trạng gây ô nhiễm của hai nhà máy thép này bằng cách di dời nhà máy hoặc tổ chức tái định cư, di dân ra xa nhà máy, nhưng đã hơn 01 năm vẫn không có động thái gì. Mỗi ngày từ sáng đến tối, chúng tôi bị tiếng ồn từ sản xuất của nhà máy tra tấn, mùi hôi khét và khói bụi đùn vào nhà không thể sống bình thường được. Chúng tôi đồng ý với cách giải quyết của TP từ năm trước là di dời ra khỏi khu vực này, nhưng TP phải có đất tái định cư cho dân và nơi tái định cư phải xa, đảm bảo không còn ảnh hưởng từ các hoạt động của nhà máy”- anh Vĩnh đề nghị.

Trong khi đó, ông Lê Quế (73 tuổi, tổ 1, thôn Vân Dương 2) cho biết, bản thân ông và gia đình sống gần nhà máy thép nên từ 3 năm nay, do hít phải khí độc từ nhà máy mà ông bị bệnh phổi nặng. “Tôi lo nhất là bệnh mình có thể chuyển thành ung thư phổi, bởi vì tại Tổ 1 nơi tôi sinh sống, gần đây có nhiều người bị ung thư phổi đã chết; trong đó nhiều người trẻ tuổi hơn tôi nhiều”- ông Quế bày tỏ lo lắng; đồng thời đề nghị: UBND TP. Đà Nẵng và huyện Hòa Vang cần có biện pháp đưa 2 nhà máy thép ra khỏi địa bàn của 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 hoặc tìm đất tái định cư, đưa dân ra xa nhà máy để sinh sống, làm ăn. Trong quá trình chờ quyết định cuối cùng của TP, 2 nhà máy phải dừng ngay các hoạt động sản xuất như hiện nay.

Cùng chung quan điểm với ông Quế, ông Nguyễn Xuân Lợi (Tổ 2, thôn Vân Dương 2) bức xúc nói rõ: “Thành phố đừng vì 23 ngàn tỷ đồng của nhà máy thép đầu tư vào đây mà lơ là đến sức khỏe, tính mạng người dân. Chúng tôi mong muốn TP và huyện quan tâm hơn đến người dân chúng tôi đang từng ngày, từng giờ chịu cảnh hít phải không khí bị ô nhiễm lẫn tiếng ồn làm giảm chất lượng cuộc sống và thực tế, đã có rất nhiều người của 2 thôn đã bị ung thư chết. Việc này không phải đến bây giờ dân chúng tôi mới nói mà từ 15 năm qua, kể từ khi 2 nhà máy thép đầu tư tại đây. Trước bức xúc của dân,  chính quyền từ thôn đến xã, huyện và TP đã tổ chức nhiều cuộc họp với dân rồi nhưng đến nay vẫn không giải quyết được là vì sao ? Chúng tôi mong TP lần này phải trả lời dứt khoát để đưa ra giải pháp giải quyết dứt điểm”.

Trước các bức xúc của người dân, ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Dana Ý cho biết, cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã nhiều lần tiếp xúc với người dân. Qua những lần tiếp tục này, nhất là cuộc tiếp xúc trong năm 2017, người dân đồng ý đến nơi ở mới. Về phía nhà máy, theo lộ trình chúng tôi cũng phải di dời. Tuy nhiên, đến nay phương án di dời nhà máy vẫn chưa thực hiện được do chưa tìm được nơi phù hợp để đặt nhà máy. Theo ông Tân, để giải quyết vấn đề ô nhiễm, tết dương lịch vừa qua, nhà máy dừng sản xuất để khói bụi không xảy ra. Nước thải đã không xả ra ngoài.

Cũng theo ông Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Dana Ý, vấn đề giải tỏa chậm là vì nhiều quy trình thủ tục. “Ngân sách của TP không đủ, chỉ lo được tái định cư cho dân, còn giải tỏa phía doanh nghiệp lo, sau này TP trả lại tiền. Nếu bà con không cho nhà máy hoạt động thì Công ty không có tiền để giải tỏa, đền bù. Chúng tôi muốn bà con và Công ty có tiếng nói chung để giải quyết vấn đề. Còn nếu bà con cứ kiên quyết yêu cầu đóng cửa nhà máy thì chúng tôi cũng sẽ chấp nhận" - ông Huỳnh Văn Tân nói.

 

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đối thoại với người dân 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2

Trả lời các phản ánh và đề xuất của người dân, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, bài toán di dời dân hay di dời nhà máy đến nay lãnh đạo TP vẫn đang cân nhắc, dù giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã thống nhất phương án.

Tuy nhiên, theo ông Minh, cả hai phương án di dời nhà máy hay di dời dân đều không tối ưu. Đầu tiên định di dời hai nhà máy nhưng các cơ quan của TP rà soát vẫn không tìm được vị trí di dời. Còn di dời dân thì đối mặt với áp lực tái định cư, trong khi di dời nhà máy thì phải đền bù rất tốn kém mà TP chưa có đủ kinh phí để thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, theo đa số có ý kiến của bà con lần này là phải đóng cửa nhà máy và không di dời dân. "Chúng tôi xin ghi nhận và sẽ báo cáo lại lãnh đạo thành phố, thứ hai tuần tới sẽ báo cáo lại cho người dân"./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực