Bài 2 – Bất ổn tài chính - Những con số "biết nói"

Thứ ba, 08/05/2018 17:11
(ĐCSVN) - Cùng với những "lỗ hổng" trong quản lý tài nguyên, bảo đảm an toàn lao động, tình hình sản xuất trong năm 2017 của Công ty CP Than Mông Dương còn tồn tại nhiều bất cập, với những món nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu…

Công ty CP Than Mông Dương: Dấu hỏi về năng lực quản lý, chiến lược phát triển doanh nghiệp?

Từng tự hào là một trong những đơn vị có lịch sử xây dựng, phát triển thuộc vào tốp đầu của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, song điều đáng buồn nhất hiện nay đối với người lao động tại Công ty CP Than Mông Dương đó là những số liệu không mấy khả quan về tình hình tài chính của công ty. Theo đó, Báo cáo tài chính năm 2017 đã kiểm toán cho thấy, Công ty CP Than Mông Dương đang có tổng số nợ lên tới hơn 1.084 tỷ đồng bao gồm nợ ngắn hạn là hơn 535 tỷ đồng và nợ dài hạn là hơn 549 tỷ đồng. Điều đáng nói là vốn chủ sở hữu của công ty hiện là 235 tỷ đồng, tức là chưa bằng 1/4 tổng số các khoản nợ.

Vẫn theo báo cáo tài chính 2017 đã kiểm toán, hiện nay 2 khoản lớn nhất trong nhóm nợ ngắn hạn của Công ty CP Than Mông Dương là nợ bạn hàng hơn 181,7 tỷ đồng và vay thuê tài chính gần 279 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, bản thân cơ cấu nợ của Công ty CP Than Mông Dương cũng đang có dấu hiệu bất hợp lý. Bởi có tới trên 2/3 số nợ ngắn hạn phải trả hiện nay của doanh nghiệp này là nợ các đối tượng khác (không liên quan đến hoạt động sản xuất, thương mại). Với một doanh nghiệp có chức năng chính là sản xuất, cần phải đầu tư máy móc thiết bị có giá trị lớn để sản xuất như Công ty CP Than Mông Dương thì những món nợ này đang gây ra rất nhiều nghi vấn về cách thức hoạt động của công ty.

Trước tình hình kinh doanh sa sút của Công ty, các cổ đông, cán bộ công nhân viên đang đặt dấu hỏi lớn về năng lực quản lý, chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Qua tìm hiểu được biết, đến hết năm 2017, Than Mông Dương cũng là “con nợ” rất lớn của nhiều ngân hàng, với số nợ lên tới gần 828 tỷ đồng (549,2 tỷ đồng vay và thuê tài chính dài hạn, con số ngắn hạn là 278,9 tỷ đồng). Có thể kể đến nhiều ngân hàng đang là chủ nợ lớn của Than Mông Dương như: Ngân hàng thương mại Sài Gòn – Hà Nội (trên 349 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (trên 126,5 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (khoảng 65,6 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (khoảng 69,1 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Quảng Ninh (hơn 79 tỷ đồng)…

Theo phản ánh, việc chi tiêu tài chính của Công ty cũng có nhiều dấu hiệu mất cân đối, thiếu hợp lý. Là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng công ty này lại có chi phí quản lý doanh nghiệp gấp tới gần 10 lần chi phí bán hàng. Trong năm 2017, Than Mông Dương dành tới hơn 122 tỷ cho hạng mục chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong khi chi phí cho bán hàng chỉ hết 14,1 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 122 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp, chỉ 45 tỷ đồng chi cho nhân viên, còn lại gần 72,5 tỷ đồng là “chi khác”.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả đối với người lao động và các cổ đông của Công ty CP Than Mông Dương chính là hiệu quả sản xuất kinh doanh hiện đang tỷ lệ nghịch với các khoản nợ của doanh nghiệp. Theo Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, tính đến ngày 31/12/2017, tổng lợi nhuận trước thuế của Công ty CP Than Mông Dương là 19,3 tỷ đồng; trong khi con số này năm 2016 là 28,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty năm 2017 là 11,3 tỷ đồng so với 22,07 tỷ đồng, năm 2016. Được biết, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Than Mông Dương năm 2017 đặt chỉ tiêu doanh thu hơn 1.707 tỷ đồng, lợi nhuận 23,6 tỷ đồng. Nhưng thực tế, đến hết năm 2017, doanh thu chỉ đạt hơn 1.444 tỷ đồng (84,5% chỉ tiêu). Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính, thù lao thu nhập của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát lại tăng so với năm 2016 và lên tới hơn 2,5 tỷ đồng (cho 14 người).

Các chỉ số tài chính cơ bản cho thấy, "sức khỏe tài chính" không tốt của Than Mông Dương.

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Văn Bền, Phó Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương chia sẻ: Trận lũ lịch sử năm 2015 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất của nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó công ty CP Than Mông Dương. Phải mất hơn 2 tháng, doanh nghiệp mới ổn định sản xuất trở lại nhưng đến nay những khó khăn vẫn còn rất nhiều. Cùng với đó, những khó khăn chung của nền kinh tế cũng ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.

Rõ ràng, những số liệu trong Báo cáo tài chính năm 2017 đã phản ánh phần nào tình trạng “sức khỏe tài chính” với những dấu hiệu đáng lo ngại của Công ty CP Than Mông Dương. Cho dù khách quan có những tác động thế nào nhưng không thể lấy lý do đó để biện minh cho yếu kém của Công ty CP Than Mông Dương.

Và với những số liệu đó, cán bộ, công nhân viên và các cổ đông của công ty hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi lớn về năng lực quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của tập thể Ban lãnh đạo công ty. Đồng thời, dư luận cùng đông đảo cán bộ, công nhân viên và các cổ đông của Công ty cổ phần Than Mông Dương mong mỏi những vấn đề nêu trên cần sớm được làm rõ và có giải pháp phù hợp nhằm giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước và tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động trong công ty./.

Nhóm PV Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực