Bài 2 – Cần làm rõ tiền đền bù 1.295 m2 đất của gia đình ông Đỗ Đình Đức đang ở đâu?

Thứ sáu, 13/04/2018 11:29
(ĐCSVN) - Không phải ngẫu nhiên một vụ việc tưởng chừng quá rõ ràng với đầy đủ văn bản, tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng của gia đình ông Đỗ Đình Đức đối với thửa đất ao số 207, tờ bản đồ số 07 tại thôn Pháp Vân, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (cũ) lại kéo dài đến hơn 20 năm.

Quận Hoàng Mai, Hà Nội: Có hay không việc cố tình làm sai quy định trong giải quyết khiếu nại của công dân?

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này chính là do cách làm “khó hiểu” của chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng có liên quan trong quá trình giải quyết khiếu nại của công dân…

Như đã nói ở bài viết trước, mặc dù đại diện gia đình ông Đỗ Đình Đức đã cung cấp toàn bộ những văn bản, giấy tờ có liên quan như văn tự đoạn mãi; Bản án của Toàn án nhân dân thành phố Hà Nội; giấy xác nhận của HTX Pháp Vân; xác nhận của Ban quản lý ruộng đất xã Hoàng Liệt; Phiếu thu tiền thuế ao… song vẫn không được UBND xã Hoàng Liệt xét làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khó hiểu hơn, văn bản số 128/CV-UBND ngày 11/8/2005 của UBND phường Hoàng Liệt đã khẳng định: Thửa đất ao mang điền thổ số 207 diện tích 1.295 m2 tại thôn Pháp Vân (nay là khu dân cư Pháp Vân - Hoàng Liệt) nguyên là quyền sở hữu, sử dụng của bà Trần Thị Hiền (theo án hộ số 135/PT-DS ngày 23/11/1971 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội).

Song, cũng tại văn bản số 128/CV-UBND nói trên, UBND phường Hoàng Liệt lại thừa nhận: Năm 1999, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại khu dân cư Pháp Vân dự án làm đường vành đai 3 - Cầu Thanh Trì thì thửa ao trên nằm trong chỉ giới thu hồi đất để làm đường nên đã được UBND xã lúc đó kê khai theo quy định (đất không có chủ do UBND xã, phường trực tiếp quản lý). Như vậy, trong cùng một văn bản, UBND phường Hoàng Liệt đã vừa xác nhận quyền sử dụng của công dân đối với phần đất ao nhưng sau đó lại vô cớ cho rằng đó là đất không có chủ do UBND xã, phường trực tiếp quản lý? Với những diễn biến của vụ việc có thể thấy, tại thời điểm năm 1999, thửa đất ao nói trên đang liên quan đến nội dung khiếu nại của gia đình ông Đỗ Đình Đức (đang tranh chấp); UBND xã Hoàng Liệt cũng yêu cầu công dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nhưng không giải quyết)… Vì vậy, việc UBND xã Hoàng Liệt kê khai phần đất ao nói trên thuộc diện “đất không có chủ do UBND xã quản lý” là việc làm thiếu trách nhiệm, báo cáo sai sự thật gây thiệt hại lớn đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Văn bản “khó hiểu” số 128/CV-UBND của UBND phường Hoàng Liệt khi vừa thừa nhận quyền sở hữu, sử dụng của cụ Trần Thị Hiền đối với thửa đất ao tại thửa số 207 nhưng vừa khẳng định đây là đất không có chủ?. 


Liên quan đến nội dung khiếu nại của gia đình ông Đỗ Đình Đức, UBND quận Hoàng Mai đã có báo cáo số 66/BC-UBND ngày 19/7/2007, theo đó UBND quận Hoàng Mai cho rằng các căn cứ mà ông Đức đưa ra chưa đủ điều kiện để trả đất cho gia đình ông Đức. Theo Luật sư Nguyễn Tú Anh, Văn phòng Luật sư… chia sẻ: Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, nội dung kết luận nói trên của UBND quận Hoàng Mai là rất “khó hiểu” và có dấu hiệu không tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai. Lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai thời điểm đó đã không xem, không hiểu hay cố tình không hiểu các chứng cứ, tài liệu mà công dân đã cung cấp. Bởi những chứng cứ, tài liệu đó đều khẳng quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của cụ Trần Thị Hiền (là mẹ của ông Đức) đối với thửa đất ao số 207. Mặt khác, đến thời điểm hiện nay, UBND phường Hoàng Liệt, UBND quận Hoàng Mai vẫn không thể đưa ra một văn bản nào có nội dung bác bỏ hoặc hủy bỏ việc công nhận trả lại đất ao cho gia đình ông Đức mà chỉ căn cứ vào hồ sơ, sổ sách lưu trữ tại địa phương (đã bị tẩy xóa) để không thừa nhận yêu cầu trả lại đất ao của gia đình ông Đức. Trong khi trách nhiệm lưu giữ, quản lý hồ sơ, tài liệu thuộc về chính quyền cơ sở.


Dấu hiệu tẩy xóa phần ghi “Nguồn gốc thửa đất” đối với thửa đất số 234, tờ bản đồ số 1

(tương ứng với thửa đất ao tại thửa số 207, tờ bản đồ số 7 cũ).

Dựa vào kết quả từ cách làm việc “khó hiểu” của UBND phường Hoàng Liệt và UBND quận Hoàng Mai, ngày 20/5/2010, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 2238/QĐ-UBND giải quyết đơn của ông Đỗ Đình Đức. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội cho rằng việc ông Đức có khiếu nại đòi quyền sử dụng đất ao tại tổ 10, khu Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai là “không có cơ sở pháp lý để giải quyết”. Như vậy, toàn bộ những văn bản, giấy tờ, tài liệu do gia đình ông Đỗ Đình Đức cung cấp đều đã không được công nhận. Dư luận đặt câu hỏi, vậy ngoài những loại tài liệu như văn tự mua bán đất; bản án của tòa; giấy xác nhận mượn đất ao… thì UBND thành phố Hà Nội còn cần những giấy tờ gì để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng đất của gia đình ông Đức? Tại sao những văn bản nói trên đều do cơ quan Nhà nước ban hành hoặc được chính quyền xác nhận nhưng UBND thành phố Hà Nội lại khẳng định: ông Đức “không có giấy tờ hợp lệ, hợp pháp để chứng minh về quyền sử dụng đối với thửa đất”?

Một diễn biến khác liên quan đến nội dung khiếu nại của gia đình ông Đỗ Đình Đức, trên cơ sở quá trình xác minh nội dung đơn khiếu nại cùng các văn bản, tài liệu, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có văn bản số 3897/BTNMT-TTr, ngày 21/10/2011 và văn bản số 2285/BTNMT-TTr ngày 17/6/2013 theo đó khẳng định việc khiếu nại của ông Đức là có cơ sở và có căn cứ để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng đất của gia đình ông Đức. Tiếp đó, 17/7/2013, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5823/VPCP-V.I về việc giải quyết khiếu nạn của ông Đỗ Đình Đức. Theo đó, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã có ý kiến chỉ đạo: “Đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên & Môi trường tại văn bản số 3897/BTNMT-TTr, ngày 21/10/2011 và văn bản số 2285/BTNMT-TTr ngày 17/6/2013; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện theo ý kiến của Bộ Tài nguyên & Môi trường, trả lời người khiếu nại và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết”. Nhưng sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã cố tình bỏ qua ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như kiến nghị của Bộ Tài nguyên & Môi trường khi tiếp tục phủ nhận quyền hợp pháp của gia đình ông Đức đối với thửa đất ao nói trên. Dư luận đặt nhiều nghi vấn, có điều gì khuất tất phía sau cách giải quyết mang tính áp đặt, thiếu tính thuyết phục của UBND thành phố Hà Nội? Vì sao UBND thành phố Hà Nội lại tìm mọi cách giữ nguyên quan điểm thiếu cơ sở pháp lý của mình?

 

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó đang là Phó Thủ tướng Chính phủ)
cũng bị UBND thành phố Hà Nội… bỏ qua.


Ngoài những điều “khó hiểu” nêu trên, trong quá trình xác minh, tìm hiểu vụ việc, PV đã có cơ hội tiếp cận với một văn bản với rất nhiều nét “bút phê” của một lãnh đạo Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hà Nội liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của gia đình ông Đức.

Những nội dung “bút phê” này cụ thể ra sao, có thực sự công tâm, khách quan hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc trong các nội dung tiếp theo./.

Nhóm PV thực hiện

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực