Hà Nội: Nan giải bài toán chợ "cóc", chợ tạm

Chủ nhật, 03/09/2017 10:27
(ĐCSVN) - Sau nhiều tháng các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt nhằm lập lại trật tự đô thị, đến nay việc lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh tại Hà Nội đã phần nào tạm lắng xuống.

Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn, các chợ “cóc”, chợ tạm đang dần “hồi sinh”, gây những phiền phức không nhỏ đối với chính quyền cơ sở và đời sống của những người dân tại khu vực này…

Sau nhiều tháng các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt nhằm lập lại trật tự đô thị, đến nay việc lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh tại Hà Nội đã phần nào tạm lắng xuống. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn, các chợ “cóc”, chợ tạm đang dần “hồi sinh”, gây những phiền phức không nhỏ đối với đời sống của những người dân…

Tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm trên phố Nguyễn Quý Đức và đường dẫn vào chợ Thanh Xuân Bắc. Video QĐ

“Chợ cóc thì đông, chợ chính thì vắng”

Chỉ cần dành thời gian vài tiếng đồng hồ trong các khung giờ “cao điểm” bất kể buổi sáng hay buổi chiều là chúng ta có thể thấy được “sức sống” của hàng loạt chợ “cóc”, chợ tạm ở nhiều nơi thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Theo ghi nhận của phóng viên, vào các buổi sáng, khu vực chợ “cóc” tại đường Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân luôn luôn tấp nập người mua bán các loại mặt hàng phục vụ đời sống của người dân. Những phản thịt, những hàng hoa quả, hàng rau, hàng ăn sáng… thi nhau bày tràn lan ra vỉa hè, lòng đường mà không hề có sự kiểm tra, chấn chỉnh của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Điều đáng nói là đoạn đường này cách chợ Thanh Xuân Bắc không xa, trong khi phía ngoài đường nhộn nhịp người mua bán thì khu chợ Thanh Xuân Bắc được quy hoạch bài bản phía trong lại khá vắng khách. Chị Hoan, một tiểu thương có sạp hàng trong chợ Thanh Xuân Bắc cho biết: “Tâm lý người dân vẫn thích sự tiện lợi nên họ thường mua luôn của các hàng ở khu chợ cóc. Chừng nào chính quyền chưa dẹp được chợ cóc thì chừng đó những người buôn bán trong chợ tập trung như chúng tôi còn chịu thiệt thòi”. Thực tế, chỉ riêng tại phường Thanh Xuân Bắc đã có 2 điểm chợ cóc ngang nhiên tồn tại, hàng hóa bày tràn ra đường, trong đó một điểm tại nhà E7, ngay gần trụ sở UBND quận Thanh Xuân.

Còn tại khu vực chợ tự phát ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh thì khung giờ “vàng” của những người buôn bán ở đây là khoảng 16 - 19h hàng ngày. Với đặc thù là nơi tập trung đông dân cư sinh sống, nhất là lượng công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long nên nhiều hộ kinh doanh ở đây đã thường xuyên lấn chiếm lòng đường để buôn bán, hình thành chợ tự phát. Mặc dù chợ Mun (chợ chính của thôn Bàu) cách đó chưa đến 50m nhưng do sự tiện lợi và thói quen của người mua nên khu chợ này vẫn luôn nhộn nhịp, đông khách. Hàng rau, hàng thịt, cá, hàng quần áo, ga gối… bày la liệt chiếm hết lòng đường, vỉa hè. Nhiều đoạn đường vốn đã chật hẹp nay lại thường xuyên ùn tắc mỗi khi chợ họp. Lý giải thói quen mua thực phẩm tại chợ tự phát, chị Nguyễn Thị Oanh, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ: “Do đi làm về muộn nên tôi thường mua thực phẩm ở những chợ cóc, chợ tạm. Việc vào chợ truyền thống vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn thêm tiền gửi xe trong khi tôi thấy độ an toàn của thực phẩm lại không khác nhiều so với ở chợ này. Hơn nữa, tôi chủ yếu mua hàng của người quen nên khá yên tâm”.

Còn đối với các hộ dân sống tại các khu chợ tạm, chợ cóc mặc dù tạo nhiều thuận tiện trong việc mua bán song họ cũng đồng thời là “nạn nhân” của tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Bác Thanh, một người dân sống gần chợ Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa cho biết: “Vào những giờ cao điểm, tiếng mời chào khách xen lẫn tiếng mặc cả, đặc biệt là còi xe làm cả khu chợ trở lên rất ồn ào gây ảnh hưởng nhiều tới các gia đình sống gần chợ. Thêm vào đó là mùi tanh, hôi của những chỗ bán cá, bán gà bốc lên rất khó chịu”.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 450 chợ chính đang hoạt động. Trong đó riêng các quận nội thành có hơn 100 chợ truyền thống. Bình quân một quận nội thành có 10 chợ truyền thống. Nhưng tồn tại đồng thời với đó là rất nhiều chợ “cóc”, chợ tạm với những nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm, về trật tự đô thị… cũng như gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động buôn bán của các tiểu thương tại các chợ chính, chợ truyền thống. Đây được coi là một nguyên nhân làm cho không ít chợ chính rơi vào tình trạng vắng khách, ế ẩm. Nhiều chủ hàng phải đóng cửa ki-ốt, bỏ việc buôn bán ra thuê mặt bằng bên ngoài để kinh doanh.

Cần những giải pháp đồng bộ, lâu dài

Đó là vấn đề đã và đang đặt ra trong giải quyết bài toán chợ “cóc”, chợ tạm ở Hà Nội hiện nay. Thực tế những năm qua cho thấy, thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt trong việc dẹp chợ “cóc”, chợ tạm nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể. Song, đến nay trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại hàng trăm chợ tạm, chợ “cóc”. Điều đáng lo ngại là loại hình chợ này ngày càng có chiều hướng gia tăng và xuất hiện ở nhiều nơi. Mặt khác, việc buôn bán tại các chợ tạm, chợ “cóc” về cơ bản là không chịu sự quản lý của các lực lượng chức năng, đa phần người bán từ các nơi khác trở về nên giá cả không ổn định, hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa việc người mua người bán chen chúc nhau còn tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Tại nhiều khu chợ, người xe chen chúc sẽ rất khó khăn trong xử lý khi có sự cố, hoả hoạn…

Hoạt động của các chợ “cóc”, chợ tạm thường lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông

Anh Hưng, một người thường xuyên bán hoa quả tại khu vực chợ “cóc” ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết: “Bán hàng ở chợ cóc nói thật là cũng sợ lực lượng chức năng kiểm tra, có hôm bị thu sạch hàng nhưng bù lại thì việc buôn bán khá thuận lợi, hôm nào nhanh thì chỉ mất khoảng 3 tiếng buổi sáng là tôi bán hết hàng, trừ chi phí cũng còn được 300.000 – 400.000 đồng tiền lãi”. Cũng theo một số người người dân buôn bán tại các chợ “cóc”, chợ tạm trên địa bàn Hà Nội thì tuy một số quận, huyện đã xây dựng một số chợ truyền thống thành trung tâm thương mại, nhưng do bố trí gian hàng không hợp lý, giá thuê đắt… nên họ không có khả năng thuê các gian hàng ở đây.

Do đó, để giải quyết vấn đề chợ cóc, chợ tạm một cách hiệu quả, chính quyền địa phương cần chịu trách nhiệm trong giải tỏa các tụ điểm này, quản lý địa bàn sát sao, chặt chẽ, không để tái diễn. Tuy nhiên, trong xử lý chợ “cóc”, chợ tạm ở Hà Nội, việc cưỡng chế xét đến cùng mới chỉ là giải quyết phần “ngọn” bởi vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là bài toán mưu sinh của người người buôn bán tại các chợ này. Nhiều gia đình có 3 - 4 người những mọi chi phí, sinh hoạt đều trông cả vào việc buôn bán ở các chợ “cóc”, chợ tạm. Vì thế, các cấp chính quyền cùng cơ quan chức năng cần quan tâm trong tạo điều kiện cho người dân vào buôn bán tại các khu chợ tập trung để vừa giúp họ bảo đảm đời sống vừa từng bước khắc phục một cách triệt để các khu chợ “cóc”, chợ tạm.

Cùng với đó, về lâu dài cần nghiên cứu, bố trí, xây dựng hệ thống chợ dân sinh một cách hợp lý. Trước tiên nên rà soát diện tích đất xen kẹt để bố trí địa điểm buôn bán tạm cho người dân. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống sao cho thuận tiện mua sắm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm bớt các loại phí để hỗ trợ tiểu thương, tăng sức cạnh tranh với hàng rong, chợ cóc. Hiện nay, Ban Quản lý tại một số chợ đã thực hiện miễn thu thuế tiền thuê vị trí bán hàng cho người bán hàng rong trong thời gian nhất định, đây là cách làm hay cần nhân rộng để tiến tới hạn chế các chợ “cóc”, chợ tạm.

Đối với người tiêu dùng, cần xây dựng thói quen tìm đến các khu chợ tập trung, chợ chính, các trung tâm thương mại thay vì mua hàng ở các chợ “cóc”, chợ tạm. Đây không chỉ là việc làm vì sức khoẻ của chính bản thân người tiêu dùng mà còn là cách góp sức hữu ích trong việc loại bỏ chợ “cóc”, chợ tạm để giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường của thủ đô Hà Nội./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực