Sử dụng đất sai mục đích có thể bị thu hồi đất ​

Thứ sáu, 27/09/2019 03:05
(ĐCSVN) - Bạn đọc Phạm Đức Quang hỏi: Gần đây trên địa bàn xã nơi cư trú có diễn ra tình trạng người dân sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây keo nguyên liệu. Vậy việc sử dụng đất sai mục đích sẽ bị xử lý thế nào?

Về nội dung này, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) trả lời như sau:

Sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mục đích sử dụng đất là cách thức nhà nước phân loại đất đai và yêu cầu người quản lý phải tuân thủ các quy định khi giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Người sử dụng đất có nghĩa vụ phải sử dụng đúng mục đích đất được giao ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất.

Căn cứ để xác định mục đích sử dụng đất, dựa theo một trong các căn cứ tại  Điều 11 Luật Đất đai 2013 sau đây:

Điều 11. Căn cứ để xác định loại đất

Việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau đây:

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

 2. Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;

 3. Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;

 4. Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Đối với hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất sai mục đích  thì tại Nghị định 102/2014NĐCP ngày 10/11/2014 đã nêu rõ những trường hợp cụ thể của từng hành vi vi phạm cũng như mức phạt từ Điều 6 - Điều 9 của Nghị định này.

Quy trình xử phạt đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích được quy định tại Chương III thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Với tình trạng bạn đọc hỏi, ở địa phương đang xảy ra tình trạng người dân tự ý sử dụng đất nông nghiệp làm đất trồng cây keo nguyên liệu, thì với vai trò quản lý địa phương, chính quyền cơ sở cấp xã sẽ phải tiến hành đưa giấy mời, triệu tập những hộ dân tự ý sử dụng đất sai mục đích lên làm việc. Nếu không nhận được sự hợp tác, chính quyền sẽ triệu tập lần 2. Tuy nhiên nếu họ cố tình trốn tránh, không hợp tác thì có thể giải quyết theo trình tự thủ tục chung. 

Theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau: 

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 77 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau: 

 “1. Cảnh cáo.

 2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

 3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ khoản 3 Điều 3 Nghị định này.”

Như vậy, trong trường hợp người dân tự ý sử dụng đất sai mục đích trái phép, đã lập biên bản mà vẫn cố tình trốn tránh giấy triệu tập lên làm việc thì UBND cấp xã có thể ra phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi đó; đồng thời áp dụng biện pháp buộc những người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của mảnh đất.

Ngoài ra, nếu hành vi tự ý chuyển đổi, sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâm nghiệp, tức sử dụng đất không đúng mục đích đã bị xử phạt hành chính mà những người này vẫn tiếp tục thực hiện thì đây là một trong các trường hợp có thể bị thu hồi đất theo Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013. Khi đó, Chủ tịch UBND cấp xã có thể kiến nghị với Chủ tịch UBND cấp huyện để xử lý thu hồi đất.

Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực