Đánh thuế với nhà ở trên 700 triệu đồng: Thuế chồng thuế?

Thứ ba, 17/04/2018 23:21
(ĐCSVN) - Đề xuất đánh thuế với căn nhà có giá trị vượt mức 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đang làm nóng dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, khi mua, hoặc xây được căn nhà, đã phải trả nhiều loại thuế, nay ở chính ngôi nhà bằng tiền của mình cũng bị đánh thuế là thuế chồng thuế? Ý kiến khác cho rằng, đề xuất đánh thuế mà Bộ Tài chính đưa ra là thiếu cơ sở, thậm chí vô lý.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Bộ Tài chính đề nghị nghiêng về áp dụng phương án đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.

Điều này, theo Bộ Tài chính, là “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước”, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước. Dự kiến, ngân sách có thể thu được 31 nghìn tỷ đồng/năm nếu đề xuất này được áp dụng.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Luân (Văn phòng Luật sư miền Bắc) cho rằng, nhà là thuộc sở hữu cá nhân, do cá nhân tự bỏ tiền mồ hôi công sức ra xây cất, đa phần là người lao động thu nhập chưa cao. Nếu cao thì họ đã chịu thuế thu nhập cá nhân, khi xây dựng thì đã mất phí xin giấy phép xây dựng, lúc chuyển nhượng nhà đất, họ cũng đã chịu thuế thu nhập cá nhân, phí trước bạ… Nếu giờ đánh thuế nhà ở là rất vô lý và không hợp tình hình đời sống đại bộ phận người dân, nhất là với người nhập cư tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh. Họ phải vay mượn ngân hàng, huy động tiền của cả họ hàng để mua đất, giờ khi ở chính căn nhà của mình lại bị đánh thuế, có quá đáng không?

Luật sư Đặng Văn Luân

Đất đai thuộc sở hữu nhà nước đánh thuế là có cơ sở, còn nhà ở là tài sản cá nhân, dân tự xây bằng tiền của mình. Để có tiền xây thì họ đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân, vậy nếu đánh thuế căn nhà đó thì giải thích thế nào. Mặt khác, khi mua vật liệu xây nhà, mua nhà của doanh nghiệp bất động sản họ đã phải chịu thuế giá trị gia tăng và nhiều loại thuế. Tất cả đã cộng vào giá mà người mua phải trả, nay lại lấy giá đó để làm căn cứ đánh thuế với căn nhà của họ ở, có hợp lý không?

Mặt khác, luật sư Luân cũng lưu ý: pháp luật là bình đẳng, là chung cho mọi tầng lớp, kể cả người nghèo, do đó khi đưa ra đề xuất trên, Bộ Tài chính đã tính đến ảnh hưởng với tầng lớp trung lưu, với người thu nhập thấp hay chưa? Nếu không, sẽ là sự “cào bằng” vì thực tế có người sở hữu nhiều căn nhà rất giá trị, người có một căn nhà bình dân nhưng phải vay mượn lãi suất ngân hàng để xây cất. Đó là những hoàn cảnh rất khác nhau.

Còn theo một chuyên gia về thuế (xin được giấu tên), nếu chỉ vì cân đối ngân sách, tăng nguồn thu cho ngân sách mà Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tài sản là nhà ở thì quả là phiến diện và không hợp lòng dân. Hiện nay, để có được chỗ ở, người dân đã phải bỏ ra khoản tiền rất lớn dành dụm hàng chục năm, giờ thêm khoản thuế nhà ở, thuế tài sản, khác nào đang “níu” chất lượng cuộc sống của dân xuống. Còn với những người có nhiều nhà, họ sẽ cho thuê, ngành thuế nên thu thuế từ hoạt động cho thuê nhà này.

Để tăng ngân sách, ngành thuế cần rà soát nâng cao năng lực để chống trốn thuế, thất thoát thuế và sử dụng hiệu quả đồng thuế. Bên cạnh đó, tích cực cải cách thủ tục thuế để giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao cạnh tranh góp phần phát triển kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ ra rằng dự thảo luật này có thể gây ra một nghịch lý khiến ngay cả người nghèo cũng có nguy cơ bị thu thuế. Bộ Tài chính chưa đưa ra được căn cứ về ngưỡng căn nhà phải chịu thuế là trên 700 triệu đồng. Thực tế cho thấy căn hộ ở thành phố lớn hầu hết là vượt ngưỡng 700 triệu đồng, nhà ở xã hội cũng trên 700 triệu đồng. Nếu thu ở mức 700 triệu đồng thì coi như nhà ở xã hội cũng bị đánh thuế. Trong khi người nghèo vừa vay tiền mua nhà đã phải chịu thuế ngay căn nhà đang phải vay tiền đó. Đây là bất cập với chính sách an sinh cho người nghèo./.

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực