Giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển gây tai nạn bị xử lý thế nào?

Thứ tư, 16/05/2018 12:29
(ĐCSVN) - Đã có không ít vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Vậy dưới góc độ pháp lý, hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển gây ra các hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý thế nào?

Quảng Trị điều tra người giao xe khiến 4 người tử vong

Từ nạn nhân “bỗng dưng” trở thành bị can, người nhà kêu cứu!

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện
điều khiển gây tai nạn khiến 4 người tử vong ở Quảng Trị xảy ra tháng 4/2018. Ảnh: Công an Quảng Trị 

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Lê Lưu Phú , Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích:

Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 263 và Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, trước đây là Điều 205 Bộ luật Hình sự 1999 và cũng là tội phạm được tách từ tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông vận tải không bảo đảm an toàn hoặc điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 1985.

Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan

Người phạm tội này, là người thực hiện hành vi điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Điều động là ra lệnh, phân công, chỉ thị cho người khác. Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là ra lệnh, chỉ thị hoặc phân công những người bị pháp luật cấm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là giao phương tiện giao thông đường bộ cho những người bị pháp luật cấm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trường hợp cho người khác mượn xe mô tô, xe máy mà biết người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nhưng vẫn cho mượn dẫn đến người mượn xe gây tai nạn làm chết người thì người cho mượn xe bị coi là giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có căn cứ cho rằng, người cho mượn xe không biết người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì họ không bị coi là giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Hậu quả

Hậu quả cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.

Các dấu hiệu khách quan khác

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: Điều kiện đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Các điều kiện này được quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì những người sau đây không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: Không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Không bảo đảm độ tuổi, sức khoẻ; Người tập lái xe thực hành trên xe không phải xe tập lái và không  có giáo viên bảo trợ tay lái; Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ, không có bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo người điều khiển xe máy chuyên dùng cấp; Người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn, rượu, bia vượt quá 80 mmg/100 mml máu hoặc 40 mmg/11 khí thở và các chất kích thích khác.

Luật sư Khương Tân Phương. Ảnh: QC

Cùng bàn về vấn đề trên, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích:

Điều 264 “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ" Bộ luật Hình sự 2015.

1. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Điều 5 Chương 2 Thông tư liên tịch Số: 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28 tháng 8 năm 2013 quy định:

“Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 205 Bộ luật hình sự là người không am hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện; người do tình trạng sức khỏe không thể tự chủ điều khiển được tốc độ; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.”

Điều 60, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định tuổi, sức khỏe của người lái xe:

“1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

– Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

– Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi”.

"Như vậy, trong quá trình điều tra nếu cơ quan điều tra xác định chủ xe đã giao phương tiện xe cho người điều khiển không có giấy phép lái xe và không đủ độ tuổi theo quy định  điều khiển gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự do đã cấu thành tội  “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015" - Luật sư Khương Tân Phương cho biết./.

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực