Vụ chó cắn chết người ở Hưng Yên: Cần xem xét các yếu tố về Hình sự

Thứ hai, 08/04/2019 17:44
(ĐCSVN) – Về sự việc đau xót khi cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó hung dữ cắn xé, dẫn đến tử vong, theo ý kiến của chuyên gia pháp lý thì trách nhiệm chính thuộc về chủ vật nuôi. Điều này đã được pháp luật quy định rất rõ ràng.

Trước đó, ngày 3/4, cháu Nguyễn Đắc Ng. (7 tuổi), sống cùng bố mẹ tại khu nhà trọ gần sân vận động Kim Động cũ, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (Hưng Yên), khi đi ngang qua khu vực sân vận động Kim Động cũ thì bị một đàn chó gần 10 con tấn công. Phát hiện thấy sự việc trên, người dân lao đến đánh đuổi đàn chó và chuyển cháu bé lên bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, cháu bé trên đã tử vong trên đường đi cấp cứu do các vết thương quá nặng.

Theo một số người dân sống quanh khu vực, đàn chó đã tấn công cháu Ng. là vật nuôi của gia đình bà Lê Thị A. Đàn chó này rất hung dữ, nhiều người đã tới phản ánh với bà A. về sự hung dữ của đàn chó. Tuy nhiên, bà An vẫn chưa có động thái xử lý cho nên dẫn tới hậu quả trên.

Bàn về trách nhiệm của người chủ nuôi đàn chó đã tấn công cháu bé, Luật sư Dương Văn Thụ, Văn phòng luật sư Thiên Dương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Mặc dù pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm, hướng dẫn cụ thể về các chế tài khi sở hữu và nuôi chó, tuy nhiên không ít người vẫn chủ quan, ít quan tâm tới các quy định này, dẫn đến tình trạng vật nuôi cắn bị thương, chết người vẫn thường xuyên xảy ra.

Nghị định số 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật đã quy định rất rõ về việc nuôi chó. Theo đó, chủ nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, phường; phải xích nhốt hoặc nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

Cần chấp hành nghiêm quy định đeo rọ mõm cho chó tại những nơi công cộng.

Nghị định trên cũng quy định chủ vật nuôi phải thường xuyên theo dõi vật nuôi. Nếu phát hiện con vật có biểu hiện bất thường hoặc vô cớ cắn, cào người, động vật khác thì phải nhốt ngay con vật đó để theo dõi và báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, phường biết…

Hiện nay, chó là một trong những loại vật nuôi được người dân nuôi ở nhiều nơi. Ở các thành phố, người dân nuôi để trông nhà, làm cảnh. Ở nông thôn, ngoài việc trông nhà, nhiều gia đình nuôi chó để lấy thịt. Tuy nhiên, những hoạt động này thường là tự phát, thiếu sự quản lý.

Do thiếu sự giám sát quản lý của các đơn vị chức năng địa phương, một số giống chó lớn, giống chó dữ và nguy hiểm đã bị cấm nuôi ở một số quốc gia khác trên thế giới nhưng vẫn được nuôi ở Việt Nam.. Hậu quả của tình trạng này là hàng loạt những vụ chó tấn công chủ nuôi và người xung quanh thời gian qua gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc...

Theo Luật sư Dương Văn Thụ, việc chủ nuôi đàn chó ở Hưng Yên thả rông chó để chúng cắn người gây ra cái chết thương tâm của cháu Ng. cần xem xét các yếu tố về xử lý hình sự nhằm tăng tính răn đe của luật pháp và cảnh báo các chủ vật nuôi còn coi thường sự an toàn của người khác, không chấp hành quy định của pháp luật.

Hành vi nuôi chó thả rông cắn người gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi vi hạm pháp luật, tùy theo trường hợp cụ thể, có thể bị xử lý theo Điều 295 Bộ Luật hình sự về việc vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Cụ thể, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc trường hợp làm chết người hoặc gây thương tích (từ 61% trở lên) thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, chủ nuôi chó còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo Điều 603 Bộ Luật Dân sự quy định về "Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra” ./.

V.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực