Phí... chống tắc đường

Thứ sáu, 09/11/2018 15:17
(ĐCSVN) - Thu phí phương tiện vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn, cả về kinh tế và xã hội. Hà Nội sẽ xây dựng đề án thu phí phương tiện vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Dự kiến, phí phương tiện vào nội đô chỉ áp dụng với ô tô...
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Ngọc Thắng.

Có thể nói, hạn chế phương tiện cá nhân là bài toán nan giải đối với tất cả các đô thị lớn, đông dân trên toàn cầu. Ở Việt Nam, hai thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh) lớn nhất cả nước đã và đang đối mặt với vấn nạn tắc đường, kẹt xe giờ cao điểm. Và việc Hà Nội xây dựng đề án thu phí phương tiện vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là cần thiết, nhưng mức thu, cách thu và lộ trình thu cần được nghiên cứu một cách khoa học, thực tiễn, với tầm nhìn dài hạn.

Ở nhiều nước, thu phí phương tiện cá nhân khi điều kiện hệ thống phương tiện giao thông công cộng rất tốt, đáp ứng trên 50% nhu cầu di chuyển, nên người dân dễ có lựa chọn. Còn ở Hà Nội hiện nay, theo đánh giá của không ít chuyên gia, mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 -15% nhu cầu đi lại của người dân, còn lại buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân. Việc cấp bách mà Hà Nội cần làm là cải thiện hạ tầng giao thông để nhanh chóng đáp ứng 50% nhu cầu như các quốc gia phát triển; phát triển các phương tiện giao thông công cộng an toàn, nhanh chóng, thuận tiện và rẻ tiền.

Hóa giải thành công những “điểm huyệt” này, không cần thu phí người dân cũng không muốn sử dụng phương tiện cá nhân vào nội đô như hiện nay.

Hiện người dân đang phải nộp bốn nghìn đồng thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng, chưa kể để sử dụng ô tô, người dân còn phải nộp thêm nhiều loại thuế, phí khác, khiến số tiền bỏ ra lớn hơn giá trị thực của phương tiện. Nếu Hà Nội thu thêm phí môi trường với ô tô vào nội đô thì phải nghiên cứu kỹ, tránh việc phí chồng phí mà dư luận đang quan ngại.

Thu phí phương tiện vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn, cả về kinh tế và xã hội. Vì vậy, trong quá trình xây dựng đề án, Hà Nội cần lắng nghe góp ý, phản biện của người dân và báo chí một cách thực chất.

Nhận được sự đồng thuận của người dân, Hà Nội cần minh bạch mọi thông tin về đề án, đặc biệt tiền phí thu được sử dụng cho mục đích nào, hiệu quả sử dụng nguồn phí đó,...

Giảm ùn tắc giao thông là bài toán khó, làm sao đường sá thông thoáng nhưng không làm khó cho người dân là yêu cầu cao nhất hiện nay./.

Thái Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực