Quyền biểu đạt của... tiền lẻ

Thứ tư, 16/08/2017 08:17
(ĐCSVN) – Những gì đang diễn ra tại trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang cho thấy phần nào sự lúng túng của các cơ quan chức năng trong việc phối hợp, xử lý các vụ việc bất thường. Nhưng mặt khác, những đồng tiền lẻ của tài xế qua trạm còn diễn tả một sự thật khác: Quyền biểu đạt của người dân đối với chính quyền.

Tài xế dùng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm thu phí Cai Lậy (Ảnh: thanhnien.vn).

Sau Bến Thủy, bây giờ là Cai Lậy. Với các lái xe, những bó tiền lẻ không nói lên bản chất vấn đề là tiền. Trong suốt một thời gian, những kiến nghị, tranh cãi, đề xuất, hay cả kêu gọi cộng đồng mạng lên tiếng của cánh tài xế miền Tây hầu như không mang lại kết quả. Không một đơn vị chức năng nào lên tiếng một cách thấu tình đạt lý, đủ sức thuyết phục dư luận. Chỉ khi sự việc diễn biến quá căng thẳng cho đến ngày 14/8, đại diện Tổng cục đường bộ, UBND tỉnh và Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang mới tổ chức họp. Trong khi đó, phía chủ đầu tư vẫn tạo ra bức xúc khi cho rằng, phí bảo trì tính trên đầu xe là “chỉ đủ vá ổ gà”(!?).

Việc các tài xế cố tình tạo ra căng thẳng từ việc kẹt xe, sự nóng nảy và bất hợp tác của họ có thể chứng tỏ, họ đã bế tắc đến thế nào khi không được đối thoại một cách thẳng thắn. Nhưng trong tuyến đường 12km lưu thông qua Cai Lậy, tính cả 2 chiều là 24km, bất cứ lúc nào cũng sẽ có những chuyến hàng vội vã, những người có việc gấp phải xử lý, hay thậm chí cả bệnh nhân cần cấp cứu. Cách biểu đạt của các lái xe dù có nằm trong khuôn khổ pháp luật, nhưng vô hình trung đã ảnh hưởng tới người khác. Hình ảnh khuôn mặt thất thần của các nhân viên soát vé đã nói lên tất cả. Họ chẳng có tội tình gì để bị đẩy vào thế bị uy hiếp, bị xem như những kẻ có lỗi trước những quyết định không phải của mình.

Quyền biểu đạt của công dân luôn có 2 mặt. Chúng ta đã thấy những hành vi vi phạm pháp luật khi người dân chặn các tuyến đường huyết mạch, hoặc dàn xe phản đối trạm thu phí. Cách thể hiện thái độ cực đoan với chính sách chẳng bao giờ mang tới cái kết có hậu. Nhưng mặt khác, việc người dân thực sự quan tâm tới chính sách và tham gia vào việc phản biện một cách thông minh lại là điều đáng mừng. Nhưng những phát kiến sẽ chỉ có giá trị thực thụ nếu các bên kiểm soát được hành vi và sẵn sàng đồng thuận vì cái chung. Ngược lại, sẽ là một tiền lệ khó lường nếu những sự việc như ở Cai Lậy đi vào ngõ cụt.

Việc thiếu đi cơ chế biểu đạt của những tài xế đã dẫn tới sự biểu đạt của tiền lẻ. Sự lúng túng của cơ quan chức năng nằm ở chính điều này. Khi người dân sẵn sàng đưa ra chính kiến, họ cần được lắng nghe. Nhưng khi những phương pháp bày tỏ ý kiến lại tới ở góc độ tự phát, những xung đột sẽ lập tức xuất hiện. Khi nhu cầu tiếp cận thông tin và đối thoại với các cơ quan nhà nước đang ngày một tăng lên, sẽ không thể thiếu một hành lang luật pháp đủ để người dân không cảm thấy bị cô lập. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.

Như vậy, khi mọi công dân hiểu rõ quyền được biểu đạt trong khuôn khổ, những rắc rối về pháp lý sẽ được giảm thiểu. Khi chính quyền sẵn sàng chấp nhận những đóng góp từ trí tuệ cộng đồng qua đối thoại cởi mở và minh bạch, kết quả sẽ là niềm tin. Bến Thủy, Tào Xuyên hay Cai Lậy là liều thuốc thử dù không mấy ngọt ngào, nhưng lại cần thiết để giải quyết những vấn đề về niềm tin ấy.

Để sự đồng thuận tới từ gốc rễ. Để chính sách được thực thi tự nguyện, thay vì những bác tài với xấp tiền lẻ trên tay./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực