Thêm chế tài xử lý các tồn tại của chủ đầu tư trong các hoạt động xây dựng

Thứ tư, 10/01/2018 12:03
(ĐCSVN) - Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP với nhiều nội dung quy định rõ về trách nhiệm và các hình thức xử lý đối với những tồn tại, sai phạm của chủ đầu tư trong các hoạt động xây dựng. Qua ghi nhận, dư luận cơ bản đồng tình với các quy định mới này.
Với Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 21/11/2017 cơ quan chức năng sẽ có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi sai phạm của chủ đầu tư tại các dự án bất động sản. Ảnh TL

Những năm gần đây, tình trạng chậm tiến độ của các dự án bất động sản diễn ra khá phổ biến. Thời gian chậm tiến độ của các dự án bất động sản có thể từ vài tháng thậm chí đến vài năm. Và hệ quả là, người mua sẽ chịu thiệt hai lớn khi số tiền có thể lên tới hàng tỷ đồng. Nguyên nhân là nhiều chủ đầu tư đã dùng tiền thu được đi đầu tư vào các dự án mới hoặc chi trả cho những mục đích kinh doanh khác…

Để khắc phục tình trạng này, ngày 21/11/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định đó là quy định các mức phạt cụ thể đối với những tồn tại thường gặp của các chủ đầu tư trong triển khai xây dựng dự án bất động sản,  dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng. Đối với các hành vi: thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chậm bàn giao dự án theo tiến độ đã được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Để chủ đầu tư thứ cấp thực hiện đầu tư xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc tiến độ dự án đã được phê duyệt (nếu có); thay đổi chủ đầu tư cấp 1 mà chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản; điều chỉnh dự án mà chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận; không hoàn thành thủ tục để được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình theo quy định đối với công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Hương ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: Là một khách hàng, tôi ủng hộ việc quy định các chế tài xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư chậm triển khai dự án hoặc chậm bàn giao dự án theo tiến độ đã được phê duyệt. Bản thân gia đình tôi trước đây cũng đã phải mất hàng năm trả lãi ngân hàng nhưng chưa được nhận nhà ở do chủ đầu tư chậm chễ trong thi công và bàn giao căn hộ chung cư.

Đặc biệt, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP cũng đã quy định việc triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ áp dụng xử phạt với mức phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng hoặc việc sử dụng tiền ứng trước khi có yêu cầu; không cho phép bên mua, bên thuê mua được kiểm tra thực tế tiến độ thi công tại công trình.

Anh Trần Văn Thanh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Mấy năm trước, qua sự môi giới của văn phòng bất động sản, gia đình tôi cũng có mua một căn hộ chung cư, đóng tiền thành 4 đợt. Sau 2 đợt đóng tiền mới phát hiện ra dấu hiệu chủ đầu tư mang tiền của khách hàng đi đầu tư cho dự án khác còn dự án mình mua thì cả năm trời vẫn chỉ có mỗi cái móng. Vì vậy, quy định mới của Nghị định số 139 là hoàn toàn hợp lý để tránh tình trạng chủ đầu tư sử dụng tiền ứng trước sai mục đích.

Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Văn phòng Luật sư Hồng Hà (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Thực tế, trước đây việc chủ đầu tư chậm tiến độ so với thời gian cấp thẩm quyền phê duyệt trong giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Còn việc chủ đầu tư chậm tiến độ so với hợp đồng mua bán với khách hàng sẽ chịu phạt vi phạm theo hợp đồng mua căn hộ được ký giữa chủ đầu tư và khách hàng. Nghị định số 139/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 15/01/2018 đã bổ sung thêm nhiều chế tài cụ thể để xử lý những tồn tại, sai phạm của chủ đầu tư trong các hoạt động xây dựng. Theo tôi, các chế tài quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP là cần thiết và bám sát sự vận động của thực tế thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua.

Thực tế từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng tranh chấp liên quan đến các dự án bất động sản, nhất là các dự án chung cư diễn ra khá phổ biến; bao gồm cả những chung cư cao cấp hay giá rẻ. Các vấn đề tranh chấp chủ yếu là việc triển khai thi công chậm; chậm bàn giao so với hợp đồng; tính diện tích sai; thông tin không đầy đủ về dự án… Do đó, với việc ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, hy vọng sẽ sớm khắc phục được tình trạng tranh chấp nói trên; đồng thời góp phần gỡ nút thắt xung đột lâu nay giữa chủ đầu tư các dự án bất động sản với khách hàng./.

Tạ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực