Cử tri đề nghị “tư lệnh” ngành quyết liệt hơn nữa để tạo chuyển biến tích cực

Thứ năm, 06/06/2019 15:52
(ĐCSVN) – Qua 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri cả nước đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong các phiên chất vấn, song cử tri cũng mong rằng sau chất vấn, các vấn đề nổi cộm sẽ có những chuyển biến tích cực bằng sự vào cuộc thực sự, quyết liệt của các Bộ trưởng.

  

Cử tri Đỗ Đức Thụ (Hà Nội). Ảnh: Bích Liên

Cử tri Đỗ Đức Thụ (Hà Nội) cho biết, tiếp tục không khí của phiên chất vấn trước, phiên chất vấn đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông đã diễn ra sôi nổi. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và có một số ý kiến tranh luận để làm rõ vấn đề.

Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước QH, với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian vừa qua và có những giải thích, lý giải về các nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập, đưa ra những cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để thực hiện.

Cử tri cũng cho biết, thời gian qua, lĩnh vực giao thông vận tải đã đạt một số thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có chuyển biến.

“Những nội dung được QH chất vấn hôm nay có nhiều vấn đề không mới, có những vấn đề đã diễn ra nhiều năm, có những nội dung đã được QH giám sát nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm gây bức xúc trong dư luận, như: chậm tiến độ, thất thoát lãng phí, đặt trạm BOT... Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, cử tri chúng tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ Giao thông và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, cử tri để triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn”, cử tri cho biết.

Cử tri Bùi Thị May (Thái Bình) bày tỏ quan điểm: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là vị “tư lệnh” ngành được khá nhiều ĐBQH chọn lựa vào vị trí “ghế nóng” chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XIV. Bởi, hàng loạt các vấn đề của ngành giao thông như: Công trình giao thông trọng điểm liên tiếp chậm tiến độ, đội vốn; tồn tại ở các trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe; bất cập tại các dự án BOT... diễn ra trong thời gian vừa qua gây nhiều bức xúc trong dư luận. Sự xuất hiện của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn đã làm “nóng” nghị trường bởi rất nhiều câu hỏi của ĐBQH và cử tri chờ câu trả lời thỏa đáng.

Cử tri Bùi Thị May (Thái Bình). Ảnh: Bích Liên

Cử tri cho biết, về cơ bản tất cả những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời thẳng thắn, có phân tích, nhận định việc gì đã làm được, việc gì còn hạn chế. Đặc biệt là vấn đề dự án đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng thừa nhận, đơn vị này xây dựng đường sắt tốt, nhưng trong vận hành đường sắt lại thiếu kinh nghiệm. Trong phần trả lời, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân dẫn đến các dự án đường sắt đô thị bị đội vốn là khi lập kế hoạch ban đầu chưa có chủ trương xin vốn nên số liệu chưa chuẩn xác, do là năng lực của các cán bộ liên quan còn hạn chế, tư vấn triển khai còn lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn.

“Với nội dung trên, tôi thấy phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã bám sát nội dung chất vấn, nắm rõ vấn đề. Tuy nhiên, lĩnh vực giao thông vận tải còn nhiều bất cập, cử tri chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới, Bộ trưởng sẽ mang hết tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng hơn nữa để quản lý tốt vấn đề còn tồn tại của ngành giao thông”, cử tri May cho biết.

Nhận xét phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa -  Thể thao và Di lịch Nguyễn Ngọc Thiện, cử tri Đỗ Văn Tiến (Bình Thuận) cho biết, phiên chất vấn đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo như nhận xét của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thì có tới hơn 60 đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ĐBQH cũng như cử tri dành cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

“Theo tôi, văn hóa được xem là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc. Để ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa đạo đức là trách nhiệm không chỉ riêng một ngành, một lĩnh vực. Dẫu vậy, trước mỗi biểu hiện lệch chuẩn văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải là cơ quan kịp thời phản ứng, kịp thời lên tiếng đầu tiên”, cử tri cho hay.

Tuy nhiên cử tri Tiến cũng cho rằng, với một số vấn đề khác khi được hỏi Bộ trưởng vẫn chưa đưa ra những giải pháp thật sự cụ thể, đột phá. Cụ thể, đối với nội dung trả lời chất vấn liên quan đến mê tín dị đoan, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhìn nhận được nguyên nhân chính là do một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo nhằm thu lợi nhuận kinh tế nên bằng cách này, cách khác hành nghề bói toán, mê tín dị đoan… làm cho người dân bị mê hoặc. Bộ trưởng chưa đưa ra được giải pháp quyết liệt, thấu đáo. Bởi vậy, ngành văn hóa cần thẳng thắn nhìn nhận, về lâu dài cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu điều gì là tín ngưỡng, điều gì là mê tín. Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm nhằm chặn đứng tình trạng này ngay từ khi manh nha khởi phát.”, cử tri bày tỏ.

Cử tri Phạm Thị Hạnh (Nghệ An) cho rằng, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn trúng, đi sát vấn đề dư luận đang quan tâm. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng trả lời có nhiều thay đổi hơn các phiên chất vấn tại các kỳ họp trước, đi thẳng vào vấn đề đại biểu đang quan tâm, có đưa ra những giải pháp giải quyết…

Cử tri Phạm Thị Hạnh (Nghệ An). Ảnh: Bích Liên

Cử tri Hạnh cũng  chia sẻ: Vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch là lĩnh vực rất rộng nhưng phiên chất vấn đối với Bộ trưởng được đề cập rất sâu, chạm tới nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hiện nay, thể hiện đúng nguyện vọng của người dân.

Liên quan đến vấn đề lợi dụng tâm linh để trục lợi, thương mại hóa tâm linh cử tri đề nghị, Pháp luật quy định rất rõ về quyền tự do tín ngưỡng của công dân. Bởi vậy, ngành văn hóa cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm, thậm chí cần xử lý hình sự chứ không chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính. Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cao trình độ của người dân, cơ quan chức năng và nhà quản lý phải tích cực quan tâm vào cuộc để có những giải pháp chấn chỉnh về công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và phòng ngừa mê tín dị đoan.

Cử tri Hoàng Mạnh Bình (TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua theo dõi buổi chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại hội trường, các đại biểu đặt câu hỏi và các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các ngành liên quan trả lời rất thẳng thắn, không né tránh những thiếu sót, hạn chế và đưa ra những giải pháp thiết thực để khắc phục khó khăn…

Đặc biệt, các thành viên Chính phủ đã trả lời trực tiếp vào vấn đề được hỏi, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực và cam kết khắc phục tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Theo cử tri, mặc dù thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm so với các kỳ họp trước, nhưng số lượng các đại biểu tham gia và số lượng câu hỏi chất vấn tăng lên, điều đó cho thấy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn luôn là một nội dung trọng tâm của kỳ họp.

Đặc biệt cử tri cũng cho biết, ngay sau khi kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, QH đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, thay mặt Chính phủ, báo cáo giải trình và trả lời các chất vấn của ĐBQH.

Cử tri cho rằng rất ấn tượng với phần giải trình của Phó Thủ tướng. Trước QH và đồng bào cử tri cả nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, giải trình cụ thể về các vấn đề như: Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phát triển doanh nghiệp; khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng; đạo đức xã hội; công tác thanh tra, giám sát phòng, chống tham nhũng.

Phó Thủ tướng đã trả lời cặn kẽ, trực tiếp vào vấn đề, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu. “Chúng tôi mong rằng trên cơ sở chất vấn của các ĐBQH và trả lời của các thành viên Chính phủ sẽ giúp Chính phủ, các bộ, các ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội”, cử tri chia sẻ./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực