Buông lỏng quản lý đất đai ở TP Hòa Bình: Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Thứ tư, 06/03/2019 18:19
(ĐCSVN) - Thời gian qua, việc một số cơ quan tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình thực hiện sai quy định của Luật Đất đai, gây thất thoát ngân sách nhà nước đã khiến dư luận bất bình và dẫn đến hàng loạt đơn thư, kiến nghị kéo dài.

Chỉ 4 ngày nộp hồ sơ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Trên 4.500 m2 đất tại xóm 8, xã Sủ Ngòi, TP. Hòa Bình nằm trong quy hoạch xây dựng đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương cho Chi nhánh Công ty CP bảo hiểm Viễn Đông (Công ty Viễn Đông) thuê để xây dựng toà nhà hỗn hợp văn phòng thương mại và nhà ở. Trong đó có 1.915,2 m2 đất do hộ gia đình, cá nhân và UBND xã Sủ Ngòi quản lý (đất 5%) đã được UBND TP. Hoà Bình tiến hành thu hồi; các hộ bị thu hồi đất đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Diện tích hơn 2.600 m2 còn lại do các hộ gia đình, cá nhân và UBND xã Sủ Ngòi quản lý. Sau khi Công ty Viễn Đông đã có văn bản đề nghị không thực hiện dự án tại khu đất trên, ngày 15/4/2016, UBND tỉnh Hòa Bình có Văn bản số 330/UBND-NNTN đồng ý chấm dứt chủ trương cho Công ty Viễn Đông thuê đất; giao diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi cho UBND xã Sủ Ngòi quản lý theo quy định.


Một góc khu vực đất tồn tại các sai phạm về quản lý, sử dụng đất tại xóm 8, xã Sủ Ngòi. Ảnh: QĐ

Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 11/5/2016, UBND TP. Hoà Bình có Quyết định số 627/QĐ-UBND giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất nông nghiệp cho 9 hộ với tổng diện tích 3.850,92 m2 bao gồm cả 1.915,2 m2 đã thu hồi để Công ty Viễn Đông thuê đất. Cụ thể, có 05 hộ được cấp giấy CNQSD đất nông nghiệp với tổng diện tích 2.449,8 m2 theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất như giao đất không thu tiền sử dụng đất; 04 hộ được giao đất, cấp giấy CNQSD đất nông nghiệp cho 4 hộ, diện tích 1.401,12 m2. Điều đáng nói là sau khi được UBND TP. Hoà Bình giao đất và cấp giấy CNQSD đất nông nghiệp, các hộ đều không sử dụng đất đúng mục đích là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Cá biệt, có 2 hộ là gia đình ông Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Định đã bán trao tay cho bà Bùi Thị Dung ở tổ 1, phường Đồng Tiến để thu lợi.

Đặc biệt, một số hộ dân đã lập hồ sơ đề nghị UBND TP. Hòa Bình cho phép chuyển đổi diện tích đất được giao sang đất ở và đất trồng cây lâu năm. Theo đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hòa Bình đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình UBND TP. Hòa Bình xem xét, quyết định. Chủ tịch UBND TP. Hòa Bình đã đồng ý cho phép 5 hộ chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản sang đất ở là 1.885,26 m2 và đất trồng cây lâu năm 598,1 m2.

Theo phản ánh của người dân, việc cấp giấy CNQSD đất cho các hộ nói trên đã được UBND TP. Hoà Bình thực hiện một cách “nhanh bất thường”. Có hộ chỉ sau 4 ngày nộp hồ sơ đã được cấp giấy CNQSD đất. Các hồ sơ còn lại cũng chỉ mất khoảng 10 - 15 ngày làm việc là được cấp giấy CNQSD đất. Sau khi được cấp giấy CNQSD đất, nhiều hộ dân đã tự ý xây dựng hàng loạt các công trình không phép. Tuy UBND xã Sủ Ngòi đã tiến hành xử phạt nhưng sai phạm nói trên không được ngăn chặn có hiệu quả. Điển hình như trường hợp bà Bùi Thị Dung đã tự ý xây dựng 5 ngôi nhà 1 tầng lợp mái tôn và 1 ngôi nhà 3 tầng kiên cố. Tình trạng này đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Liên quan đến việc UBND TP. Hòa Bình cấp giấy CNQSD đất, đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các hộ dân nói trên, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã xác định có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, thời điểm năm 2010, 2011, Công ty Viễn Đông đã thực hiện bồi thường; các hộ dân có đất bị thu hồi đã tiến hành bàn giao mặt bằng. Do đó, việc UBND xã Sủ Ngòi xác nhận, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận thẩm định hồ sơ, Phòng TN&MT kiểm tra, xem xét trình UBND TP. Hòa Bình giao đất, cấp giấy CNQSD đất cho 04 hộ tại phần diện tích đất nêu trên là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Cùng với đó, theo Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, việc UBND TP. Hòa Bình quyết định cho phép 05 hộ chuyển mục đích sử dụng đất diện tích 2.474,36m2 từ đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở (1.885,26m2) và đất trồng cây lâu năm (598,1m2) cũng đã vi phạm quy định tại Điều 52, Luật Đất đai năm 2013 vì khu đất trên không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Văn phòng Luật sư Ánh sáng và Công lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc UBND TP. Hòa Bình đã giao, cấp giấy CNQSD đất nông nghiệp; đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản sang đất ở và đất trồng cây lâu năm cho 9 hộ dân nói trên không chỉ vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Luật Đất đai năm 2013 mà còn gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước; tạo tiền lệ xấu và gây dư luận không tốt tại địa phương.

Được biết, tháng 11/2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu UBND TP. Hòa Bình giữ nguyên hiện trạng, không để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm thay đổi hiện trường khu đất (san lấp, cơi nới, xây dựng...). Thực hiện thủ tục thu hồi giấy CNQSD đất đã cấp đối với những trường hợp cấp không đúng quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc giao đất, cấp giấy CNQSD đất nông nghiệp, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất trồng cây lâu năm không đúng các quy định của pháp luật về đất đai tại khu vực đất trên. Xem xét hoặc đề nghị xử lý các sai phạm theo quy định. Nhưng thực tế, do sau khi được cấp giấy CNQSD đất, nhiều hộ đã tiến hành các hoạt động mua bán, chuyển nhượng nên theo quy định tại Nghị định 43/2013/NĐ-CP, việc thu hồi giấy CNQSD đất đã cấp đối với những trường hợp cấp không đúng quy định là không thể thực hiện được. 

Văn bản số 197/UBND-NV thừa nhận những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại xóm 8, xã Sủ Ngòi
(Ảnh: TL)

Về việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng nói trên, trao đổi tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đỗ Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND TP. Hòa Bình cho biết: “Việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đã được chúng tôi tiến hành một cách nghiêm túc”. Nhưng trên thực tế, báo cáo số 197/UBND-NV, ngày 25/1/2018, do ông Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP. Hoà Bình ký đã báo cáo kết quả kiểm điểm, kỷ luật như sau: Khiển trách các ông: Nguyễn Văn Phương, nguyên công chức Phòng TN&MT; Nguyễn Huy Luyến, Chủ tịch UBND xã Sủ Ngòi; Trần Hiếu và Đinh Thế Hưng, nguyên công chức Địa chính - Xây dựng xã Sủ Ngòi. Tự kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với ông Trần Văn Huy, viên chức tăng cường của Phòng TN&MT. Như vậy có thể thấy, việc xử lý kiểm điểm, kỷ luật cá nhân sai phạm mới chỉ thực hiện đối với một số công chức, viên chức xã Sủ Ngòi, Phòng TN&MT làm nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Phòng TN&MT và UBND TP. Hòa Bình mà chưa thực hiện việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tại Phòng TN&MT và UBND TP. Hòa Bình. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không dấu hiệu bao che khi xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan? Người đứng đầu UBND TP. Hòa Bình có trách nhiệm như thế nào đối với việc cấp đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định này?

Thực tế đến nay, việc đơn, thư kiến nghị, khiếu nại liên quan đến các sai phạm trong quản lý đất đai tại xóm 8, xã Sủ Ngòi, TP. Hòa Bình vẫn chưa chấm dứt. Để sớm ổn định tình hình địa phương, củng cố niềm tin của người dân, dư luận mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục làm rõ và xử lý kiên quyết, triệt để những tập thể, cá nhân sai phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu theo đúng quy định; sớm tạo sự đồng thuận tại địa phương.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các nội dung tiếp theo./.

Nhóm PV Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực