Cần quy định cụ thể với xe ưu tiên đi ngược chiều trên đường cao tốc ​

Thứ sáu, 23/03/2018 20:08
​(ĐCSVN) - Thời gian qua, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến xe ưu tiên. Gần đây nhất, ngày 18/3 xảy ra vụ va chạm kinh hoàng giữa xe khách và xe cứu hỏa, tại km192 đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, khiến 1 người tử vong và 13 người khác bị thương. Chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến từ dư luận xung quanh vấn đề này.
Hiện trường vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày 18/3.
 Ảnh: doisongphapluat.com

 

Ngày 20/3, ông Đỗ Đức Cường - Trưởng Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) thông tin về vụ tai nạn xe khách giường nằm đâm vào xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, ngày 18/3.

 

Theo ông Cường, dữ liệu trích xuất thể hiện xe khách chạy với tốc độ 87 km/h, trong khi tốc độ tối đa cho phép trên đường này là 100 km/h. Công an huyện Thường Tín đã chuyển hồ sơ vụ tai nạn lên Phòng hình sự (PC45 - Công an TP Hà Nội) để tiếp tục làm rõ nguyên nhân. Chiếc xe khách và xe cứu hỏa đã được di chuyển về bãi giữ của Công an huyện Thường Tín để phân tích.

 

Theo quan sát hiện trường, vị trí xảy ra tai nạn là ngã ba - nút giao vào trạm thu phí huyện Thường Tín. Đoạn xảy ra tai nạn có 3 làn xe và 1 làn khẩn cấp, xe cứu hỏa đang chạy ở làn giữa khi xe khách đâm vào.

Từ các thông tin trên, Luật sư Nguyễn Xuân Dũng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Luật Giao thông đường bộ quy định "người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, giữ an toàn cho mình và cho người khác. Dù là xe chữa cháy được ưu tiên số một khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường".

Nếu cự ly, khoảng cách, tốc độ, tầm quan sát khiến lái xe khách không đủ điều kiện xử lý tình huống thì được xác định là sự kiện bất ngờ theo Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp này, lái xe khách không phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Còn nếu có căn cứ xác định lái xe khách do thiếu quan sát, không nhường đường cho xe ưu tiên khi đủ khả năng quan sát xe cứu hỏa đang tiến vào, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có dấu hiệu phạm vi phạm quy định giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

 

Theo luật sư Dũng, cơ quan Công an cũng phải xem xét trách nhiệm của tài xế xe cứu hỏa. Dù xe cứu hỏa được ưu tiên số một nhưng về nguyên tắc khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường.

 

"Về tốc độ của xe khách, nếu được xác định là 87 km/ giờ thì đây là tốc độ cho phép khi chạy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ" - Luật sư Dũng nói.

 

Luật sư Nguyễn Xuân Dũng. Ảnh: Hoàng Hà

Bàn về quyền của xe ưu tiên, Luật sư Nguyễn Xuân Dũng cho biết: Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Đoàn xe tang.

Các xe được quyền ưu tiên kể trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Có điều, ở đây lại không quy định cụ thể về làn đường ưu tiên trên cao tốc, chỉ thấy có quy định về làn dừng khẩn cấp. Vậy xe ưu tiên đi làn nào trong đường cao tốc? Vấn đề này dường như đang bị bỏ ngỏ.

 

Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ còn có những quy định riêng áp dụng đối với các xe được quyền ưu tiên, chẳng hạn như: Nghiêm cấm người tham gia giao thông vượt xe khi gặp xe được quyền ưu tiên; Các xe được quyền ưu tiên cũng được ưu tiên khi đi qua phà, cầu phao…; Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn thì có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu, nhưng các xe được quyền ưu tiên thì không bắt buộc phải thực hiện quy định này. Luật Giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm việc bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

 

Xét theo quy định của pháp luật là như vậy, tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ đạo đức người lái xe, là những người ngồi sau vô lăng luôn phải phán đoán để xử lý hợp lý các tình huống diễn ra trên đường nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng như người và phương tiện tham gia giao thông, không thể vin vào quyền được “ưu tiên” mà bất chấp nguy hiểm, thậm chí là cả mạng sống của con người.

 

Ông Bùi Hải Thượng. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Bùi Hải Thượng (Nghệ An) chia sẻ: Đi trên đường hiện nay, tôi chứng kiến không hiếm các vụ tai nạn một phần nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe ưu tiên chạy ẩu, hoặc chạy quá nhanh dẫn đến mất kiểm soát tốc độ gây ra tai nạn. Một số vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến xe cứu thương là một ví dụ điển hình. Tuy một số xe được quyền ưu tiên, nhưng không vì thế mà lạm dụng quyền đó. Với vụ tai nạn ở cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ giữa xe cứu hỏa và xe khách vừa rồi, tôi thấy việc điều khiển xe cứu hỏa cắt qua mặt xe khách trên đường cao tốc là quá nguy hiểm. Mọi lái xe đều cần phải nhận thấy điều này.

 

“Với kinh nghiệm lái xe gần 20 năm, tôi nghĩ trường hợp này lái xe cứu hỏa trước khi sang đường cần chú ý quan sát, đảm bảo an toàn, chuyển hướng từ từ và đi vào làn khẩn cấp ngược chiều vì đây là nút giao nhau giữa đường nhánh và đường chính, lại là đường cao tốc, không có người điều khiển điều tiết giao thông. Còn với xe khách, lại là xe giường nằm tải trọng lớn, nguyên lí cân bằng phức tạp, đang chạy tốc độ cao (trong ngưỡng cho phép 87km/h) thì việc đánh lái, xử lý tình huống là điều không thể. Thậm chí, nếu xử lý đánh lái, theo quán tính xe sẽ văng và lật, hậu quả còn thảm khốc hơn. Đây cũng là bài học cho tất cả anh em đang lái xe...” – ông Bùi Hải Thượng cho biết thêm.

 

Chị Phạm Thị Hương (Đống Đa, Hà Nội) người rất quan tâm theo dõi vụ việc trong nhiều ngày qua và tương đối am hiểu về Luật giao thông đường bộ chia sẻ: Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã xác định được tốc độ của xe khách khi tông trực diện xe cứu hỏa là 87km/h, nằm trong giới hạn tốc độ cho phép (tốc độ tối đa của cao tốc là 100km/h). Trong khi chiểu theo Điều 12 của Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015, quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường, thì khoảng cách an toàn tối thiểu đối với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là 100 m. Vì vậy, nếu xe cứu hỏa khi vào đường cao tốc mà có khoảng cách đối với xe ngược chiều dưới 100 m là đã vi phạm quy định trên.

 

Mặt khác, tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 1/12/2009 của Chính phủ, cũng quy định rất rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật của còi, đèn phát tín hiệu đối với xe cứu hỏa. Vậy khi xem xét đúng, sai trong trường hợp này, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ các thiết bị của xe cứu hỏa có đảm bảo các thông số kỹ thuật để cảnh báo cho người cũng như các phương tiện khác biết ở cự ly cần thiết hay không? 

 

"Theo tôi, Luật cho phép xe cứu hỏa được phép đi vào đường một chiều khi có tình huống khẩn cấp không đồng nghĩa với việc chạy ẩu. Khi từ đường nhánh vào đường ngược chiều, lại là đường cao tốc mà cứ chủ quan rằng các phương tiện khác phải tìm cách tránh mình, để rồi gây hậu quả nghiệm trọng thì người trực tiếp cầm lái đã phạm luật điều khiển giao thông, không làm chủ tay lái gây hậu quả nghiêm trọng. Luật quy định là cho phép nhưng không thể đồng nghĩa là bất chấp mọi nguy hiểm được. Việc bất chấp chỉ xảy ra với lái xe mới vào nghề, thiếu kinh nghiệm, bởi nó chẳng khác nào hành vi “tự sát” – chị Phạm Thị Hương nhấn mạnh.

 

Còn chị Nguyễn Thị Thúy (công tác tại Sở Giao thông - Vận tải Hải Phòng) cho biết:  Tôi nghĩ, trong trường hợp này lỗi phần lớn do lái xe cứu hỏa đã quá chủ quan và quá tự tin về quyền ưu tiên của mình. Bên cạnh đó, với tốc độ cao và đường mưa trơn trượt như thế, việc xe khách đánh lái hay thắng gấp sẽ gây hậu quả khủng khiếp hơn. Biết rằng, xe ưu tiên được quyền như thế nhưng cần phải đảm bảo an toàn cho tất cả người và phương tiện tham gia giao thông trên đường. Hơn nữa, trong trường hợp này là xe khách họ thường chạy điều hòa, đóng kín cửa chạy tốc độ cao trong giới hạn cho phép trên đường cao tốc, có thể không nghe được còi hụ báo, trong điều kiện mưa gió, hạn chế tầm nhìn, không kịp thấy đèn xe cứu hỏa.

 

Luật sư Vũ Anh Thanh (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị: Nhìn vào tổng thể tính khả dụng của Luật, chúng ta sẽ thấy một số quy định đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay nếu không muốn nói đã quá lỗi thời. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, một số bộ luật của chúng ta về tổng thể sẽ có tính khả dụng trong khoảng 10 năm là phải bổ sung, sửa đổi, thậm chí ra luật mới. Luật Giao thông đường bộ ra đời năm 2008 đến nay đã tròn 10 năm, nên cơ bản chỉ còn áp dụng hợp lí với các tuyến giao thông thông thường. Nay chúng ta mở mang đường cao tốc, nên chiểu theo luật cũ sẽ có nhiều nội dung không còn phù hợp, nhất là quy định về quyền của xe ưu tiên đi vào "đường cao tốc".

 

Trong vụ tai nạn xe cứu hỏa và xe khách vừa qua, chúng ta thấy xe cứu hỏa chuyển hướng vào đường cao tốc ngược chiều mà lại là trong làn tốc độ cao nhất thì tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Bởi đặc thù lưu thông trên đường cao tốc khác cơ bản với các tuyến giao thông thông thường. Yếu tố khác biệt nhất là các phương tiện lưu thông với tốc độ cao, quán tính mạnh, đó cũng là yếu tố tạo ra xác suất tai nạn rất cao trong các trường hợp phát sinh, khiến phương tiện không thể làm chủ được tốc độ.

 

Chúng ta ban hành ra các bộ luật là để điều chỉnh những hành vi diễn ra trong xã hội, song qua một số vụ việc cho thấy đã đến lúc chúng ta cần phải nghiên cứu, điều chỉnh luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

Qua vụ việc tai nạn tại Pháp Vân - Cầu Giẽ, thiết nghĩ, các bộ, ngành liên quan cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định cụ thể trường hợp nào xe ưu tiên được đi ngược chiều trên đường cao tốc. Nên chăng có thể loại bỏ quyền được đi ngược chiều vào đường cao tốc của xe ưu tiên nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người và phương tiện tham gia giao thông?.

Hoàng Mạnh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực