Cử tri hài lòng với phần trả lời chất vấn của các Tư lệnh ngành

Thứ tư, 06/06/2018 22:34
(ĐCSVN) – Những ngày này, cử tri cả nước đang đặc biệt quan tâm đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV với các phiên chất vấn trực tiếp người đứng đầu ngành Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội…

Cử tri Hà Ngọc Sinh, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp và có gia tăng về số vụ. Qua theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã cơ bản tổng hợp được những phần việc, nhóm giải pháp giải quyết thực tế về giao thông vận tải trong nước.

Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời tình trạng hoạt động của ngành đường sắt cử tri chưa thấy thỏa mãn, bởi trong thời gian qua, đặc biệt là sự việc gần đây, ngành đường sắt đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, trong đó có những vụ làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại nặng nề  về tài sản, phương tiện… Nguyên nhân vẫn là do điều kiện hạ tầng cũ kỹ, tai nạn xảy ra ở đường tránh, đường ngang, lối mở dân sinh chưa có gác chắn. Mặc dù, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận trách nhiệm nhưng cử tri vẫn chưa thấy Bộ trưởng nói đến giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng trên, nhất là trong những năm tiếp theo và lâu dài. Giải thích của Bộ trưởng vẫn chỉ dừng ở mức độ chung chung.

Ông Dương Văn Hạnh, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, ông và các cử tri ở địa phương luôn quan tâm đến vấn đề cách gọi "trạm thu giá", "trạm thu phí" đang có nhiều ý kiến dư luận hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải thay đổi cách gọi trạm thu giá thành trạm thu phí là đúng đắn. Cá nhân ông và cử tri ở địa phương cho rằng, phải dùng từ ngữ cho chính xác để người dân dễ hiểu và chấp nhận.

Ông Dương Văn Hạnh, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Việc Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của các đại biểu, cùng với các thành viên Chính phủ có liên quan cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Ông Nguyễn Văn Hồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi nghe các đại biểu chất vấn liên quan đến nhiều dự án đầu tư và các cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm và sự cố môi trường ở nhiều địa phương…, và nghe Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp xả thải không đúng tiêu chuẩn ra môi trường; đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phân công công việc theo quy mô nguồn thải để giao cho các cấp quản lý và Bộ đang có một lộ trình để các doanh nghiệp khắc phục hậu quả. Đến thời điểm mà các doanh nghiệp không khắc phục cần phải có các biện pháp, chế tài mạnh để đóng cửa vĩnh viễn chứ không tạm dừng rồi cho hoạt động. Qua đây, cử tri phần nào đã yên tâm với cách xử lý của cơ quan chức năng về ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Cảnh Vương, phường 12, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đề cập vấn đề liên quan đến Formosa. Qua phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Formosa đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý. Trong đó, Formosa đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường công suất lớn hơn nhiều. Ông Nguyễn Cảnh Vương cho hay, có thể thấy được việc làm có trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong suốt thời gian qua. Cử tri cũng yên tâm, tin tưởng vào những điều Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Oai, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long cho biết, qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, tôi thấy hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng. Những vấn đề mà Bộ trưởng trả lời đúng vào những việc cần xử lý, cần tháo gỡ các nút thắt để đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa đất nước. Đó là nút thắt về phân luồng, nút thắt đào tạo cho nguồn nhân lực ở các địa phương, cần cơ cấu lại nguồn nhân lực lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nói khá rõ về giải pháp để tạo việc làm cho hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Tôi đồng ý về cách trả lời, giải trình của Bộ trưởng, tức là việc đầu tiên phải có tính dự báo cung cầu của nguồn nhân lực. Nếu việc đào tạo cung ứng nguồn nhân lực của xã hội không có sự thay đổi phù hợp với thực tiễn, nếu chỉ đào tạo những cái nhà trường có, không đúng với cái mà xã hội đang cần thì sẽ không phù hợp với nhu cầu của xã hội.


 Bà Bùi Thúy Diễm, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương 

Qua theo dõi phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bà Bùi Thúy Diễm, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) chia sẻ, vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em đang là bức xúc lớn hiện nay. Các ngành chức năng và cả xã hội cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ ngăn chặn tình trạng này, đồng thời có những giải pháp giải quyết tình trạng bế tắc trong việc chứng minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

“Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời ngắn gọn, súc tích về các giải pháp liên quan đến vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, đó là: Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường truyền thông trong gia đình, gắn kết quản lý gia đình. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền của trẻ em trong quá trình tố tụng; tập trung xử lý giải quyết những vụ việc vi phạm một cách nghiêm minh, nhanh chóng nhất; tập trung giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho các em” - bà Diễm chia sẻ./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực