Lối tư duy hẹp hòi là khó chấp nhận!

Thứ sáu, 11/08/2017 20:30

“ĐCSVN” - “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách, quy định của địa phương”; “bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương”….đó là những bút phê của cán bộ xã hai địa phương Duyên Hà, Thanh Trì (Hà Nội) và xã An Bình, Nam Sách (Hải Dương) khi xác nhận vào sơ yếu lý lịch của 2 công dân, một là sinh viên nhập học, một là cử nhân mới ra trường…Sự việc đã thực sự gây bức xúc dư luận những ngày qua.

Bút phê của cán bộ xã ở Hà Nội vào sơ yếu lý lịch của một sinh viên nhập học. (Ảnh: tienphong.vn)

Ở đây chúng ta chưa bàn tới đúng sai, biết hay không biết, bởi việc này đã có cơ quan có trách nhiệm phán xử công tâm, người làm sai phải nhận lỗi, nhưng ở góc độ tình người, góc độ lương tâm mỗi chúng ta sẽ không khỏi trăn trở.

Các cán bộ xã có biết không? Được vào đại học, học để nên người, để thay đổi tương lai là ước mơ của bao học sinh nghèo, khi đỗ đại học là lúc ước mơ của các em được nhen nhóm. Và để có được tấm bằng đại học đi xin việc, những học sinh nghèo vùng nông thôn đã phải cực nhọc nhường nào, đó là chưa kể đến những vùng khó khăn. Trải qua thời gian nuôi người ăn học hàng chục năm các cấp phổ thông, và 4 năm đại học mà các gia đình khó khăn nên tạm thời chưa chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế khóa với địa phương – điều đó có thể lắm chứ(!)

Và nữa, sau vài dòng chữ phê vội có phần vô cảm nếu không muốn nói là “bôi đen” vào lý lịch của một con người, một người mới bước chân vào giảng đường đại học, một người lần đầu đi xin việc làm, thử hỏi còn cơ quan nào dám tiếp nhận họ, nhà trường nơi nhập học có vui vẻ khi nhận một tân sinh viên với lý lịch thiếu cảm tình. Do đó, lẽ thường, là lãnh đạo địa phương các ông phải nên cân nhắc gác lại những vướng mắc chưa hẳn quá nghiêm trọng nhằm giúp cho con em địa phương mình có một cơ hội học tập, việc làm, nhưng… thật buồn!

Sao các ông nỡ tâm làm vậy với tân sinh viên, với trí thức trẻ, dù có tốn lời ngụy biện thế nào thì câu chuyện cũng nực cười, bởi công tác bao năm, làm đến các chức chủ tịch, phó chủ tịch xã, hẳn các ông thừa biết Công văn Hướng dẫn số 1520, ngày 20/3/2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) chỉ rõ: "Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân..."

Như vậy chỉ vài ba dòng chữ phê vội và sai quy định thôi, nhưng nó là sự vô tâm, dập tắt đi cơ hội thay đổi tương lai cuộc đời của những tri thức trẻ, mà biết đâu sau này chính những con người này lại trở về góp sức để thay đổi diện mạo cho quê hương!

Nghiêm trọng hơn, sự việc còn đang thể hiện một lối tư duy hẹp hòi tạo ra các tiền lệ khó chấp nhận. Đầu tiên chỉ là sự tùy tiện thôi, bàng quan thôi nhưng sau này có thể là sự lộng quyền, độc đoán, hệ lụy là những khoảng cách không đáng có giữa một đại diện cho cơ quan công quyền với người dân do chính những cán bộ gần dân tự tạo ra.

Thật tiếc rằng, trước đó không lâu đã có những sự vụ lùm xùm xuất phát từ sự vô cảm, thiếu trách nhiệm. Các cán bộ xã hẳn nghe đến câu chuyện cán bộ hành dân “năm lần bảy lượt” đi lại chỉ vì cái giấy chứng tử? Đã có sự trả giá cho hành vi vô trách nhiệm này, sao điều đó không làm ông phó chủ tịch rút ra được bài học cho mình trong vai trò đại diện công quyền trước dân?

Đã vậy, khi trả lời trên báo chí ông phó chủ tịch còn ra rả ngụy biện rằng, “làm như vậy để răn đe" ư? Ông lại càng sai khi sự răn đe đó lại áp dụng với chính những công dân trẻ của địa phương mình – những người hơn bao giờ hết cần sự khích lệ động viên kịp thời, để họ nỗ lực vươn lên thay đổi cuộc sống. Lối tư duy “rất lạ” này có chăng chỉ ở những người phàm ít nghĩ,...

Thực tế hiện nay, chủ trương khuyến học, chính sách nới rộng khuyến học khuyến tài đang được các cấp các ngành đẩy mạnh, phong trào học tập lan tỏa ở mọi tầng lớp nhân dân, sinh viên nghèo được tạo điều kiện vay tiền đi học. Tất cả là vì đất nước ta đã xác định và đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai.

Không biết các ông nghĩ gì mà lại có biểu hiện hằn học cá nhân, cố tình gây khó dễ cho người dân đến vậy?    

Luật sư Lê Lưu Phú – Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biêt: Hiện tại hầu như không có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về sơ yếu lý lịch và thủ tục xác nhận sơ yếu lý lịch. Tuy vậy, trong thực tế sơ yếu lý lịch vẫn được sử dụng rất phổ biến và việc xác nhận sơ yếu lý lịch đã trở thành một thủ tục hành chính tồn tại trong một thời gian dài. Do không có quy định cụ thể, việc xác nhận sơ yếu lý lịch trong thực tế cũng rất khác nhau ở từng địa phương. Có nơi xác nhận toàn bộ nội dung sơ yếu lý lịch, có nơi chỉ xác nhận nơi cư trú, có nơi chỉ chứng thực chữ ký; có nơi UBND xã trực tiếp xác nhận, có nơi phải xác nhận trước một bước ở ấp/khu phố rồi sau đó UBND xã xác nhận lại thông tin của người xác nhận tại ấp/khu phố...Về mặt nội dung, UBND cấp xã không thể xác nhận đầy đủ nội dung của bản sơ yếu lý lịch mà chỉ có thể xác nhận những nội dung thuộc sự quản lý, thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã như những thông tin về hộ tịch, cư trú. Do đó, UBND cấp xã xác nhận những nội dung trong sơ yếu lý lịch nhưng không thuộc phạm vi quản lý, không thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật – Luật sư Phú phân tích. 

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực