Mấy suy nghĩ về hiện tượng giải cứu nông sản hiện nay

Thứ sáu, 23/06/2017 16:38
(ĐCSVN) - Giải cứu thanh long, giải cứu chuối, giải cứu dưa hấu, giải cứu giềng, giải cứu tỏi, giải cứu thịt lợn v.v… và v.v... Biết đâu đó sẽ còn phải giải cứu nhiều hơn nữa!


Người dân xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thu hoạch riềng (Ảnh minh hoạ: BT)

Đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ, công đoàn, hội cựu chiến binh và nhiều tổ chức khác đã tham gia giải cứu. Cơ quan quản lý Nhà nước đã phải nhanh chóng nhập cuộc giải cứu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triệu tập nhiều cuộc họp liên ngành với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, ngân hàng và cả các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn để bàn cách giải cứu thịt lợn. Có đề nghị về điều chỉnh chính sách và có cả lời kêu gọi khuyến khích xã hội tham gia tiêu thụ thịt lợn. Các đơn vị bộ đội, bếp ăn tập thể các khu công nghiệp, các trường học hãy tham gia tiêu thụ thịt lợn… Tất cả các cuộc giải cứu ấy qua đi, bước đầu cũng khỏa lấp được ít nhiều nỗi buồn cho nông dân và cao hơn cả là tình đoàn kết cộng đồng chia sẻ khó khăn của toàn xã hội với nhà nông của chúng ta… Nhưng bình tĩnh lại, và suy nghĩ, đang có nhiều ý kiến rất khác nhau về vấn đề này ở ngoài xã hội và ngay trong cả nghị trường quốc hội…

Có ý kiến cho rằng, không nên giải cứu vì làm như thế là tạo ra tâm lý cho nông dân cứ sản xuất bằng mọi giá, không bao giờ ế đâu, rồi sẽ được xã hội giải cứu. Vả lại trong kinh tế thị trường có lãi có lỗ, có thắng có thua, có được có mất, thậm chí là phá sản. Vì vậy có vấp ngã thì mới đứng vững. Nói như vậy chỉ nghiêng về lý, còn phải nghiêng về tình nữa, nông dân chúng ta còn chưa nhận thức đầy đủ các đặc điểm của kinh tế thị trường, đặc biệt là sự khắc nghiệt của nó, chưa bắt kịp với tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, lại sống trong bủa vây của muôn vàn khó khăn trở ngại trước sự biến động chuyển đổi… và như thế sản xuất thất bát, thua lỗ, ế ẩm là tất yếu và vì vậy trước mắt xã hội cần hỗ trợ và giải cứu, nhưng về lâu về dài cần phải hạn chế giải cứu và không nên giải cứu.

Muốn như vậy cần xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững, toàn diện, đồng bộ, gắn kết với thị trường, gắn kết với sự phát triển chung của nền kinh tế.

Căn cứ vào định hướng phát triển đó chúng ta phải nhanh chóng thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện chương trình này chúng ta phải tiến hành nhiều công việc, nhưng trước mắt nên lựa chọn, tập trung vào một số biện pháp cụ thể sau: Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững với quy mô thích hợp cho cả nước, cho từng vùng địa phương và cho từng loại sản phẩm. Phát huy vai trò chủ thể của người nông dân mới, nhanh chóng bồi dưỡng để xây dựng một thế hệ nông dân mới có nhận thức và tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với thị trường. Tăng cường liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng. Khuyến khích các dự án khởi nghiệp có liên quan đến phát triển nông nghiệp. Nêu cao vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước, nhất là các chính quyền cơ sở. Có thêm nhiều chính sách mới thu hút xã hội đầu tư vào nông nghiệp, chính sách hỗ trợ nông dân tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, đảm bảo tính bền vững, an toàn, có thể kết nối với thị trường theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm…

Giải cứu nông sản cho nông dân trong quá trình chuyển đổi là cần thiết, nhưng đây không thể là giải pháp chủ yếu, tích cực mà ở đây cần có những giải pháp phát triển cơ bản, căn cơ, lâu dài đòi hỏi cả hai phía đều phải chủ động, tích cực đó là nông dân và nhà nước. Có như vậy chúng ta sẽ bớt đi các chiến dịch giải cứu không muốn có…/.

Xuân Hải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực