Thanh Hóa: Dự án "Đẻ ngược", ngư dân đi đâu?

Thứ tư, 20/04/2016 17:36

(ĐCSVN) - Doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu thuyền và các ngư dân, chủ thuyền đánh cá, lẽ thường từ xưa đến nay vẫn gắn bó khăng khít và hàm ơn nhau, họ tồn tại là vì nhau để đương đầu với sóng gió biển khơi cùng muôn vàn khó khăn trên bờ để tạo lập cuộc sống. Oái oăm thay, khi Công ty TNHH Hợp Thanh, có địa chỉ ở phường Quảng Tiến ra múc đất thi công Dự án mở rộng khu sửa chữa, đóng mới tàu thuyền của Công ty, đã bị hàng trăm ngư dân thôn Tiến Lợi gần đó đổ ra ngăn cản.


Sổ đỏ cấp đất cho công ty có vị trí chồng chéo với bến thuyền của người dân?
 

 Thực hiện Dự án đóng thuyền “xóa sổ” bến thuyền?

 Theo lời kể của ngư dân: Cuộc tranh chấp kéo dài từ 4h sáng, khi người dân phát hiện tiếng máy múc, sà lan của Công ty Hợp Thanh vang động cả một khúc sông Mã. Được biết, doanh nghiệp tiến hành múc cát be bờ ở phía lòng sông cách xa bờ để thi công triền đà sửa chữa, đóng mới tàu thuyền theo Dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt và cho thuê đất. Còn người dân thôn Tiến Lợi chỉ biết rằng, nếu doanh nghiệp xây dựng triền đà sẽ choán mất bến thuyền hiện tại, đe dọa cuộc sống của hàng trăm ngư dân. Cuộc tranh chấp rất ồn ào, có những lời nói khá nóng nảy, nặng nề của cả hai bên (Công ty và bà con ngư dân) nhằm vào nhau, nhưng lại không ai nghe ai, tạo nên một cảnh huyên náo hiếm có. Cả hai bên đều quy kết lỗi cho nhau và đều khẳng định phần đúng thuộc về mình.

Rất may các lực lượng chức năng của thị xã Sầm Sơn đã có mặt và kịp thời can thiệp. Tuy vậy, phải đến 9h ngày 29/3/2016, Biên bản làm việc mới được lập, có chữ ký của Đại diện Công an thị xã Sầm Sơn, một số cơ quan chức năng của thị và các bên liên quan. Nội dung: Kiểm tra hiện trạng, Công ty Hợp Thanh đang dùng máy múc, xà lan múc cát, đã múc khoảng 20m3 cát. Kiểm tra hồ sơ, Công ty Hợp Thanh trình ra Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 13/10/2015 cho Công ty thuê đất, diện tích hơn 5.100m2 để sử dụng vào mục đích mở rộng triền đà đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu thuyền nghề cá tại phường Quảng Tiến (ngoài diện tích hiện có là gần 5.000m2). Trong đó có ý kiến của ông Lường Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cư về việc vị trí Công ty Hợp Thanh đang thi công là “chưa rõ ràng” giữa 2 địa phương, đặc biệt là giáp đê sông Mã và đề nghị  xác minh việc thi công của Công ty có đúng pháp luật và đã được cơ quan nào cho phép? Biên bản kết luận: yêu cầu Công ty tạm dừng việc múc cát, UBND xã Quảng Cư phải bảo đảm trật tự an ninh khu vực tranh chấp ; 2 đơn vị trên có báo cáo sự việc về UBND thị xã Sầm Sơn, chậm nhất đến ngày 1/4/2016.

Tìm hiểu sự việc tại hiện trường chiều 30/3/2016, mới thấy quan điểm, cách nhìn sự việc của bà con ngư dân và của phía Công ty Hợp Thanh vẫn còn cách xa nhau. “Bến thuyền Tiến Lợi, trước kia có tên là bến Làng Triều, đã ổn định từ 50 – 60 năm nay của cha ông để lại. Đây là nơi neo đậu thường xuyên của trên 50 phương tiện tàu thuyền khai thác thủy sản của bà con, đây là bát cơm manh áo của chúng tôi, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn con người, vì từ xưa đến nay thôn Tiến Lợi chỉ có một ngành nghề chính là khai thác thủy sản. Nay Công ty Hợp Thanh thi công xây dựng triền đà thì hàng chục tàu thuyền của ngư dân sẽ neo đậu ở đâu?” – ông Phạm Văn Thừa, trước đây là trưởng thôn Tiến Lợi bày tỏ.Ngược lại, Giám đốc Công ty Hợp Thanh Trần Trí Tám trình bày: Công ty đã mất rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện Dự án và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất. UBND xã Quảng Cư nói ranh giới đất chưa rõ ràng giữa 2 xã, phường là không đúng, mà diện tích đất này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về kiểm tra định vị vệ tinh hoàn toàn thuộc quyền quản lý của phường Quảng Tiến nên Công ty có toàn quyền xây dựng các hạng mục, Dự án nếu dừng lại sẽ quá thời hạn, đất sẽ bị thu hồi, dẫn đến nguy cơ Công ty bị thiệt hại, phá sản,  ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng trăm lao động.

Khi được hỏi: Vậy các tàu thuyền hiện neo đậu ở bến thuyền Tiến Lợi sẽ phải di chuyển đi đâu? Lập tức ông Tám cho rằng: “Việc neo đậu của các tàu thuyền đã có Cảng cá hoặc Âu thuyền Lạch Hới, nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, chỉ cách bến Tiến Lợi  khoảng 1km, vừa khang trang vừa an toàn hơn, lại khỏi lãng phí đầu tư của Nhà nước”. Còn người dân thôn Tiến Lợi, lại cho rằng di dời chỗ neo đậu lên 2 vị trí trên là không khả thi. Đại diện cho bà con, ông Phạm Văn Thừa cho rằng: “Nếu lên Cảng cá Lạch Hới hoặc Âu thuyền thì những phương tiện nhỏ của chúng tôi không chịu được va đập của sóng lớn; hơn nữa ra khỏi bến thuyền hiện tại sẽ khó khăn cho việc bảo vệ phương tiện cũng  như chuyển tải ngư cụ, vật dụng lên tàu và đưa sản phẩm đi tiêu thụ vì khoảng cách xa hơn, nghề cá của chúng tôi sẽ thua lỗ nặng ”. Phía Công ty đáp trả bằng thông tin: trước đây các phương tiện có nhiều chỗ neo đậu dọc bờ sông Mã xuôi xuống cửa Lạch Hới, nhưng xã Quảng Cư tùy tiện cho thuê nuôi trồng thủy sản và lập bãi chứa cát, choán hết lối lên xuống, làm mất luôn chỗ neo đậu của tàu thuyền. “Không khác đất nhà mình cho thuê kiếm lợi, lại để xe máy sang đất nhà hàng xóm, thật là vô lý. Lúc trước có thể được, nhưng nay nhà nước cho chúng tôi thuê đất của phường Quảng Tiến để mở rộng sản xuất, thì người dân Quảng Cư phải trả đất cho chúng tôi” – ông Tám ví von. Chưa hết bức xúc, ông Tám còn đặt câu hỏi gay gắt: “Hay là Công ty chúng tôi sau khi theo đuổi Dự án trên phần đất của phường chúng tôi và đã được cấp thẩm quyền phê duyệt cho thuê đất để đóng tàu lớn cho ngư dân vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo, nay lại phải bó tay trả lại đất và lâm vào cảnh nợ nần, hàng trăm công nhân thất nghiệp?”


Người dân phản ánh về vụ việc.


Ngư dân đi đâu để duy trì cuộc sống?
 Việc tranh chấp vị trí giữa Công ty Hợp Thanh và ngư dân thôn Tiến Lợi đang được các cấp chính quyền vào cuộc giải quyết. Dù sao, một tình tiết rất đáng được làm rõ: tất cả người dân cũng như cấp ủy Chi bộ, các đoàn thể, trưởng thôn đều cho rằng, họ không được bất kỳ cơ quan nào của thị xã Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa hỏi ý kiến về Dự án mở rộng triền đà sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền của Công ty Hợp Thanh ảnh hưởng như thế nào đến bến thuyền và đời sống nhân dân trong thôn?

 Trước đây, vào tháng 8/2015 ngư dân cũng đã ra ngăn cản Công ty cắm mốc giới triển khai Dự án. Biên bản họp của phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sầm Sơn ngày 24/8/2015 ghi nhận nguyện vọng của bà con: đề nghị cấp trên giữ lại bến thuyền cho ngư dân để ổn định và phát triển sản xuất, nếu giao đất cho Công ty thực hiện Dự án phải để lại 50m bề ngang bãi sông cho bến thuyền hoạt động và bảo đảm tiêu thoát lũ qua đê cho khu vực dân cư phía trong. Đùng một cái, Công ty  ra múc đất thi công thực hiện Dự án, với “bảo bối” trong tay là sổ đỏ hợp pháp của tỉnh cấp, đe dọa “xóa sổ” bến thuyền hiện tại của hàng trăm ngư dân mà họ chưa biết phải đi đâu để duy trì cuộc sống?  

Ngọc Chi (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực