Tuyên truyền chính sách pháp luật cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung

Thứ bảy, 21/10/2017 08:34
(ĐCSVN) – Mặc dù các bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân, song trên thực tế, tình trạng khai thác thủy sản trái phép trên các vùng biển nước ngoài của ngư dân Việt Nam, trong đó có ngư dân các tỉnh Duyên hải miền Trung vẫn còn xảy ra, thậm chí có nơi đang tăng trở lại.

Tuyên truyền chính sách pháp luật cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung

Theo đại diện chính quyền các địa phương, nguyên nhân hạn chế của việc tuyên truyền chính sách, pháp luật cho ngư dân có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan….

Áp lực về kinh tế của những chuyến biển

Theo chân đoàn công tác liên ngành của xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), chúng tôi đến thăm gia đình ông Huỳnh Hằng - một trong những ngư dân có truyền thống đánh bắt xa bờ nhiều đời tại địa phương này.

Sau khi biết ý định của chúng tôi muốn tìm hiểu về vụ tàu cá mà con trai ông là Huỳnh Quốc Công làm thuyền trưởng bị phía Philippines bắt hồi tháng 5/2016 do quá trình đánh bắt đã xâm phạm lãnh hải của nước này, ông Huỳnh Hằng không ngần ngại nói thẳng: “Biết là đã xâm phạm chủ quyền của Philippines, nhưng vì áp lực kinh phí của chuyến biển nên mới vi phạm”.

Ông Huỳnh Hằng (áo đỏ) kể về vụ tàu cá do con trai ông làm thuyền trưởng tàu cá BĐ 95296 TS bị Philippines bắt khi đang đánh bắt trên khu vực biển nước này vào tháng 5/2016.

Theo lời ông Hằng, vào thời điểm đó (tức 5/2016), anh Huỳnh Quốc Công được chủ tàu giao làm thuyền trưởng cùng với 05 ngư dân khác nhận chuyến biển ra Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt cá ngừ đại dương. Khi vừa mới ra khơi đã gặp bão trên Biển Đông nên anh Công cho tàu chạy vòng ra sau hướng bão và hướng về đảo Lu-dông của Philippines để tránh bão.

“Đặc điểm của loài cá ngừ đại dương là ngay sau bão cá rất nhiều, nên con trai tôi và các thuyền viên đi cùng quyết định tranh thủ đánh bắt ngay tại vùng biển của Philippines dù biết đây là vi phạm chủ quyền của nước khác, nhưng nếu không đánh bắt mà quay về thì Biển Đông vẫn còn động, chưa thể đánh bắt được. Vì thế, đã qua tới đây thôi thì... làm liều và dự định sẽ đánh bắt khoảng 05 ngày. 05 ngày cũng là thời gian bão trên Biển Đông sẽ tan. Chỉ cần 05 ngày này, nếu đánh ở đây chắc chắn tàu sẽ đầy cá, trở về Việt Nam bán cá sẽ đủ tiền để trả các chi phí cho chuyến đi như: xăng dầu, nước đá, tiền công cho lao động (khoảng hơn 100 triệu đồng). Tuy nhiên, mới đến ngày thứ 4 thì bị  lực lượng chức năng của Philippines bắt giữ” - ông Hằng cho biết.

Tương tự câu chuyện của con ông Huỳnh Hằng, tại tỉnh Phú Yên, trường hợp của tàu cá mang số hiệu PY 09541-TS, do anh Phạm Hồng Đại (hiện đang sống tại Khu phố 2, phường 6, TP.Tuy Hòa) làm thuyền trưởng cũng đã bị lực lượng chức năng của Brunei bắt giữ khi xâm phạm vùng biển Brunei, đưa về Brunei xét xử, phạt tù và đòi tiền chuộc. Trong quá trình đánh bắt cá ngừ đại dương, tàu PY 09541-TS cùng 02 tàu khác (đi cùng 01 tổ) phát hiện có luồng cá từ khu vực biển giáp ranh với Brunei nên cả 03 tàu đã cố ý chạy sang vùng biển Brunei để đánh bắt mặc dù biết đã xâm phạm vùng biển nước bạn (?!).

Như vậy, ngư dân đều biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Nguyên nhân, theo các ngư dân là vì luồng cá quá đông trong khi áp lực phải có cá để về mới có chi phí bù lại số tiền chuẩn bị cho chuyến biển nên họ đã làm liều... Rõ ràng, chỉ vì áp lực tài chính của chuyến biến mà các ngư dân Việt Nam đã cố tình vi phạm, đánh bắt trên vùng biển nước khác và dẫn đến bị bắt giữ.

Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa không ngần ngại nói: “Trước đây, ngư dân Việt Nam thậm chí trước khi xuất bến đã đổi tiền Việt sang thành tiền đô la với ý định sẽ qua vùng biển nước ngoài đánh bắt. Nếu bị lực lượng nước ngoài bắt sẽ lấy đôla trả cho lực lượng chức năng của họ để xin đánh đủ lượng cá rồi mới quay về. Dù có thêm khoản chi phí này, nhưng khi về bán cá vẫn có lãi và đủ trang trải lại các chi phí của chuyến đi. Chính vì vậy, ý định sang vùng biển nước ngoài đánh bắt lậu nay vẫn luôn được nhiều ngư dân nghĩ đến, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi biển nước ta nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt thì nhiều ngư dân lại càng kỳ vọng vào việc sang vùng biển nước ngoài đánh cá để có lãi. Tuy nhiên, hiện đã khác, lực lượng chức năng các nước đang tăng cường tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng bắt giữ, thậm chí bỏ tù và tiêu hủy phương tiện phạm tội nên không ít ngư dân, sau khi bị bắt còn bị giam giữ đến nay vẫn chưa được về nước. Có nhiều chủ phương tiện mất trắng tàu, thuyền vì phía nước ngoài đốt phá, đánh chìm; đặc biệt đã có trường hợp bị bắn chết như ở Phú Yên mới đây”.

Chia sẻ thêm về các hoạt động xua đuổi, đặc biệt là bắt giữ tàu thuyền và ngư dân Việt Nam thời gian gần đây của lực lượng chức năng trên biển các nước, Thượng tá Phạm Mạnh Hùng -  Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa nhận định: Lực lượng quản lý biển các nước trong khu vực gần đây được tăng cường. Các lực lượng này liên tục tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu thuyền của ngư dân ta hoạt động ở vùng biển tranh chấp, chồng lấn để khẳng định chủ quyền và yêu sách của họ. Điều đáng nói, là các hoạt động trên của một số nước ngày càng cứng rắn, quyết liệt hơn như: Đập, phá, đốt, tịch thu phương tiện, tịch thu tài sản, phạt tiền, bắt và giữ người.

Thượng tá Phạm Mạnh Hùng cho rằng, các vi phạm của ngư dân Việt Nam liên quan rất nhiều đến trình độ nhận thức của ngư dân ta. Trong đó, có rất nhiều ngư dân chấp hành pháp luật không nghiêm, cố tình vi phạm vùng biển các nước, cố tình sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt để tăng thu nhập. Khi bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, thả về, không kịp thời báo cáo với chính quyền và các cơ quan chức năng. Sau khi bị các cơ quan chức năng xử lý hành chính như: Tước giấy phép khai thác hải sản, bằng thuyền trưởng… thì tìm mọi cách thuê  hoặc mượn tên người khác, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền để tái diễn vi phạm. Tất cả những điều bất chấp đó của ngư dân, còn có nguyên nhân từ lợi ích kinh tế, nhất là lợi nhuận cao do đánh bắt trên ngư trường nước bạn cao hơn nhiều lần so với ngư trường Việt Nam nên một số chủ tàu, ngư dân ta đã cố tình vi phạm.

Ngư trường ngày càng bị thu hẹp, sản lượng giảm

Chỉ vì áp lực chi phí của chuyến biển lớn (bình quân từ 100 triệu đến 200 triệu/1 chuyến biển) nên ngư dân bất chấp pháp luật, xâm phạm vào lãnh hải nước khác để đánh bắt. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân trước mắt, còn nguyên nhân sâu xa, theo nhiều cơ quan chức năng của các tỉnh, thành Duyên hải miền Trung thì hiện nay, ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đang ngày càng bị thu hẹp, sản lượng giảm, buộc ngư dân phải chuyển sang vùng biển các nước khác để đánh bắt mới có lời.

Bên cạnh đó, cũng một thực tế ta cũng phải thừa nhận, hiện nay đội tàu xa bờ của ta cũng tăng lên mỗi ngày với sự hiện đại về máy móc, thiết bị đánh bắt nên Biển Đông cũng đang nhỏ lại so với năng lực khai thác. Điều đó cho thấy ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam đang bị thu hẹp và sản lượng đánh bắt không đáp ứng, đòi hỏi phải tìm ngư trường xa, nhiều cá, tôm hơn. Và chính điều này cũng đã khiến ngư dân ta xâm phạm vùng biển nước khác để đánh bắt.

Nói thêm về nguyên nhân dẫn đến việc ngư dân Việt Nam thời gian qua có nhiều trường hợp đánh bắt vi phạm chủ quyền các nước khác và bị bắt, Thượng tá Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, nguyên do đến nay, còn một số vùng biển nước ta chưa hoàn thành việc phân định với các nước. Do đó, việc tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và bảo vệ ngư dân ở khu vực biển này gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, cũng do ta chưa ký cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động nghề cá với các nước, nhất là với Malaysias và Indonesia. Vì thế, khi ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng phía bạn bắt giữ, ta phải tiến hành nhiều biện pháp, nhiều kênh để giải quyết rất khó khăn.

Theo nhiều nhà quản lý, nếu Việt Nam không làm tốt công tác quy hoạch đối với tàu cá xa bờ thì với đà phát triển số lượng lớn tàu cá có công suất lớn, hiện đại như hiện nay tiếp tục kéo dài sẽ khiến các ngư trường quá tải

Phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân 

Theo ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phường 6 (TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên): “Chúng tôi có làm tốt đến mấy, suốt ngày cứ bám ngư dân để tuyên truyền nhưng vì cái lợi ích kinh tế trước mắt mà ngư dân bất chấp để vi phạm pháp luật. Đặc biệt, họ khó chấp nhận khi chuyến biển dài ngày rồi mà sản lượng thu được không đạt. Nếu thua lỗ thì lấy gì trả lương cho lao động, lấy gì để bù vào chi phí xăng dầu, nước đá ? Vậy là làm liều, vi phạm lãnh hải nước khác để đủ chi phí chuyến biển”.

Còn theo ông Phạm Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND phường Phú Đông (một trong những địa phương có đội tàu xa bờ lớn nhất của TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), với ngư dân, tuyên truyền phải phù hợp, nội dung cần cô đọng, súc tích, ngắn gọn, trực quan, dễ hiểu thì mới đạt hiệu quả.

Trên thực tế, nhiều khi cán bộ ở trên về tuyên truyền nói hết văn bản chỉ đạo này đến văn bản chỉ đạo khác khiến ngư dân không thể nghe "lọt". Vì thế, rất cần có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của ngư dân, nhất là nên có nhiều tờ rơi, tranh ảnh để ngư dân biết ngư trường giữa Việt Nam và lãnh hải các nước trong khu vực. Cũng nên nói rõ mức xử lý khi ngư dân vi phạm và mức phạt phải cao hơn để răn đe.

Ngư dân Bùi Thanh Ninh - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho rằng, nên ưu tiên bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ khi đến tuyên truyền chính sách, pháp luật cho ngư dân. Bởi thực tế, nhiều cán bộ tuyên truyền rất máy móc, thiếu sáng tạo, linh hoạt. Mặt khác cũng nên đa dạng các kênh tuyên truyền, nhất là lồng ghép với các vấn đề khác có liên quan, đặc biệt tuyên truyền nên chú ý làm tốt, kỹ với đội ngũ lái tàu, thuyền trưởng, máy trưởng, bởi đây là những người giữ vai trò “tư lệnh” của toàn tàu khi quyết định sẽ đánh bắt ngư trường nào.

Ngoài ra, theo ngư dân Bùi Thanh Ninh, trình độ nhận thức của ngư dân đa số còn thấp và không đồng đều. Vì thế, muốn ngư dân nắm bắt và thực hiện tốt các quy định, chính sách, pháp luật, trước hết phải gần họ, nói đi nói lại. Do đó, cán bộ tuyên truyền phải kiên trì, chịu khó. Không chỉ vậy, các cấp chính quyền cũng nên có những hình thức động viên, khen thưởng kịp thời những ngư dân, tổ đội đánh bắt thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước; đồng thời lồng ghép các chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thuyền cũng như thu mua sản phẩm đánh bắt cho ngư dân với giá ưu đãi để động viên ngư dân

Nói về mức phạt của 01 trường hợp vi phạm khi đánh bắt trên vùng biển nước khác từ 50 đến 70 triệu đồng là quá thấp, không đủ sức răn đe, ông Từ Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho rằng, cùng với tuyên truyền vận động, nên có chế tài xử phạt tàu cá vi phạm nặng hơn, có biện pháp ngăn chặn tàu cá bị xử phạt sau đó tìm cách sang tên đổi chủ. Cũng nên mạnh tay xử phạt những ai đánh bắt và tiêu thụ thủy, hải sản quý hiếm, từ đó góp phần ngăn chặn, giảm bớt sự liều lĩnh của một số ngư dân, sẵn sàng xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt./.

Kỳ 3: Đồng hành cùng ngư dân bám biển, tránh xâm phạm chủ quyền nước khác

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực