6 tháng đầu năm 2018, cả nước có hơn 14 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội

Thứ tư, 11/07/2018 14:37
(ĐCSVN) - Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 14,08 triệu người tham gia BHXH. Trong đó có 13,38 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 230.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,8 triệu người tham gia BH thất nghiệp.

 

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Hằng

Ngày 10/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, theo dự thảo báo cáo tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 14,08 triệu người tham gia BHXH. Trong đó gồm: 13,38 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 94,6% kế hoạch; 230.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,8 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, đã có 81,45 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 86,9% dân số- vượt 1,7% so với chỉ tiêu tại Quyết định 1167 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn Ngành cũng đã bàn giao được 14,32 triệu sổ BHXH cho NLĐ (đạt 95,1% tổng số sổ phải bàn giao).

Cùng với đó, toàn Ngành đã giải quyết cho 59.890 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, TNLĐ-BNN hàng tháng (trong đó có 48.333 người hưởng chế độ hưu trí, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2017); giải quyết hưởng trợ cấp một lần cho 403.539 người hưởng (trong đó có 346.678 người hưởng BHXH một lần, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017); giải quyết hưởng chế độ ốm đau là 3.549.054 lượt người; hưởng chế độ thai sản là 888.098 lượt người; hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe là 182.860 lượt người. Số lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Tổ chức chi trả cho 317.158 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 14.930 người hưởng hỗ trợ học nghề.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại 6 tỉnh, thành phố. Qua đó, phát hiện 902 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 2.936 triệu đồng; 7.764 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền 11.590 triệu đồng; đề nghị các đơn vị đóng số tiền 53.226 triệu đồng do đóng sai phương thức. Trong thời gian thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã nộp được 49.519 triệu đồng. BHXH các địa phương cũng tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng BHXH tại 2.777 đơn vị và đã yêu cầu truy đóng số tiền 44.168 triệu đồng; yêu cầu đóng 784.614 triệu đồng do đóng sai phương thức (các đơn vị đã nộp được 469.456 triệu đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng còn một số tồn tại như: Tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp so với tiềm năng; tình trạng trốn đóng, nợ đóng tại các địa phương vẫn còn phổ biến; việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn chậm, nhất là BHXH tự nguyện; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT còn diễn ra khá phổ biến và bằng nhiều hình thức…

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hằng

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành thời gian tới là phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Nếu so với số liệu chia sẻ của ngành Thuế thì hiện, cả nước còn khoảng 300.000 doanh nghiệp (DN) chưa tham gia BHXH, nên Ban Thu cần khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn và giao BHXH các tỉnh điều tra, tổng hợp tình hình. Theo đó, với những địa phương để nợ cao, sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu; các tỉnh phải ra quyết định thanh tra đột xuất đơn vị nợ BHXH, BHYT. Với đơn vị nào sau 2 lần thanh tra, xử phạt mà không chấp hành, thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đề nghị khởi tố. Đặc biệt, Ban Thu và Ban Thực hiện chính sách BHXH cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi, bổ sung các quy định về đóng BHXH cho phù hợp...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh lưu ý, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, nên các địa phương phải tập trung cao độ, có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo hơn nữa. Từ đó, thống kê kịp thời những đơn vị nào nợ BHXH quá hạn, đơn vị nào nợ từ 2 tháng trở lên và gắn với trách nhiệm của từng cán bộ phụ trách. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra hồ sơ, đối chiếu dữ liệu trong giải quyết chế độ chính sách, nhất là chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp...

Tổng Giám đốc cũng yêu cầu các đơn vị liên quan của Ngành tiếp tục hoàn thiện bộ quy tắc, quy trình giám định; từng bước phân cấp, tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực BHYT; thường xuyên lắng nghe ý kiến phản hồi; đào tạo và đào tạo lại đội ngũ làm công tác giám định. Khi phát hiện trục lợi, lạm dụng quỹ phải có cơ chế báo cáo, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); chỉ rõ các địa phương có giá cao bất thường và tiếp tục đấu thầu tập trung để giảm giá thuốc. Đặc biệt, các tỉnh cần chủ động báo cáo, tham mưu cho cấp ủy tình hình thực hiện BHXH, BHYT trên địa bàn./.

Khánh Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực