Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng: Nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Thứ hai, 20/05/2019 10:09
(ĐCSVN) - Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng luôn được Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong nhiều năm qua, từ đó công tác này được triển khai thực hiện rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả tích cực.

Các tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị Tổng kết 5 năm về công tác

cải cách thủ tục hành chính TP Đà Nẵng

Công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng luôn được Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Đà Nẵng xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong nhiều năm qua, từ đó công tác này được triển khai thực hiện rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân 

Cho đến nay, BHXH thành phố Đà Nẵng thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị tham gia hầu hết đều qua giao dịch điện tử, qua dịch vụ chuyển phát bưu chính công ích; thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, hạn chế sự chồng chéo trong quá trình giải quyết công việc; việc giải quyết hồ sơ được thực hiện công khai, minh bạch, chấm dứt việc TNHS trực tiếp của các Phòng nghiệp vụ, tạo cơ chế kiểm tra, giám sát nội bộ và ngăn chặn xảy ra tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể: Về giao dịch hồ sơ điện tử: cơ quan, đơn vị nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần. Đến nay, 100% đơn vị thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, với 81.469 lượt với 482.473 hồ sơ giao dịch điện tử; Tất cả hồ sơ giấy giao dịch với đơn vị sử dụng lao động được thực hiện thông qua dịch vụ chuyển phát của cơ quan Bưu điện (doanh nghiệp không phải trả phí).

Thực hiện tiếp nhận hồ sơ tại bất kỳ cơ quan BHXH quận, huyện hoặc tại BHXH thành phố, nơi nào thuận tiện để nộp hồ sơ; trường hợp cấp lại thẻ BHYT thì giải quyết ngay, không hẹn trả.

Rút ngắn thời gian giải quyết TTHC: Năm 2018, đã thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết đối với 11 TTHC với tổng thời gian được rút ngắn 110 ngày. Thực hiện liên thông dữ liệu, giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giám định BHYT: Đã thực hiện rà soát, chuẩn hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu và quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động và trả sổ BHXH cho người lao động. Đến 30/4/2019, tỷ lệ rà soát và bàn giao sổ BHXH cho người lao động đạt 99,22%; Thực hiện giám định trên Hệ thống thông tin Giám định BHYT, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã cập nhật dữ liệu hàng ngày lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống thông tin giám định BHYT liên thông toàn quốc; Đến nay, toàn bộ các hệ thống quản lý và nghiệp vụ đã được kết nối liên thông trên toàn quốc, qua đó, góp phần bảo đảm tính khách quan, minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, giúp cho ngành BHXH giám sát, quản lý kịp thời, hiệu quả.

Triển khai ứng dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ, góp phần giảm thời gian tác nghiệp, xử lý công việc, tiến đến mục tiêu văn phòng không giấy. Đến nay, đã cấp, sử dụng 12 chứng thư số của tổ chức và 123 chữ ký số của cá nhân thuộc BHXH thành phố; Chủ  động nghiên cứu, xây dựng các phân mềm ngoài hệ thống phần mềm do BHXH Việt Nam quy định, như: Phần mềm cảm ứng phục vụ đánh giá CCHC tại bộ phận một cửa; Phần mềm quản lý chi trả trợ cấp thất nghiệp; Phần mềm quản lý khách hàng; Phần mềm quản lý sổ BHXH do đơn vị sử dụng lao động bàn giao; Phần mềm phòng, chống lạm dụng, trục lợi chế độ ốm đau, thai sản;…

Xây dựng, Triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH thông qua dịch vụ tin nhắn, góp phần thực hiện công khai, minh bạch về quá trình trích nộp BHXH, BHYT, BHTN; thời hạn sử dụng thẻ BHYT; tình trạng giải quyết hồ sơ, TTHC;….

Triển khai tiện ích hẹn giờ đăng ký TTHC qua Trang thông tin điện tử BHXH thành phố và tổng đài 1022, giúp cho người dân, doanh nghiệp chủ động hơn, tiết kiệm thời gian, không phải chờ đợi trong giao dịch các TTHC liên quan.

Thực hiện chi trả các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân cho người lao động, qua đó góp phần rút ngắn thời gian tiến hành các TTHC, đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Đật được những kết quả trên, thứ nhất, BHXH TP Đà Nẵng luôn bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND thành phố; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị sử dụng lao động trên đại bàn; tập trung chi đạo quyết liệt, đồng bộ, kiên trì trong toàn Ngành về thực hiện CCHC. Luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được đưa vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm; xem như một cuộc cách mạng, để thành công thì mỗi công chức, viên chức phải vượt qua chính mình, từ bỏ những quyền lợi có tính cục bộ, cá nhân, vì sự nghiệp phát triển chung hướng đến BHXH và BHYT toàn dân. Đây được xem là bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất trong thực hiện CCHC.

Hai là, thực hiện CCHC có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng mô hình, giải pháp, sáng kiến mới, cách làm hay, có tính đột phá; tạo ra hiệu ứng lan tỏa, có kết quả cụ thể và chuyển biến rõ nét trên thực tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tác nghiệp trên môi trường mạng, trong đó, tập trung vào giảm thời gian, thủ tục trong giao dịch, đẩy mạnh triển khai giao dịch điện tử và phát triển các hình thức tương tác phi truyền thống khác.

Ba là, kết quả CCHC phải gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu;  thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch, đa dạng hóa các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân; thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU ngày 06/11/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “5 xây”, “3 chống”; thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, phân loại, bình xét thi đua, khen thưởng và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.

Bốn là, thường xuyên quán triệt, xây dựng hình ảnh công chức, viên chức ngành BHXH thực hiện CCHC theo tinh thần “3 hơn”: nhanh hơn, hợp lý hơn và thân thiện hơn; “4 xin”: xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cám ơn và “4 luôn”: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ.

Năm là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó, tập trung đối thoại trực tiếp với người lao động, tổ chức các chương trình đối thoại trực tiếp, trực tuyến; thực hiện đưa tin, viết bài, phỏng sự trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử trung ương và địa phương.

Với những kết quả đã đạt được, Ngành BHXH đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ phía người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT theo định hướng nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân, góp phần xây dựng thành phố thông minh, BHXH thành phố kiến nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tạo thuận lợi, phối hợp tốt với BHXH thành phố để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn./.                                       

Anh Nhân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực