Đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa cách tính lương hưu cho lao động nữ

Thứ năm, 09/11/2017 15:44
(ĐCSVN) – Sáng 9/11, Quốc hội lần đầu tiên thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Trong đó, nhiều đại biểu tiếp tục đề cập đến lộ trình, cách tính lương hưu cho lao động nữ.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phát biểu sáng 9/11. (Ảnh: KT)

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, nếu vẫn giữ độ tuổi nữ nghỉ hưu chênh lệch với nam 5 tuổi thì cách tính lương, cách tính nâng quân hàm phải làm thế nào để khi nghỉ hưu bằng với nam. Đại biểu ví dụ: “nam chuyên viên chính 3 năm lên lương một lần, 3 năm lên cấp hàm một lần đối với sỹ quan, nên chăng chỉ cần 2 năm rưỡi. Như vậy, tới tuổi nghỉ hưu người ta mới hưởng bằng nam giới được. Việc này chúng ta cũng nên tính để đảm bảo tuổi thọ, sống mới mạnh khỏe và đảm bảo cho xã hội chăm lo.

Đại biểu cho rằng tới đây, sửa đổi Luật lao động nên lấy ý kiến đối với nữ để xem tuổi thế nào là hợp lý. “Việc này phải lấy đối tượng cụ thể chịu tác động” – ông nói.

Về tiền lương hưu của lao động nữ từ ngày 1/1/2018, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho rằng, theo quy định tại khoản 2, Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy có sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018, điều này thật sự gây thiệt thòi cho lao động nữ.

Đại biểu đồng tình và đánh giá cao trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét phương án về lộ trình thực hiện cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ ngày 1/1/2018. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét quyết định bởi thời điểm có hiệu lực của quy định này chỉ còn gần 2 tháng nữa, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động nữ, không tạo ra những bức xúc trong xã hội và cũng để đảm bảo ổn định tình hình quan hệ lao động vào những tháng cuối năm, tránh việc phản ứng chính sách như đã xảy ra với Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian vừa qua.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (TP Hà Nội) cũng đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng tác động giới của việc thực hiện cách tính lương hưu đối với lao động nữ, phải có lộ trình phù hợp để đảm bảo bình đẳng ở cả cách tính lương, ở cả độ tuổi nghỉ hưu, vì hiện nay lương bình quân trước khi nghỉ hưu của nữ giới chỉ bằng 87% so với nam giới.

Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề này Chính phủ đã sớm phát hiện, tiến hành khảo sát đánh giá tác động và báo cáo UBTVQH tại phiên họp tháng 9. “Hiện nay, Chính phủ đã xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 10 và có báo cáo UBTVH để trình Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền đề xuất của Chính phủ theo hướng vừa đảm bảo thực thi pháp luật vừa đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng và quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới. Thực hiện theo lộ trình, không gây sốc, không gây bức xúc cho xã hội, thẩm quyền này thuộc Quốc hội xem xét” – Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực