Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả quản lý chi, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thứ ba, 16/10/2018 17:06
(ĐCSVN) – Để đạt mục tiêu bao phủ về tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT), thời gian qua, BHXH tỉnh Tiền Giang đã triển khai tốt chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Đây cũng là cơ hội tốt cho BHXH tỉnh phát triển mở rộng đối tượng tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, BHXH tỉnh vẫn còn gặp khó khăn trong công tác quản lý quỹ BHYT.

 

Ảnh minh họa. (Ảnh: Mỹ Hạnh)

Hơn 3.000 đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Tiền Giang, hiện tỉnh có 4 khu công nghiệp (KCN) và 4 cụm công nghiệp (CCN), thu hút phần lớn đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn.

Chính sách pháp luật BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội tốt cho BHXH tỉnh phát triển mở rộng đối tượng tham gia. Đến hết tháng 8/2018, toàn tỉnh có 3.353 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) tham gia BHXH; 194 ngàn người tham gia BHXH, so với lao động trong độ tuổi chiếm 18,04%. Song, nhìn chung đa số là doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, người dân đa phần làm nghề nông, kinh tế còn khó khăn, nên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn không ít thách thức.

Cùng với đó, năm 2018, tình hình kinh tế ở địa phương có một số biến động, các DN ngoài quốc doanh trên địa bàn có xu hướng giảm lao động, thậm chí phải đóng cửa, nhất là các DN trong lĩnh vực may mặc, chế biến thủy sản, xây dựng...

Đặc biệt, BHXH tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt nhiều lĩnh vực, trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cũng như quy trình giải quyết được công khai, minh bạch; công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT được thực hiện theo mô hình “Một cửa điện tử tập trung”. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đã được triển khai mạnh mẽ; việc liên thông, đưa dữ liệu lên mạng nhìn chung khá tốt; tỉ lệ người dân hài lòng với cơ quan BHXH gia tăng…

Điển hình như, trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám định BHYT, đôn đốc cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu đúng ngày; phân tích, đánh giá chi phí khám chữa bệnh để phát hiện vấn đề bất thường, kịp thời đưa ra các giải pháp can thiệp phù hợp.

Về cải cách công vụ, việc giải quyết TTHC tại cơ quan BHXH đã tuân thủ theo đúng nguyên tắc của cơ chế "Một cửa" và "Một cửa liên thông". Quá trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC không làm phát sinh thêm thủ tục. Các TTHC nhìn chung được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện và đúng thời gian quy định. Một số thủ tục giải quyết chế độ chính sách đã giảm từ 30% đến 50% thời gian so với trước đây. Riêng thủ tục cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng được thực hiện ngay trong ngày; thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, chế độ ngắn hạn, BHXH một lần, cấp sổ BHXH đảm bảo giải quyết và trả kết quả đúng hoặc trước thời gian quy định. Tính đến 31/8/2018, toàn tỉnh có 2.408/2.533 đơn vị đủ điều kiện giao dịch điện tử (đạt 98,6%).

Một trong những kết quả nổi bật, đó là tỉ lệ nợ BHXH giảm xuống rất thấp. Năm 2016, BHXH tỉnh thu 3.282 tỷ đồng (đạt 101,7% kế hoạch); tổng nợ BHXH, BHYT là 23,7 tỉ đồng (chiếm 0,74% kế hoạch thu). Tuy nhiên, sang năm 2017, số thu được 3.781 tỉ đồng; tổng nợ BHXH, BHYT là 43,7 tỷ đồng (chiếm 1,18% kế hoạch thu). Theo dự kiến, trong năm 2018, BHXH tỉnh phấn đấu số nợ giảm còn khoảng 1% so với kế hoạch thu.

Đánh giá về kết quả nổi bật của ngành trong thời gian qua, ông Lê Văn Chương - Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết: Với sự quan tâm vào cuộc của các ngành, các cấp cùng với sự nỗ lực phấn đấu của BHXH tỉnh, công tác thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT tại địa phương đã đi vào nề nếp. Để phát triển đối tượng tham gia, BHXH tỉnh tập trung quyết liệt các giải pháp; thường xuyên chia sẻ dữ liệu để rà soát, xác định DN cũng như lao động chưa tham gia BHXH; chỉ đạo BHXH các huyện, thị, thành phố căn cứ vào danh sách đơn vị, mã số thuế, địa chỉ để cử cán bộ đến trực tiếp DN tuyên truyền, vận động tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp.

Khắc phục tình trạng bội chi quỹ BHYT

Mặc dù đạt nhiều kết quả, tuy nhiên BHXH tỉnh Tiền Giang vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, nhất là trong công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Cụ thể, mức đóng thấp, nhưng quyền lợi hưởng của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng; việc phát triển đối tượng tham gia BHYT chưa đảm bảo tính bền vững; mức đóng BHYT không tăng. Đặc biệt, chính sách thông tuyến khám chữa bệnh gây không ít khó khăn cho địa phương trong việc quản lý bệnh nhân; chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh ngoài tỉnh luôn chiếm tỉ lệ rất cao.

Một trong những khó khăn trong công tác quản lý quỹ BHYT là chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh ngoài tỉnh chiếm tỉ lệ rất cao, nên nguồn quỹ còn lại ở các cơ sở y tế địa phương còn rất ít.

Ông Tạ Văn Trầm - Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết, công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn gặp không ít khó khăn, trong đó có những nguyên nhân do cơ chế, chính sách. “Cũng do công tác khám chữa bệnh bị phân tán, nên việc chuyển tuyến lòng vòng giữa các bệnh viện cũng khá nhiều, gây ra một số lãng phí nhất định”, ông Trầm cho biết.

Để khắc phục tình trạng trên, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị và Sở Y tế nnhằm đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ và có giải pháp xử lý phù hợp. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục bố trí ngân sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT và quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT trên địa bàn.

Địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các trang thiết bị cho cơ sở y tế và cố gắng đầu tư hết sức các điều kiện phục vụ cho nhân dân. Để phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ BHYT, các ngành chức năng tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quyết liệt xử lý các vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực