Vì sao đơn khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội của tổ chức công đoàn bị Tòa án trả lại?

Thứ hai, 20/11/2017 16:31
​(ĐCSVN) – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xét xử các vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra Tòa án thời gian qua gặp một số vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu hoặc trong điều kiện khám bệnh hoặc về sau…

Tại phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình mới đây, Đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) phản ánh: Trong thời gian vừa qua, tình hình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động gây bức xúc trong xã hội, nhưng chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả. Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và gần đây nhất là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều có quy định: Tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án, khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương đã nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, tất cả các đơn khởi kiện của tổ chức công đoàn đều bị Tòa án trả lại. Lý do trả lại đơn khởi kiện cũng không thống nhất.

“Tôi đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân của những vướng mắc trên là do đâu? Và giải pháp nào để tháo gỡ những vướng mắc này để tổ chức công đoàn có thể thực hiện quyền khởi kiện của mình đối với hành vi vi phạm pháp luật về  bảo hiểm xã hội đã được pháp luật quy định”, ĐB chất vấn.

Vướng luật!

 Về vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin: Hiện nay có 102.900 đơn vị còn đang nợ bảo hiểm. Nợ của 2,6 triệu lao động, với số tiền nợ là 14.700 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 8.840 vụ và yêu cầu trả khoảng 6.000 tỷ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ và tuyên các doanh nghiệp phải trả và thu hồi được 16% số nợ bảo hiểm phải trả. Còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp.

 

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: TH).


Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Luật giao cho bảo hiểm có quyền kiểm tra, xử phạt. Sau kiểm tra, xử phạt, trình tự hành chính xong tòa mới giải quyết. Chính vì vậy, tòa án có công văn yêu cầu không thụ lý đơn này nữa vì không đúng quy định của tố tụng hình sự mới được ban hành.

“Sở dĩ có công văn này, công văn xuất phát từ một vụ kiện của bảo hiểm nhưng sau đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị và tòa án thấy kháng nghị của Viện Kiểm sát đúng và bản án mà tòa đã xử tuyên là phải hủy cho đúng trình tự tố tụng. Sau đó chúng tôi ra hướng dẫn không thụ lý nữa”, Chánh án lý giải.

Cho hay thời gian qua trong thực tế các tổ chức công đoàn đã khởi kiện 138 vụ, song Chánh án cho biết  quá trình xét xử gặp một số các vướng mắc sau:

Thứ nhất, đại diện công đoàn không được người lao động ủy quyền, cho nên thông tin ra đến tòa để bảo vệ phần khởi kiện của mình không chắc chắn. Mặc dù kiện nhưng công đoàn không bảo vệ được, do không nắm được tình hình.

Thứ hai, có nhiều đại diện công đoàn sau khi kiện xong mời ra tòa cũng không ra.

Thứ ba, Chánh án biết do vướng về mặt luật, đây là được xem kiện dân sự mà theo quy định của dân sự là các bên nguyên, bên bị, nguyên đơn và bị đơn là bình đẳng với nhau và theo nguyên tắc của dân sự việc dân sự cốt ở đôi bên và có quyền thỏa thuận. Trong trường hợp này, công đoàn khởi kiện nhưng công đoàn không được quyền thỏa thuận, công đoàn cũng như bảo hiểm, cũng không có thể đứng trước tòa nói tăng bảo hiểm, tăng tiền đóng cho doanh nghiệp này, giảm tiền đóng cho doanh nghiệp kia, không có quyền đại diện để thỏa thuận các việc kiện của dân sự. Cho nên vụ án cũng không giải quyết được theo các trình tự nào. “Luật quy định một người phải đóng bảo hiểm bao nhiêu, nhân lên số lao động và doanh nghiệp phải đóng như thế. Công đoàn không được quyền thỏa thuận là doanh nghiệp này hạ một ít, doanh nghiệp kia tăng một ít và việc thỏa thuận theo nguyên tắc cốt ở đôi bên của tố tụng dân không đảm bảo nên việc kiện của công đoàn không đúng”, Chánh án cho hay.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin thêm: Sau phiên họp với Ủy ban tư pháp của Quốc hội vừa rồi, đích thân Chánh án đã chủ trì một phiên họp có sự tham gia của lãnh đạo công đoàn, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và của các ngành khác thì tất cả đều thống nhất không kiện.

“Đây là một thực tế rất nóng và muốn hay không chúng ta phải giải quyết làm sao nợ bảo hiểm này phải được khắc phục. Tình trạng nợ đọng như thế này thì không đảm bảo quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu hoặc trong điều kiện khám bệnh hoặc về sau”, Chánh án nhấn mạnh.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự và quy định sau 01/01/2018 các hành vi vi phạm đến nợ bảo hiểm bắt buộc coi như tội phạm và nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc, Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án các cấp phải thụ lý theo đúng quy định của luật.

“ Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có Nhhị quyết  về việc xét xử các vụ án hình sự liên quan đến bảo hiểm bắt buộc và việc này đang được triển khai, nghiên cứu, hy vọng sẽ ban hành trước thời điểm Bộ luật Hình sự có hiệu lực”, Chánh án cho hay.

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép rà lại các văn bản pháp quy để mở đường cho việc kiện của công đoàn

Tranh luận lại Chánh án, ĐB Phan Thị Bình Thuận (TP Hồ Chí Minh) chỉ ra:  “Chánh án có nói rằng giải pháp là sắp tới sẽ tiến hành xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Thưa Chánh án, đây là một giải pháp có thể xem là giải pháp để thu hồi, giảm bớt tiền nợ bảo hiểm xã hội nhưng không phải là giải pháp thực hiện quyền khởi kiện của công đoàn”.

Theo ĐB Phan Thị Bình Thuận, 4 luật quy định về quyền của tổ chức công đoàn được đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm.

‘Nếu pháp luật quy định như thế nhưng trên thực tế không thể thực hiện được thì pháp luật chỉ nằm trên giấy. Điều này là điều gây bức xúc cho cử tri là người lao động trong thời gian vừa qua.”, ĐB thẳng thắn nói.  

Trả lời các đại biểu, thừa nhận vướng luật  rất khó cho việc giải quyết tại tòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trong thời gian sắp tới, sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép rà lại các văn bản pháp quy để mở đường cho việc kiện của công đoàn.

“ Tôi đề nghị trong tố tụng lao động, chúng ta sẽ giải quyết bài toán về công đoàn đại diện cho người lao động. Với hạ tầng pháp lý hiện tại thì việc giải quyết của Tòa án như thế đã đúng. Không phải khi chúng ta đã hình sự hóa việc đóng bảo hiểm bắt buộc, không xử lý theo trình tự hành chính được", Chánh án nói./.

 

 

Tâm An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực