Sức sống và ý nghĩa thời đại của tư tưởng Các Mác

Thứ năm, 03/10/2019 17:17

Không chỉ các nhà nghiên cứu khoa học, mà nhiều người làm việc trong làng báo ở châu Âu những năm qua cũng rất quan tâm tới học thuyết của C.Mác trong bối cảnh của khủng hoảng kinh tế. Vì họ đã tìm thấy ý nghĩa vượt thời đại qua các tư tưởng của ông.

Sức sống và ý nghĩa thời đại của tư tưởng Các Mác

(Kỳ 2) 

Không chỉ nhiều tờ báo địa phương, đài phát thanh và truyền hình khu vực đăng, phát các bài viết về Mác và các công trình nghiên cứu của ông, mà nhiều tờ báo lớn liên tục công bố các bài báo tập trung chủ đề C. Mác, tư bản chủ nghĩa, khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Thí dụ như: Mác có lý (Marx hat recht) đã đăng trên tờ Frankfurter Khái quát (Frankfurter Allgemiene) ngày 21/9/2008; Phê phán chủ nghĩa tư bản: Các Mác còn sống (Kapitalismuskritik: Karl Marx lebt) đăng trên Thời gian (Zeit) ngày 24-10-2008; Chủ nghĩa tư bản trong khủng hoảng - trong cơn bão kinh tế toàn cầu (Kapitalismus in der Krise - Im Weltwirtschaftsgewitter) trên tờ Miền nam Đức (Süddeutsche) ngày 17-5-2010; Sự trở lại của C.Mác (Das Comeback des Karl Marx) đăng trên Frankfurt toàn cảnh (Frankfurt Rundschau) ngày 7-11-2011; C. Mác và ảnh hưởng của ông hôm nay (Karl Marx und seine Bedeutung heute) trên Đài phát thanh Đức (Deutschlandfunk) vào ngày 26-5-2011; Tái khám phá C.Mác (Marx wiederentdeckt) phát trên Đài phát thanh Đức (Deutschlandfunk) ngày 4-9-2013; C.Mác và cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay (Karl Marx und die gegenwärtige Finanzkrise) đã đăng trên tờ Frankfurter Khái quát (Frankfurter Allgemiene) ngày 7-10-2013; Các Mác - rất hợp thời nhưng bị hiểu lầm (Karl Marx - hochaktuell und misverstanden) phát trên Đài phát thanh văn hóa Đức (Deutschlandradio Kultur) ngày 20-11-2014…

Ở các trường đại học cũng tổ chức khá nhiều hội thảo về C.Mác. Ngày 5-2-2014, Trường đại học Kha-xê (Kassel) đã tổ chức hội thảo với chủ đề Khủng hoảng kinh tế - cơ sở cho sự phục hưng của Mác? (Die Finanzkrise - Grundlage für Marx - Renaissance?). Người quan tâm có thể tìm đọc bản tham luận Marx và cuộc khủng hoảng tài chính hiện đại (Marx und die moderne Finanzkrise) đã đăng tải lên mạng của GS.TS M. Pha-bờ (M.Faber) ở Trường đại học Tổng hợp Hai-đơ-béc (Heidelberg). Một số chính trị gia phương Tây khi phát biểu công khai trước công chúng cũng không ngần ngại đưa ra suy nghĩ của mình trên cơ sở học thuyết Mác-xít. Trong bài báo Điều gì thật sự vẫn còn lại của C. Mác (Was wirklich von Karl Marx übrig bleibt), tờ Thế giới (Die Welt) cho bạn đọc biết, ông O.Rên (O.Rehn) sinh 1962, đã học Đại học kinh tế, quan hệ quốc tế và báo chí, hiện là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan (từ ngày 29-5-2015), nguyên Ủy viên EU phụ trách kinh tế (2004 - 2014): “Rehn đã ở nhiệm sở tại Brüssel, nơi mà Mác và Ăng-ghen vào mùa đông 1847-1848, đêm trước của cách mạng dân chủ toàn châu Âu, đã viết Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Ông Ủy viên đã khéo léo tung ra những ngữ vựng Mác-xít, như khi ông phát biểu “châu Âu là câu trả lời cho mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, cụ thể là giữa chủ nghĩa quốc tế kinh tế và sự biệt lập chính trị, tức là giữa kinh tế toàn cầu và nhà nước quốc gia”. Trong bài, tác giả cũng đã nhắc đến phát biểu vào ngày 17-4-2005 được tranh cãi rất nhiều liên quan đến chủ nghĩa tư bản và tiến trình toàn cầu hóa của ông P. Muyn-thơ-rinh (F.Münterings), nguyên Chủ tịch đảng SPD, nguyên Bộ trưởng Liên bang phụ trách giao thông và xây dựng, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Lao động và Xã hội Đức (2005 - 2007) trong Chính phủ của bà Méc-ken (Merkel): “Một số nhà đầu tư tài chính không nghĩ gì về những người bị họ phá hủy công ăn việc làm - họ luôn luôn vô danh, họ không có khuôn mặt, họ lao như một đàn châu chấu vào các công ty, họ phá hủy rồi tiếp tục di chuyển đi. Chúng ta sẽ chiến đấu chống lại chủ nghĩa tư bản trong hình thức này”. Từ đó danh từ “châu chấu” (Heuschrecken) đã trở thành một khái niệm có ý nghĩa chính trị khi bàn luận về chủ nghĩa tư bản. Ở Đức khi bình chọn “Từ ngữ của năm” (Wort des Jahres) cho năm 2005, từ “châu chấu” đã được bình chọn ở vị trí thứ tư. Sang năm 2008, một khái niệm mới được phát minh là “châu chấu ăn trợ cấp” (tiếng Đức Subventionsheuschrecken) do ông J.Rút-gờ (J. Rüttgers) lúc đó là Thủ hiến tiểu bang Nót-rei-en Vét-xpha-len (Nordrhein - Westfalen), đảng CDU, đưa ra khi hãng Nokia vì lao động rẻ mạt nên đã chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất điện thoại di động từ Đức sang Rumani. Khi bắt đầu xây dựng hãng này ở Đức nhà đầu tư đã nhận một khoản tài trợ đầu tư ban đầu không nhỏ từ ngân sách nhà nước.

Sự quan tâm đến Học thuyết Mác ngày càng tăng còn được thể hiện qua việc xuất bản và tiêu thụ các tác phẩm của Mác, đặc biệt là Tư bản luận. Về việc này, tờ Báo Béc-lin (Berliner Zeitung) ngày 16-10-2008 đăng bài Tư bản luận lại là cuốn sách được bán chạy nhất (“Das Kapital” ist wieder ein Bestseller). Theo đó, khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ rất nhiều người tìm đọc công trình này. Số sách bán ra tăng đột biến liên tục trong những năm qua. Mới đây bộ Toàn tập Mác - Ăng-ghen với nhiều tư liệu mới và quan trọng được xuất bản dưới sự chủ trì của Viện quốc tế Mác - Ăng-gel (Internationale Marx-Engels-Stiftung, viết tắt IMES), thành lập vào tháng 10-1990 tại Am-xtéc-đam. Một sự kiện khác là từ ngày 18 đến 21 tháng 6-2013 tại Gwangju Nam (Hàn Quốc) Ủy ban tư vấn quốc tế (IAC) trang mạng UNESCO “Memory of the World” đã đưa Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (còn được gọi là Tuyên ngôn Cộng sản) và tập đầu tiên trong Tư bản luận của C. Mác vào danh sách Trí nhớ của nhân loại (Memory of the World) của UNESCO. UNESCO giải thích sự lựa chọn rằng, cả hai văn bản này đều có ảnh hưởng to lớn đến tất cả “phong trào xã hội”.

Người dân Đức, đặc biệt là những người hâm mộ C.Mác rất vui mừng vì sự kiện này. Ngày 20-6-2013, tờ Tấm gương hàng ngày (Tagesspiegel) đăng bài Tư bản luận là di sản thế giới của Unesco - bên cánh tả không chỉ vui mừng vì sách của Mác bán chạy (Das Kapital ist Unesco-Welterbe Linke nicht nur froh über Marx als Bestseller). Bình luận về sự kiện, chính trị gia và diễn giả nổi tiếng TS G. Va-ken-khờ-nếch (S. Wagenknecht) bộc lộ: “Tất nhiên tôi rất vui mừng. UNESCO đã đánh giá cao hai trong những tác phẩm mà tôi yêu mến”. Theo bà, cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu là cuộc khủng hoảng của hệ thống, vì thế luôn có người suy nghĩ đến Mác. Những người có tính tò mò sẽ không bao giờ thất vọng, vì từ các công trình của Mác vẫn luôn luôn có thể thu được những kiến thức và những cách nhìn nhận có ý nghĩa và giá trị rất cao. Còn chính trị gia, luật sư nổi tiếng G. Ky-di (G. Gysi) thì chia sẻ: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Mác - Ăng-ghen và tập đầu tiên của Tư bản luận là những “công trình kiệt xuất của lịch sử thế giới”. C. Mác là người Đức nổi tiếng nhất thế giới. Đánh giá của UNESCO không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khái niệm chủ nghĩa cộng sản bị lạm dụng qua những người tự xưng là cộng sản và cả những người tự cho mình là “chống cộng”. Ngay cả những người không chia sẻ với quan điểm của C.Mác cũng phải quý trọng, trân trọng Người. “Ngày 5-8-2018, chúng ta kỷ niệm 200 năm ngày sinh của C.Mác. Chúng ta sẽ làm lễ một cách rất tự hào trong toàn xã hội, hay chúng ta để các nước khác làm? Cho đến khi đó sẽ có một trường đại học mang tên Người, có thể là trường đại học nơi thành phố mà Người ra đời? Hay chúng ta cũng để cho các nước khác làm? Chúng ta sẽ xem sao”. Tác giả bài viết cũng cho biết NXB Tít-xờ (Dietz-Verlag) ở thủ đô Béc-lin đã tái bản Tư bản luận lần thứ 40. Từ năm 1946 đến nay, nhà xuất bản đã bán tập đầu tiên của Tư bản luận được hơn một triệu bản. Từ khi thống nhất nước Đức đến năm 2007, họ chỉ bán từ 500 đến 750 bản. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ, trong năm 2008 đã có 5.000 bản được mua. Từ thời điểm đó đến nay, mỗi năm nhà xuất bản này bán được từ 1.500 đến 2.000 bản Tư bản luận…

Người dân thành phố Tơ-ria (Trier) nơi Mác ra đời luôn tự hào về người con kiệt xuất của quê hương mình. Ngày nay, ngôi nhà nơi Người sinh ra là nhà Bảo tàng C. Mác, đó là một điểm đến hấp dẫn với du khách. Nhiều sự kiện xảy ra ở thành phố này đều gắn liền với tên C.Mác. Đặc biệt, từ năm 2004, hàng năm thành phố tổ chức bình chọn, trao “Giải thưởng sáng tác thơ C.Mác”…

Với người Việt Nam chúng ta, tên tuổi của C. Mác đã trở nên quen thuộc, gần gũi. Tiếp thu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của ông vào hoàn cảnh lịch sử, cụ thể của Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam, được vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển. Chính vì thế, bảo vệ học thuyết Mác-xít trước sự xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch, những người thiếu thiện chí, không chỉ là bảo vệ lý tưởng xã hội, mà còn là bảo vệ quyền lợi tinh thần thiết thực của dân tộc trong thời kỳ mới./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực