Đà Nẵng không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý

Thứ năm, 27/12/2018 21:46
(ĐCSVN) – Qua công tác tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng, đến nay đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của ngư dân Đà Nẵng trong hoạt động khai thác thủy sản. Nhờ đó địa phương hiện không có tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Hội nghị Sơ kết thực hiện các chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn TP Đà Nẵng 

Chiều 27/12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện các chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn thành phố.  

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng tại Hội nghị cho biết, đến 12/2018, thành phố có 1.254 tàu cá, trong đó có 540 tàu công suất 400 CV trở lên, 661 tàu công suất 90 CV trở lên, còn lại là tàu cá dưới 90CV. So với năm 2010, hiện số lượng tàu cá của thành phố có xu hướng giảm (giảm 447 tàu từ 20 CV đến dưới 90CV).

Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ theo Nghị định 67, đến nay Đà Nẵng có 06 chủ tàu được vay vốn, đóng mới 7 tàu cá (05 tàu cá vỏ thép và 02 tàu cá vỏ gỗ) với tổng vốn vay 117 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản của TP Đà Nẵng (theo Quyết định 47) từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng đã có 120 tàu cá của ngư dân được đóng mới với tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng.

Cùng với việc hỗ trợ, tạo điều kiện để ngư dân đóng mới tàu cá, Đà Nẵng cũng đã xây dựng được 04 tổ đội khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các phường Hòa Hiệp Bắc, Thanh Khê Đông, Thọ Quang và Mân Thái với 81 thành viên tham gia. Từ năm 2017 đến nay, trong quá trình hoạt động khai thác và trực tuần tra các tổ đã phát hiện, báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng 65 vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác hải sản, du lịch, xả thải, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngày 16/5/2018 UBND TP Đà Nẵng đã thành lập Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá tại thành phố. Đến nay, đã có 9.370 tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo về bến bán cá, trong đó có 1.530 tàu Đà Nẵng và 7.840 tàu ngoài tỉnh. Phần lớn tàu ngoại tỉnh khi về cảng không ghi sổ nhật ký khai thác hải sản, mẫu giấy kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản. Qua đó, đã xử phạt hành chính 140 chủ phương tiện vi phạm do thiếu bằng máy trưởng, không ghi sổ nhật lý khai thác, thiếu thiết bị an toàn hàng hải, trễ hạn đăng kiểm với tổng số tiền xử phạt hơn 77 triệu đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, qua công tác tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng, đến nay đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản. Trên địa bàn TP, hiện không có tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Phần lớn các trường hợp vi phạm quy định về khai thác IUU là các tàu ngoại tỉnh nên khó khăn trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu chấp hành các quy định của pháp luật.

Về các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ hay xung điện, theo ông Tám, đây là hành vi luôn được các ngành chức năng TP nhắc nhở để ngư dân không vi phạm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn xảy ra một số vụ dùng chất nổ đánh bắt thủy hải sản và thường hoạt động lén lút, tinh vi; trong khi đó hoạt động khai thác thủy sản bằng xung điện lại thường diễn ra ở vùng nội đồng rộng và phần lớn các trường hợp vi phạm đều thuộc diện gia đình khó khăn về kinh tế, do vậy các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính.

Thông tin thêm về hiệu quả của 07 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Đà Nẵng cho biết, cả 07 tàu này đều đi vào hoạt động, khai thác bình thường, tuy nhiên, chi phí chuyến biển cao, thiếu lao động đi biển, ngư trường khai thác không ổn định nên sản lượng khai thác còn thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế của các tàu chưa cao (có 04 tàu thuộc diện nợ xấu).

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các ngành chức năng, địa phương, đơn vị cần vào cuộc, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về luật thủy sản cho ngư dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cũng đề nghị Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản xa bờ dựa vào tình hình thực tế sau khi tham khảo ý kiến ngư dân; đồng thời phối hợp với Ban quản lý dự án Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hạng mục nâng cấp cảng cá Thọ Quang; khuyến khích và nhân rộng các mô hình, các tổ đoàn kết ngư dân khai thác trên biển, gắn kết ngư dân với các tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp để cung ứng hải sản, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.    

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực