Vị thế của du lịch biển

Thứ năm, 18/01/2018 14:04
Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473 ngày 30/12/2011 khẳng định: “Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch.
Biển Mỹ Khê. Ảnh: Báo Du lịch.

Tập trung phát triển các khu du lịch biển có tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới”. Điều này cho thấy vị thế của du lịch biển đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

* Tiềm năng phong phú

Việt Nam là một quốc gia ven biển, được thừa hưởng rất nhiều vịnh, đảo và các bãi biển đẹp có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch, với những kỳ quan thế giới như vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, có giá trị thẩm mỹ và giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo. Vịnh Nha Trang được ví như “hòn ngọc viễn đông” và cùng với vịnh Lăng Cô được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới bầu chọn. Quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng với hang Sơn Đoòng được ghi nhận với qui mô lớn nhất thế giới. Các bãi biển đẹp như bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển, hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ và có khoảng 125 bãi biển, vịnh biển thuận lợi để phát triển du lịch. Ngoài 28 trên tổng số 63 tỉnh thành phố có địa lý giáp biển thì Việt Nam cũng có 12 huyện đảo gồm đảo Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quí (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Bên cạnh đó là những khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ven biển đa dạng. Việt Nam được công nhận 6 khu dự trữ sinh quyển nằm ở dải ven biển, là rừng ngập mặn Cần Giờ, quần đảo Cát Bà, vùng ven biển Đồng bằng sông Hồng, vùng biển đảo Kiên Giang, Cù Lao Chàm và Vườn quốc gia Cà Mau.

Hệ thống 16 vườn quốc gia bao gồm Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Xuân Thủy (Nam Định), Cúc Phương (Ninh Bình), Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam), Núi Chúa, Phước Bình (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), U Minh Hạ, Mũi Cà Mau (Cà Mau), U Minh Thượng, Phú Quốc (Kiên Giang). Ngoài ra còn hệ thống 26 khu dự trữ thiên nhiên và 3 khu bảo tồn loài toàn quốc chạy dọc theo đất nước.

Các vùng ven biển cũng được thừa hưởng các di tích lịch sử văn hóa phong phú, mà theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng ở vùng ven biển (tính đến năm 2011) được ghi nhận với 24 thắng cảnh, 221 kiến trúc nghệ thuật, 106 kiến trúc lịch sử, 14 di tích khảo cổ và 550 di tích lịch sử. Bên cạnh điều kiện thiên nhiên thì nét văn hóa đặc trưng của vùng miền cũng là yếu tố thu hút khách du lịch.

Cùng với các lễ hội dân gian truyền thống (ước tính khoảng gần 200 lễ hội), các địa phương ven biển cũng phát triển các lễ hội văn hóa du lịch hiện đại như Lễ hội Carnavan đường phố Hạ Long, Festival Huế, Lễ hội bắn pháo hoa Đà Nẵng, Đêm rằm Phố cổ Hội An, Festival võ Bình Định, Lễ hội thả diều Vũng Tàu, Lễ hội trái cây Nam Bộ… Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch thăm quan thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái, thể thao và mạo hiểm…

* Khai thác hiệu quả ưu thế

Trong gần 20 năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận, với tăng trưởng trong doanh thu và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đóng góp một vai trò hết sức quan trọng và chiếm vị trí đặc thù trong phát triển du lịch của cả nước là du lịch biển. Đó là 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển, bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Từ năm 2000 đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã tăng trưởng khá trong cả doanh thu và số lượt khách du lịch. Đóng góp một vị thế quan trọng vào sự phát triển này là du lịch biển. Theo thống kê, trung bình trên 75% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo và 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển, đóng góp tới 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. Tốp 20% các địa phương dẫn đầu chiếm tỷ trọng 75,8% tổng doanh thu du lịch lữ hành và trong tốp này tỷ lệ các địa phương giáp biển đã chiếm đến gần 82%.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trong giai đoạn 2000 - 2010, tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch tại các địa phương giáp biển là 75,3%, hay tính trung bình trên 75% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chọn du lịch biển đảo. Đối với khách du lịch trong nước, tỷ trọng này khiêm tốn hơn song cũng chiếm 54,5% tổng lượng khách du lịch trong nước.

Về doanh thu du lịch, tính bình quân trong giai đoạn 2000 – 2015, chỉ riêng 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển đã chiếm tỷ trọng 71,5% doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. Điều này cho thấy ưu thế mạnh của du lịch biển trong ngành du lịch của cả nước. Xét theo bình quân địa phương trong giai đoạn này, tính trung bình doanh thu du lịch lữ hành của một địa phương giáp biển cao gấp 3,2 lần so với một địa phương không giáp biển.

Tốp các địa phương dẫn đầu trong doanh thu du lịch chiếm tới trên 90% tổng doanh thu và đặc biệt đều có tỷ lệ địa phương giáp biển rất cao, với tốp cao nhất có tỷ lệ địa phương giáp biển chiếm gần 82%. Điều này phản ánh ưu thế của những địa phương có địa lý giáp biển trong phát triển du lịch. Những địa phương có địa lý giáp biển thuộc 2 tốp dẫn đầu này bao gồm Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Bình, Kiên Giang, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Nghệ An, Bình Thuận, Bình Định và Quảng Trị.

Theo nhận xét của bà Đào Thị Bích Thủy, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: Trong sự tăng trưởng của du lịch biển, vẫn có những địa phương giáp biển thuộc những tốp dưới. Điều này cho thấy không phải tất cả các địa phương giáp biển đều trải nghiệm mức độ phát triển du lịch như nhau, bởi vẫn tồn tại những địa phương chưa phát huy được tiềm năng du lịch biển đảo của mình. Do đó, trong chiến lược phát triển du lịch biển, mỗi địa phương cần tìm ra nét đặc thù, tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch, hoặc liên kết giữa các địa phương để tạo thành chuỗi du lịch nhằm khai thác lợi thế chung./.

Văn Hào/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực