Chuyện về những chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam tại Nam Sudan

Chủ nhật, 18/02/2018 21:05
(ĐCSVN) – Gặp các anh nhân một dịp nghỉ phép về nước, tôi có cơ hội trò chuyện và hiểu hơn về công việc và cuộc sống của các sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan – Trung tá Nguyễn Việt Hưng và Đại úy Phạm Văn Hảo.

Vinh dự và trách nhiệm khi tham gia lực lượng “mũ nồi xanh”

Trung tá Nguyễn Việt Hưng (bên trái) và Đại úy Phạm Văn Hảo tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan

Nam Sudan hiện là quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới và đang là một điểm nóng về an ninh cũng như tình hình nhân đạo. Hiện có khoảng 14.000 sĩ quan, binh lính của Liên hợp quốc đang làm nhiệm vụ ở quốc gia này. Khi được trao quyết định và nhận nhiệm vụ tham gia vào Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) trên cương vị là Quan sát viên quân sự, hay còn gọi là Sĩ quan liên lạc, cả Trung tá Nguyễn Việt Hưng và Đại úy Phạm Văn Hảo (Trung tâm Gìn giữ Hòa Bình Việt Nam – nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) đều chia sẻ cảm xúc rất vinh dự, tự hào nhưng cũng không tránh khỏi những lo lắng, băn khoăn. Đó là những lo lắng về việc ở nhà bố mẹ, vợ con sẽ như thế nào; lo rằng liệu bản thân mình có làm tốt công việc được giao không, nhất là trong môi trường đa quốc gia như vậy, lo rằng liệu khả năng ngoại ngữ của mình có đủ để đáp ứng công việc không; rồi cả những lo ngại về rủi ro, bệnh tật,….Tuy nhiên, nhờ sự khích lệ của thủ trưởng và anh em đơn vị, sự ủng hộ của người thân, Trung tá Nguyễn Việt Hưng và Đại úy Phạm Văn Hảo cảm thấy vững tin hơn vào trọng trách được giao khi tham gia lực lượng “mũ nồi xanh” thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, quốc gia cách Việt Nam hơn 8.000km.

Để làm tốt nhiệm vụ được giao, các sĩ quan đã phải trải qua các khóa huấn luyện trong và ngoài nước về những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về gìn giữ hòa bình, khóa huấn luyện tiền triển khai 3 tháng tại Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, đặc biệt là nghe những chia sẻ thực tiễn của các đồng nghiệp đi trước, cũng như của các đồng nghiệp đang công tác tại Phái bộ của Liên hợp quốc. Và một điều không thể thiếu của các sĩ quan được lựa chọn đó là phẩm chất chính  trị, đạo đức cách mạng của một quân nhân. Tất cả đã tiếp thêm động lực và sự tự tin cho hai sĩ quan liên lạc vững vàng tâm thế để lên đường nhận nhiệm vụ.

Đại úy Phạm Văn Hảo kể, những ngày đầu sang làm thủ tục nhập Phái bộ tại Entebbe, Uganda – đất nước láng giềng của Nam Sudan, cảm giác về sự mất ổn định đã thể hiện phần nào nơi đây khi mà tại sân bay có vài chục tay súng chốt trạm, tuần tra bảo vệ, và người ta cũng dễ dàng bắt gặp những cuộc tuần tiễu hay các trạm kiểm soát của quân đội, cảnh sát địa phương trên các trục đường và ở những nơi tập trung đông người.

Khoảng thời gian đầu khi bắt đầu sang Phái bộ rất đáng nhớ, nhất là khi các sĩ quan hết nhiệm kì gặp gỡ các sĩ quan sang thay thế. Mọi người đã có khoảng 1 tuần ở cùng nhau để trao đổi các vấn đề và tiến hành bàn giao trang thiết bị, vật chất cần thiết. Đây là khoảng thời gian thật quý báu cho các sĩ quan mới sang, bởi sự động viên khích lệ của các bậc đàn anh đi trước đã giúp hai sĩ quan mới sang an tâm tư tưởng, nhanh chóng ổn định và thích nghi với cuộc sống, môi trường mới. Theo phân công nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Việt Hưng làm việc tại phòng Sĩ quan liên lạc Juba, Sở Chỉ huy Phân khu Nam, còn Đại úy Phạm Văn Hảo làm việc tại phòng Sĩ quan liên lạc, Sở Chỉ huy Phân khu Bắc ở Bentiu – cách thủ đô khoảng 900 km về phía bắc. Sau 3 tháng công tác, Trung tá Nguyễn Việt Hưng được điều chuyển đến Phòng Sĩ quan liên lạc, Tổng hành dinh Phái bộ UNMISS tại Juba. Điều này cho thấy trình độ của sĩ quan liên lạc Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao, tuy mới tham gia nhưng không hề thua kém các nước.

Gian nan thử sức…

Công việc của sĩ quan liên lạc là quan sát, giám sát và báo cáo các thông tin thu thập được về tình hình chung và tình hình cụ thể trên phạm vi địa bàn mình đảm nhiệm. Trong đó, ưu tiên việc giám sát các thỏa thuận của các phe nhóm vũ trang, như thỏa thuận ngừng bắn, thỏa thuận hòa bình, việc cắt giảm lực lượng,… Phối hợp cùng với các cơ quan, tổ chức khác của Phái bộ tiến hành quan sát, giám sát và báo cáo tình hình an ninh và tình hình nhân quyền trên địa bàn, như việc sử dụng, tuyển mộ trẻ em làm binh lính, các khu vực nguy hiểm có bom mìn, và thực hiện các nhiệm vụ của chỉ huy trưởng các lực lượng quân sự tại địa bàn. Sĩ quan liên lạc thường tiến hành các phiên tuần tra đường bộ, đường thủy, đường không,… để đánh giá tình hình an ninh, nhân đạo, tình hình giao thông đường bộ, đường thủy phục vụ cho các hoạt động nhân đạo, thực hiện hộ tống việc đưa đón đoàn, vận tải hàng hóa, khí tài, hộ tống công binh khảo sát các tuyến đường,…

Đại úy Phạm Văn Hảo (người đội mũ nồi xanh) cùng các đồng nghiệp và người dân tại Nam Sudan

Khi có xung đột vũ trang xảy ra giữa các nhóm vũ trang, thì sĩ quan liên lạc phải tiến hành điều tra, xác minh thông tin về nguyên nhân, cũng như tình hình thương vong sau mỗi cuộc đụng độ để báo cáo kịp thời; trong nhiều trường hợp phải đi đến địa bàn để xác nhận thông tin về tình hình an ninh và nhân quyền tại đó. Trung tá Nguyễn Việt Hưng cho biết, tuy giờ làm việc buổi chiều thường chỉ đến 5 giờ, nhưng sĩ quan liên lạc luôn trong tinh thần làm việc 24/7, có thể bị điều động đi bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, Đại úy Phạm Văn Hảo cho biết, Bentiu là một địa bàn khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn thực phẩm, tình hình an ninh bất ổn, đây cũng là nơi có trại tị nạn lớn nhất với 115.000 người và được đặt dưới sự bảo hộ bởi Liên hợp quốc. Do vậy, công việc của sĩ quan liên lạc tại Phái bộ cũng không tránh khỏi những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh, an toàn. Khi thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là khi thực hiện các cuộc tuần tra, hộ tống, sĩ quan liên lạc luôn được khuyến cáo thực hiện đúng quy tắc an toàn, và làm tốt công tác chuẩn bị, luôn sẵn sàng đối phó với tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Việc thực hiện các cuộc tuần tra, hộ tống đoàn trong mùa mưa ở Bentiu trở nên rất khó khăn do điều kiện đường sá lầy lội, trơn trượt. Có trường hợp sĩ quan liên lạc đã phải thay nhau nằm ở ngoài thực địa cả tháng trời, do xe bị lầy lội không thể đi tiếp, và cũng không thể thực hiện được các hoạt động cứu kéo do địa hình hiểm trở.

Ngoài nhiệm vụ trên cương vị sĩ quan liên lạc tại Phái bộ UNMISS, hai sĩ quan Việt Nam còn được giao nhiệm vụ hỗ trợ triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan vào năm 2018. Tại đây, Trung tá Nguyễn Việt Hưng và Đại úy Phạm Văn Hảo đã chủ động liên hệ với các cơ quan của Liên hợp quốc tại Juba và Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Anh tại Bentiu để hỗ trợ triển khai thành công Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan trong thời gian tới.

Nhờ những nỗ lực và cố gắng không ngừng, hai sĩ quan Việt Nam đã được Liên hợp quốc trao Huân chương vì sự nghiệp hòa bình và ổn định. Đây là sự ghi nhận đối với những đóng góp của hai sĩ quan; đồng thời là minh chứng cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam với vai trò là thành viên Liên hợp quốc đối với nền hòa bình và ổn định toàn cầu.

Và những câu chuyện đằng sau mỗi chiếc container

Khi tham gia Phái bộ của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, cũng giống như các nhân viên khác của Phái bộ, các sĩ quan đều phải thuê nhà ở của Liên hợp quốc dưới dạng container cố định 20ft, tương đương diện tích khoảng 14m2. Mọi sinh hoạt cá nhân được thực hiện ở trong đó, container bao gồm chỗ ngủ, chỗ làm việc, chỗ nấu ăn, khu vệ sinh,… Trung tá Nguyễn Việt Hưng chia sẻ, do yêu cầu công việc, anh không thể thường xuyên ra ngoài mua thực phẩm được, nên mỗi khi rảnh rỗi, anh đều tranh thủ ra chợ mua lượng thực phẩm đủ dùng cho 1 hoặc 2 tuần. Bên cạnh đó, vì múi giờ ở Nam Sudan và Việt Nam chênh nhau 4 giờ đồng hồ, nên cứ tầm 5 – 6h chiều (giờ Nam Sudan) sau khi tạm kết thúc công việc, anh thường lên mạng chat với gia đình (lúc đó giờ Việt Nam là 9 – 10h tối) vừa để hỏi thăm tình hình ở nhà, vừa hỏi mọi người nên nấu món gì, nấu như thế nào. Những niềm vui nho nhỏ cuối ngày như thế cũng khiến khoảng thời gian xa nhà trở nên ngắn hơn và khoảng cách địa lý trở nên gần gũi hơn.

Đại úy Phạm Văn Hảo tận dụng những khoảng đất trống cạnh các container nhà ở để làm thành vườn rau

Ở thủ đô Juba thì các cửa hàng thực phẩm cũng tiện hơn và các dịch vụ thông tin liên lạc, internet thuận lợi hơn ở Bentiu. Nhưng giá cả thịt (bò, dê) thường lại đắt gấp 3 lần ở Bentiu. Trong khi các loại đồ uống, nước giải khát ở Bentiu lại đắt gấp 3 lần ở Juba. Bởi vậy, mỗi khi có dịp gặp nhau, các sĩ quan Việt Nam thường hỗ trợ cung cấp, trao đổi lẫn nhau để đảm bảo sinh hoạt.

Bentiu thuộc bang Nothern Liech (tách ra từ bang Unity trước đây) – cũng như nhiều địa phương khác ở Nam Sudan bị tàn phá nặng nề về cơ sở vật chất kể từ khi nội chiến nổ ra vào tháng 12/2013. Hiện đây không phải là đầu mối thông thương của các mặt hàng nông sản hay các hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày, mà chủ yếu là các sản phẩm do người dân tự nuôi trồng. Đại úy Phạm Văn Hảo là sĩ quan Việt Nam đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tại đây. Do vậy, để bảo đảm sinh hoạt cá nhân, Đại úy Phạm Văn Hảo đã chuẩn bị sẵn từ trong nước các loại đồ khô, đồ hộp, rau khô,… để đảm bảo lương thực tối thiểu trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, trong hai tuần đầu mới sang, ở Bentiu có ít rau để ăn (chủ yếu chỉ có rau bí ngô), anh đã phải đi ra các bãi cỏ xung quanh nơi ở để tìm thêm rau xanh. Anh thấy có rau sam, rau muống, rau dền… liền mang về để nấu ăn. Rồi anh hướng dẫn cả những đồng nghiệp và một số người Nam Sudan cách chế biến những món rau này, chẳng hạn như rau muống xào tỏi, họ ăn khen ngon và rất thích. Anh Hảo cho biết, ở Bentiu còn có nhiều rau chùm ngây, nhưng hầu hết các đồng nghiệp của anh không biết cách sử dụng loại rau này làm món ăn, và người dân ở đây thì không bao giờ ăn mướp và một số loại rau kể trên vì họ nghĩ rằng đó là những loại cỏ hoang dại.

Bởi thế, vừa để cải thiện bữa ăn, vừa để giảm căng thẳng sau giờ làm việc và giải khuây mỗi lúc nhớ nhà, Đại úy Phạm Văn Hảo đã tự trồng được một vườn rau nho nhỏ, với đủ loại: rau cải, mồng tơi, rau muống, xà lách, rau húng (xin được từ đồng nghiệp Campuchia). Giờ đây, vườn rau không chỉ đủ cho anh mà đôi khi còn cung cấp cho các đồng nghiệp khác.

Anh chia sẻ, cũng giống như các anh em đồng nghiệp, nỗi nhớ nhà thường trở nên sâu sắc hơn sau mỗi giờ làm việc hàng ngày. Những lúc như thế, anh thường tranh thủ nhắn tin về nhà hỏi thăm, hoặc trò chuyện, nhưng do chênh lệch múi giờ nên thời gian thường không nhiều. Hai tuần đầu mới sang chưa đăng ký internet được, không liên lạc về nhà được nên rất sốt ruột. Giờ thì có internet rồi, nhưng cũng có khi ở Bentiu sóng kém, thường chỉ nhắn tin được, không sử dụng chat voice hay gửi video được nên rất nhớ được nghe tiếng của con, của mọi người ở nhà.

Ở Nam Sudan, giá các loại thịt thì bình thường nhưng giá rau xanh và các loại gia vị rất đắt. Vì Nam Sudan không tự sản xuất được gia vị, nên tất cả đều phải nhập khẩu. Bởi vậy, mỗi lần được về nghỉ phép, hai sĩ quan Việt Nam thường chuẩn bị đầy balo các loại dầu ăn, mắm, muối, đường,hạt nêm,…để mang sang.

Ngoài ra, còn có một thứ gia vị đặc biệt nữa mà khi gặp các anh, qua những câu chuyện các anh kể, tôi cảm nhận được, đó là tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình cảm yêu thương gia đình,… chứa chất trong hành trang của các anh. Đó là thứ gia vị quan trọng và ý nghĩa, giúp các sĩ quan Việt Nam trở nên bản lĩnh, tự tin hơn để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả được giao phó – sứ mệnh gìn giữ hòa bình!./.

(Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp).

Kiều Giang
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực