Đẩy mạnh xã hội hóa công tác khí tượng thủy văn, tiến tới phát triển bền vững

Thứ năm, 07/02/2019 12:46
(ĐCSVN) - Nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng tới các chính sách, pháp luật về khí tượng thủy văn (KTTV), Tổng cục KTTV đã đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ như dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm giảm thiệt hại cho người dân; góp phần phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực; đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.

 
PGS.TS Trần Hồng Thái - Phó Tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV). (Ảnh: Bích Liên)

Chia sẻ về vấn đề này, trước thềm năm mới Xuân Kỷ Hợi, PGS.TS Trần Hồng Thái - Phó Tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

Phóng viên (PV): Năm qua mặc dù thiên tai diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm đáng kể so với các năm trước. Để có được kết quả này, ngành KTTV đã có những nỗ lực như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Hồng Thái: Năm 2018, Tổng cục KTTV đã tiếp tục tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế. Hướng dẫn, đôn đốc triển khai thi hành pháp luật KTTV cho các tỉnh, thành phố; xử lý, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về KTTV; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về KTTV.

Đồng thời, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn và công tác quản lý nhà nước các hoạt động nghiệp vụ như dự báo, cảnh báo KTTV. Duy trì hoạt động ổn định mạng lưới trạm quan trắc và hệ thống thông tin, dữ liệu KTTV quốc gia, từng bước kết nối, quản lý hoạt động mạng lưới KTTV chuyên dùng của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân phục vụ cho hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức KTTV, chủ động cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ chỉ đạo phòng tránh thiên tai và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương.

Nhờ đó, trong năm qua đã dự báo, cảnh báo KTTV đạt độ tin cậy cao đối với 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới cùng hàng chục đợt không khí lạnh; nắng nóng, mưa lớn trên diện rộng, thiên tai lũ, lũ quét và sạt lở đất trên phạm vi cả nước, trong đó đã chú trọng cảnh báo sớm và chi tiết hóa các bản tin cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Cùng với sự chủ động phòng chống của các cấp chính quyền, nhân dân, ngành KTTV đã góp phần quan trọng làm giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017 và các năm trước đó.

Đáng chú ý, sau khi tổ chức thành công Hội nghị của Uỷ ban Bão quốc tế tại Hà Nội và triển khai hiệu quả hoạt động của Trung tâm dự báo khu vực và tổ chức các hoạt động hỗ trợ các nước Đông Nam Á (nhất là Lào và Cam Pu Chia) trong cảnh báo thời tiết nguy hiểm, uy tín của Ngành KTTV Việt Nam đối với quốc tế ngày càng được nâng cao.

PV: Để có được những kết quả đáng ghi nhận như vậy, bên cạnh thuận lợi, ngành KTTV phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Hồng Thái: Trước hết, về tổ chức bộ máy, hệ thống quản lý nhà nước trong ngành KTTV từ Trung ương đến địa phương là rất mỏng. Hiện nay, ở mỗi các Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có một phòng, hoặc một bộ phận nằm trong phòng, hoặc Chi cục Biển và Hải đảo phụ trách chung các lĩnh vực KTTV, Tài nguyên nước, Địa chất khoáng sản và Biến đổi khí hậu... Đôi khi, một số địa phương còn chưa chú trọng nghiên cứu hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống thiên tai KTTV như những thông tư hướng dẫn, quy trình, quy phạm… Do đó, về cơ bản công tác quản lý nhà nước về KTTV ở cấp địa phương bị bỏ trống.

Cùng với đó, mạng lưới quan trắc còn mỏng, công nghệ dự báo chưa đồng bộ so với các nước trên thế giới. Đặc biệt, hiện nay chúng ta gần như không có mạng lưới quan trắc trên biển.

Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, họ đã thực hiện việc kết nối vạn vật để khai thác triệt để thông tin KTTV với các thông tin khác trong thành phố thông minh để phục vụ cho phát triển các ngành nông nghiệp, trong điều hành của ngành điện, du lịch và đời sống dân sinh… mang lại nguồn lực rất lớn, tạo ra giá trị gia tăng và quay lại tái đầu tư trong ngành KTTV. Tuy nhiên, ở nước ta, vấn đề này chưa được các Bộ ngành quan tâm.

Do vậy, theo tôi, chúng ta cần tạo cơ chế chính sách và khuyến khích các Bộ, ngành, doanh nghiệp sử dụng thông tin KTTV để biến cái đơn thuần là bán số liệu KTTV sang một hình dạng mới là tạo ra giá trị gia tăng từ dịch vụ thời tiết của ngành KTTV.

Một khó khăn nữa, tôi cho rằng đó chính là câu chuyện phối hợp và sử dụng thông tin dự báo thời tiết để phục vụ phòng chống thiên tai. Những thiên tai xảy ra vừa qua ở các tỉnh miền núi là đều do hậu quả của bão lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...

Các thiên tai này đều diễn ra ở phạm vi cực hẹp, có đô thị chỉ ở trong phạm vi 1000m2. Việc dự báo các thiên tai ở phạm vi hẹp là điều rất khó khăn trong khả năng của khoa học và điều kiện của ta. Muốn dự báo được, ngoài những thông tin như mưa, gió, ẩm, áp phải có thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư… Do vây, cần có sự phối hợp rất chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương; Trung ương phải đưa ra những thông tin nền, chỉ dẫn cho địa phương nhận dạng được những biểu hiện, khả năng của lũ quét, sạt lở đất; địa phương phải khai thác triệt để hệ thống phòng chống thiên tai, có thông tin hai chiều kịp thời từ địa bàn có nguy cơ cao và chính những người dân trong cộng đồng.

Hiện nay, Bộ TN&MT, ngành KTTV, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã có những khoanh vùng nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chính quyền địa phương cũng đã thuyết phục người dân, thậm chí có những nơi cắt điện, nước để người dân di dời; thế nhưng vì nhiều lý do đặc biệt là phong tục tập quán và ý thức chủ  quan nên việc di dời người dân đến nơi an toàn ở các địa phương khi có cảnh báo cấp bách vẫn chưa làm được một cách triệt để. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai.

PV: Trước những thách thức như vậy, năm 2019 Tổng cục KTTV có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành KTTV trong phòng chống thiên tai, phát triển bền vững đất nước?

PGS.TS Trần Hồng Thái:Thứ nhất, toàn ngành sẽ phát huy hết sức trách nhiệm, huy động toàn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị đầu tiên; đó là dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy các hiện tượng thời tiết cực đoan để bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân; góp phần phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực; đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước

Thứ hai, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTTV để làm sao tăng tính tự chủ của ngành, giảm sự phụ thuộc kinh phí Nhà nước đầu tư cho ngành KTTV để tăng cường hiệu quả đầu tư.

Thứ ba, ngành KTTV sẽ tập trung vào hai mục tiêu chính của ngành về công tác chuyên môn. Cụ thể, đi kèm với việc tăng cường mạng lưới quan trắc (cố gắng bổ sung mạng lưới quan trắc biển, quan trắc ở các nước trong vùng sông Mê Công), sẽ xây dựng, tăng cường chất lượng hệ thống quan trắc, công nghệ dự báo để bắt kịp với quốc tế. Cùng với đó, đưa ra những phương án cụ thể để trong năm 2019, 2020 sẽ từng bước cảnh báo đủ độ chi tiết, tin cậy với những thiên tai có quy mô hẹp và nguy hiểm như lũ, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực