Sẵn sàng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ năm, 07/02/2019 12:48
(ĐCSVN)- Vấn đề mấu chốt nhất cần làm trong năm 2019 là chuẩn bị tâm thế triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội sẵn sàng tâm thế đổi mới, chung tay với đổi mới thì chắc chắn sẽ thành công.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhân dịp đầu năm mới Xuân Kỷ Hợi 2019 về những công việc ưu tiên hàng đầu trong năm học này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Xuân Trung

PV: Năm 2018 có rất nhiều sự kiện lớn liên quan đến ngành Giáo dục. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thành tựu nổi bật của ngành sau một năm nỗ lực, cố gắng. Bộ trưởng nhìn nhận một năm qua của ngành như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2018 là năm tiếp theo ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những nỗ lực trong một quá trình của ngành đã được ghi nhận trong báo cáo được công bố vào tháng 3/2018 của Ngân hàng thế giới: Việt Nam là một trong 2 quốc gia thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng; học sinh Việt Nam có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD.

Năm 2018, giáo dục Việt Nam cũng đón nhận những tin vui trên các bảng xếp hạng quốc tế: Lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học nằm trong top 1000 thế giới; lần đầu tiên 100% học sinh các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt huy chương, trong đó đã có những học sinh trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới; vào những ngày cuối năm 2018, đội tuyển học sinh dự kỳ thi khoa học quốc tế cũng đã mang về thành tích cao nhất trong lịch sử.

Những kết quả này không chỉ là niềm tự hào quốc gia mà còn khẳng định, giáo dục vẫn đang tiếp tục nỗ lực và đổi thay từng ngày. Đó là những đổi mới trong nội dung, phương pháp giáo dục để dần chuyển đổi từ một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học, lấy người học làm trung tâm.

Năm qua còn là năm có tính chất “bước ngoặt” trong xây dựng chính sách giáo dục và đào tạo. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua cuối tháng 11 vừa qua đã mở ra một trang mới cho phát triển giáo dục đại học, mà có thể ngay trong những năm gần đây chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả.

Hàng loạt các chính sách không còn phù hợp được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng những Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Nhiều chuẩn, tiêu chuẩn mới về con người, kỹ thuật cũng đã được ban hành dựa trên các đánh giá thực tiễn. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, năm 2018 cũng là năm còn nhiều điều phải suy nghĩ với ngành Giáo dục: Hạn chế trong khâu ra đề thi, lổ hổng trong khâu tổ chức chấm thi đã bị một số cá nhân lợi dụng để làm sai lệch kết quả Kỳ thi THPT quốc gia; những sự việc đau lòng về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường; cách xử lý thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương, áp lực nghề nghiệp đến từ nhiều phía khiến giáo viên mất đi động lực để cố gắng…

Đây cũng sẽ là những việc đặt ra cho ngành Giáo dục phải giải quyết ngay trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

PV: Bộ trưởng đã nói đến những việc phải giải quyết. Vậy, bắt đầu từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đâu sẽ là những thay đổi để đảm bảo không lặp lại những hạn chế như năm 2018, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố thông tin về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 căn bản giữ ổn định như năm 2018 nhưng có điều chỉnh theo hướng tăng cường các giải pháp kỹ thuật ở tất cả các khâu của quá trình thi, sắp xếp, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi nhằm hạn chế tối đa tiêu cực

Rút kinh nghiệm năm 2018 khi đề thi cân đối độ phân hóa chưa hợp lý dẫn tới đề khó, năm 2019, quy trình ra đề thi sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, đặc biệt trong khâu phản biện đề, thử đề để đảm bảo đề chính xác, vừa sức với học sinh, đúng mục tiêu của kỳ thi.

Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo, đến thời điểm này, đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhận được phản hồi rất tích cực từ học sinh, giáo viên và phụ huynh. Đây là tín hiệụ cho thấy những điều chỉnh của kỳ thi đang đi đúng hướng và đáp ứng được sự mong đợi của dư luận xã hội.

Cũng phải nói thêm, giải pháp kỹ thuật nào cũng do con người vận hành. Vì thế, cùng với các giải pháp đã đặt ra, Bộ GD&ĐT sẽ cụ thể hóa quy chế để xác định rõ trách nhiệm của từng thành phần tham gia ở từng khâu trong các giai đoạn cụ thể của quá trình tổ chức thi. Có như thế mới đi đến được một kỳ thi an toàn, khách quan và công bằng như tất cả chúng ta đang mong đợi.

PV: Đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Tuy vậy, có thể nhìn nhận áp lực dành cho giáo viên rất lớn. Theo Bộ trưởng những việc gì có thể làm ngay trong năm nay để giảm áp lực cho giáo viên?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mới đây, tôi đã chủ trì một cuộc tọa đàm nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp giải quyết áp lực của giáo viên tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi cũng vừa hoàn thành chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái để gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh.

Áp lực của giáo viên đến từ nhiều phía như từ phụ huynh, từ người quản lý, từ học sinh, từ chế độ, chính sách, từ truyền thông…Có nhiều việc phải cần thời gian mới giải quyết được nhưng trước mắt, có những việc ngành Giáo dục có thể làm ngay để giảm áp lực cho giáo viên.

Nhiều giáo viên chia sẻ áp lực đến từ thủ tục hành chính, sổ sách quá nhiều. Về việc này, Bộ đã rà soát và cắt giảm rồi nhưng tới đây sẽ tiếp tục cắt giảm nữa, cắt giảm tối đa để giáo viên chuyên tâm cho hoạt động chuyên môn.

Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả.

Vấn đề tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giáo viên hàng năm còn hình thức, chồng chéo, chưa hiệu quả cũng là điều giáo viên đã nói nhiều. Tới đây, Bộ sẽ rà soát lại toàn bộ và có những thay đổi về nội dung, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng. Để làm sao bồi dưỡng, tập huấn phải trở thành nhu cầu tự thân của giáo viên, cán bộ quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả không việc, chứ không chỉ là “ghi danh, điểm tên” như hiện nay.

PV: Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã được công bố. Theo Bộ GD&ĐT, Chương trình Giáo dục phổ thông mới có thay đổi, trong đó vừa kế thừa, vừa phát triển những ưu điểm của Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành. Vậy năm 2019, đâu là những việc sẽ được ưu tiên để khi triển khai chương trình sẽ đạt hiệu quả cao nhất, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy, quá trình xây dựng chương trình được tiến hành rất thận trọng, đảm bảo chất lượng, song vẫn phải đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời với quá trình xây dựng chương trình, các điều kiện triển khai chương trình về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã được ngành giáo tích cực chuẩn bị trong thời gian qua. Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, các trường sư phạm đã bắt tay xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo.

Ngay sau khi có chương trình sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bắt đầu từ đội ngũ giáo viên cốt cán, sau đó làm đại trà. Năm 2019 sẽ tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lớp 1. Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lần này ngoài trang bị kiến thức sẽ đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, có như thế giáo viên mới đáp ứng được mục tiêu của đổi mới là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học.

Năm 2019, trên cơ sở các quy chuẩn, quy định về trường lớp, trang thiết bị, ngành Giáo dục và các địa phương cũng sẽ tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cho triển khai chương trình cho lớp 1.

Bên cạnh sự chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt nhất cần làm trong năm 2019 là chuẩn bị tâm thế đổi mới. Khi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội sẵn sàng tâm thế đổi mới, chung tay với đổi mới thì chắc chắn đổi mới sẽ thành công.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nhóm PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực