Tạo thuận lợi cho người nghèo tiếp cận vốn tín dụng NHCSXH

Thứ năm, 19/10/2017 14:32
(ĐCSVN) - Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017 vừa diễn ra ngày 16/10 tại Hà Nội.

Tín dụng CSXH có ý nghĩa quan trọng trong phát triển xã hội, tạo xung

lực cho giảm nghèo bền vững. (Ảnh: baotintuc.vn)

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng cho biết, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong 15 năm qua (2002 - 2017), vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH;…

Trong thời gian tới, NHCSXH phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển xã hội, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững.

Cho rằng một yếu tố làm nên thành công này là hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội. Nhiều địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh NHCSXH, mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam khi đến nay, có 11.000 điểm giao dịch, 200.000 sổ tiết kiệm vay vốn ở tất cả các thôn, bản trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, còn nhiều việc phải làm bởi nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công. Đến nay, cả nước còn gần 2 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ làm tín dụng, hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của người vay vốn.

NHCSXH cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thủ tướng cũng lưu ý NHCSXH cần coi trọng chất lượng tín dụng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo thuận lợi nhất để người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng NHCSXH. Các bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực, thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Thủ tướng đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa những công việc được NHCSXH ủy thác, bảo đảm cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng…


Khang Ngọc
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực