Giai đoạn 2016 - 2020, 21.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho Chương trình 135

Thứ ba, 20/12/2016 11:14
(ĐCSVN) - Trong 5 năm 2016 - 2020, sẽ có khoảng 2.276 xã với 3.400 thôn, bản đặc biệt khó khăn trong cả nước được đầu tư Chương trình 135, tổng vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng.

Chương trình 135 hỗ trợ phát triển trồng cỏ nuôi bò ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang ( Ảnh: TH)

 

Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 2.240 xã của 44 tỉnh; ngân sách địa phương đầu tư 35 xã của 4 tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các tỉnh có nhiều xã khó khăn được đưa vào diện đầu tư của Chương trình 135 là Cao Bằng 148 xã, Hà Giang 141 xã; Lào Cai 113 xã; Thanh Hóa 115 xã; Lạng Sơn 111 xã; Sơn La 102 xã; Điện Biên 98 xã...

Nguồn vốn Chương trình sẽ hỗ trợ người dân về giống cây con phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và người dân về quản lý thực hiện Chương trình và các chính sách dân tộc, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Mục tiêu nhằm tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến năm 2020 gấp 3 đến 5 lần so với năm 2011, tương đương 26 triệu đồng/người/ năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% mỗi năm, phấn đấu tất cả hộ gia đình đề được sử dụng điện lưới quốc gia, đáp ứng 70% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm.

Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình 135 (Ủy ban Dân tộc) cho biết: Trong 2 năm 2014 - 2015, Chương trình 135 đầu tư cho 2.331 xã (ngân sách trung ương đầu tư 2.295 xã, ngân sách địa phương đầu tư 36 xã), 3.509 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ngân sách trung ương đầu tư 3.448 thôn, bản; ngân sách địa phương đầu tư 61 thôn, bản) với tổng số vốn từ ngân sách nhà nước là 7.790 tỷ đồng. Giai đoạn này, việc phân bổ vốn của Chương trình 135 từ ngân sách Trung ương cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã biên giới, các thôn bản đặc biệt khó khăn mang tính cào bằng dẫn đến sự không công bằng giữa các vùng miền có điều kiện, kinh tế xã hội khác nhau. Đồng thời nguồn vốn từ Trung ương chưa thực sự tập trung đầu tư vào nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất. Để khắc phục tình trạng đầu tư cào bằng, bước sang giai đoạn 2016 – 2020, sẽ có 7 tiêu chí để xác định việc phân bổ vốn, gồm: Tiêu chí đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; tiêu chí về thôn đặc biệt khó khăn; tiêu chí về dân số (số nhân khẩu); tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, số hộ nghèo của tỉnh; tiêu chí về số xã thôn hoàn thành mục tiêu; tiêu chí về tỷ lệ giải ngân; tiêu chí về chấp hành chế độ báo cáo./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực