Tết bốn phương

Thứ hai, 19/02/2018 20:28
(ĐCSVN) - Cách đón Tết trên thế giới cho chúng ta thấy nhiều điều thú vị về tập tục, lối sống và văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài Tết năm mới, nhiều quốc gia còn có nhiều loại Tết khác nhau, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo.

Đón giao thừa ở Ecuador

 

Phong tục đốt bù nhìn "ano viejo" tại Ecuador. Nguồn: Huffington Post.

Người dân khắp đất nước Ecuador làm những con bù nhìn "ano viejo" từ quần áo cũ, giấy bỏ đi vào ngày cuối cùng của năm và coi con bù nhìn là thứ lưu giữ những điều không may của năm cũ. Khi sắp đến nửa đêm, con bù nhìn bị đặt lên ghế để mọi người thi nhau đấm đá. Cuối cùng, người ta ném tất cả bù nhìn thành một đống rồi châm lửa đốt rụi. Người Ecuador lúc này yên tâm rằng mọi vận rủi đó hết và lại tiếp tục tiệc tùng đón mừng năm mới.

Đảo Man (Anh)

Người dân đảo Man đón Tết trong nước lạnh. Nguồn: Viettravel. .

Vào ngày đầu tiên của năm mới, những người dũng cảm ở đảo Man (Anh) sẽ nhảy xuống làn nước biển lạnh 4 lần. Giữa mỗi lần nhảy họ lại uống một ly rượu rum đen để lấy dũng khí. Truyền thống này không chỉ là một thử thách đầu năm mới, mà còn mang mục đích quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện.

Lễ hội Kaapse Klopse (Nam Phi)


Lễ hội Kaapse Klopse chào đón năm mới. Nguồn: BTA.

Ngoài pháo hoa, tiệc tùng và những tiếng hô vang chúc mừng năm mới vào đúng nửa đêm, người dân thành phố Cape Town có cách tạm biệt năm cũ hết sức rộng ràng bằng lễ hội Kaapse Klopse. Kaapse Klopse là lễ hội "hát rong" với nhiều cuộc diễu hành, thi hát, bắt đầu vào ngày 2/1 hàng năm. Gần 13.000 nhạc công mặc áo quần sặc sỡ, cùng nhau vừa đi vừa hát vòng quanh thành phố. Tiếng hát của hàng chục nghìn người cộng lại tạo thành âm thanh hỗn loan, nhưng với người dân nơi đây, như vậy là cách chào đón năm mới bằng cả trái tim. Lễ hội này cũng mang ý nghĩa đặc biệt bởi nó xóa nhòa nạn phân biệt chủng tộc, mọi người bất kể màu da đều đến đây tụ họp và cùng nhau trình diễn nghệ thuật.

Tây Ban Nha

Chén nho trong lễ đón giao thừa của người Tây Ban Nha. Nguồn: blueocean.vn.

Đêm giao thừa Nochevieja tất cả mọi người sẽ tập trung trước ti vi hay quảng trường, ai cũng có một chén nho trong đó có 12 quả nho và mặc đồ nội y màu đỏ. Điều thú vị là món đồ nội y màu đỏ phải được nhận từ người khác. Truyền hình quốc gia sẽ truyền hình trực tiếp từ Real Casa de Correos - tháp đồng hồ từ thế kỷ 18 khi người dẫn chương trình nhắc lại lời hướng dẫn lần cuối cùng. Sau khi chiếc chuông rung nhanh 4 hồi, sẽ có một khoảng thời gian im lặng bên nhau rồi bắt đầu 12 hồi chuông đại diện cho 12 tháng trong năm. Khi hồi chuông đầu tiên ngân lên, mọi người dân Tây Ban Nha cùng bỏ quả nho đầu tiên vào miệng. Khá là khó để kịp nhai hay thưởng thức hương vị của nó vì chỉ 2 giây sau là đến hồi chuông thứ hai và quả nho thứ hai. Suốt 12 hồi chuông là “12 quả nho may mắn”. Nếu có thể ăn liên tục 12 quả ở tiếng chuông cuối cùng, bạn sẽ gặp may mắn trong năm mới. Khi chiếc đồng hồ điểm xong 12 tiếng và những quả nho cuối cùng không cũng là lúc mọi người hôn lên má nhau, chúc mừng bằng những ly rượu cava và ăn bánh turrón.

Đức

Pháo hoa đêm giao thừa tại thủ đô Berlin. Ảnh: oktoberfestforteens.com.au.

Người Đức cho rằng đón năm mới liên quan đến vận mệnh cả năm, đêm giao thừa, mọi người đều thắp đèn, đốt đuốc để “xua đuổi tà ma”. Người Đức có câu tục ngữ: “Bữa cơm thịnh soạn đêm giao thừa, cả năm sẽ tràn đầy cá thịt”, vì vậy bữa cơm cuối năm của họ vô cùng thịnh soạn. Họ để lại một phần các món trong bữa ăn đầu tiên của năm mới với quan niệm đồ ăn của mình không bao giờ hết. Ngoài ra, họ cho vào tủ đựng thức ăn một con cá chép và tin rằng nó mang lại sự thịnh vượng. Ở các vùng nông thôn của Đức còn lưu truyền phong tục “thi leo cây.” Người nào leo càng cao sẽ gặp càng nhiều may mắn trong năm mới. Người leo cao nhất sẽ được tôn vinh “anh hùng của năm” và được mọi người ngưỡng mộ. Lễ đón năm mới ở Đức kéo dài trong một tuần. 15 phút trước giao thừa, mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm, họ nhảy từ ghế xuống và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào năm mới. Trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc với những chiếc kèn ácmônica và phong cầm đem đến một bầu không khí náo nhiệt trên khắp các đường phố. Người lớn cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc, theo sau là các em nhỏ cùng ca hát đón chào năm mới.

Nhật Bản

Tết ở Nhật Bản vào mồng 1/1 Âm lịch được chuẩn bị khá sớm. Khắp nơi vang lên tiếng chày gió gạo gói bánh, trước cửa nhà treo những cành thông buộc lẫn với lá tre - tượng trưng cho lòng chung thuỷ và ước vọng sống lâu, họ căng thêm sợi dây rơm để xua đuổi những điều xấu. Đêm giao thừa, các ngân hàng đều làm việc tới khuya vì mọi người mong muốn được may mắn. Giao thừa, chuông chùa gióng giả 108 tiếng. Mồng 1 Tết, họ đi lễ chùa, thăm hỏi nhau, các cô gái ra đồng hái lộc... Mồng 2 Tết, các công việc đầu tiên được tiến hành như: học trò khai bút, cửa hàng mở cửa, dân miền núi làm lễ “vào rừng”...

Tết người cao tuổi

Tết người già Hy Lp. Ngun BTA.

Trên khắp thế giới, người cao tuổi luôn là đối tượng của sự tôn trọng và ở một số nước, có những lễ tết dành riêng cho họ. Tại Nhật Bản, ngày 15 tháng 9 hàng năm là Tết Kính lão, được pháp luật quy định hẳn hoi. Trong ngày ấy, những người cao tuổi ăn mặc trang trọng, nhận lời chúc mừng tốt đẹp của con cháu và bạn bè, đồng thời tham gia các hoạt động kính lão được tổ chức ở mọi nơi. Ở Hàn Quốc, từ năm 1973, Tết Bà mẹ vào ngày 8 tháng 5 hàng năm được sửa thành Tết Kính lão với những ưu tiên đặc biệt dành cho người 70 tuổi trở lên, như: trao giấy chứng nhận, ưu đãi đi xe, tắm gội, cắt tóc đều giảm nửa giá... Còn tại Hồng Kông, cứ tháng 12 hàng năm thì tổ chức Tết Vũ đạo người cao tuổi, mục đích để họ có dịp vui chung, đồng thời nâng cao nghệ thuật vũ đạo. Ở Hy Lạp, vào mùa thu hàng năm, tại đảo Christ đều cử hành Tết Người già. Nơi đây,  ngoài biểu diễn các tiết mục văn nghệ chúc sức khỏe, còn tổ chức Cuộc thi chạy của người cao tuổi với những “vận động viên” có độ tuổi 70 - 100. Họ chạy thi trong sự cổ vũ nồng nhiệt của con cháu.

Tết trồng cây

Trong các loại tết đặc biệt thì tết trồng cây “phổ biến” hơn cả: hầu hết các nước đều có tết này và nó ngày càng phát triển mạnh cùng với phong trào bảo vệ môi trường đang dâng cao khắp thế giới. Người Do Thái cổ đại tổ chức Tết Trồng cây vào một ngày nào đó của nửa cuối tháng Giêng. Họ còn có tục lệ độc đáo là khi một bé trai ra đời, cha mẹ phải trồng một cây linh sơn trong vườn nhà, nếu sinh con gái thì trồng một cây tùng; khi trai gái kết hôn thì gia đình chặt cây dựng thành rạp cưới. Ngày nay, nhiều dân tộc cũng tiến hành tết trồng cây theo tinh thần người Do Thái - gắn với ngày tháng và ý nghĩa nhất định.

Một số vùng ở Nhật Bản quy định vợ chồng mới cưới phải đến địa điểm quy ước để trồng “cây tân hôn”, mỗi đôi trồng 5-8 cây rồi viết tên mình và ngày cưới lên tấm biển cắm bên cạnh. Tại nhiều khu vực thuộc Nam Tư cũ, mỗi cặp lấy nhau phải trồng 70 cây trám, nếu không sẽ không được cấp giấy đăng ký kết hôn. Còn ở đảo Java (Indonesia) lại quy định vợ chồng mới cưới phải trồng 2 cây; khi li dị phải trồng 5 cây; cưới lần 2 phải trồng 3 cây - nếu không chính quyền sẽ không công nhận cuộc hôn nhân... Tại Ba Lan, gia đình nào có người sinh nở thì đều phải trồng 5 cây (gọi là “cây gia đình”). Tương tự, nhiều địa phương ở Tanzania duy trì phong tục: khi mỗi đứa trẻ ra đời, lấy rau (nhau) người mẹ chôn xuống đất trước cửa rồi trồng lên đó một cây vạn lý, ngụ ý cầu chúc cháu bé khỏe mạnh, lớn nhanh và sống lâu như cây! Ngược lại, tại quần đảo Salomon, người nhà phải trồng một cây tưởng niệm bên mồ mỗi khi gia đình mình có người qua đời.

Tết động vật

Ảnh minh ha. Ngun: BTA.

Sự quý mến hoặc sùng bái động vật tiêu biểu ở nhiều quốc gia cũng góp phần hình thành nên những cái tết đặc biệt. Tại tỉnh Fukhamburi (Thái Lan), ngày 10 tháng 12 hàng năm là Tết Voi. Hôm đó, khắp nơi trong nước người ta tuyển chọn những chú voi kiện tướng, đưa về đây dự đại hội thể thao của voi, thi các môn như kéo co, cử tạ, chạy vượt chướng ngại, bóng đá, nhặt đồ vật... Ở Ấn Độ, rắn được quý chiều vì được coi là con vật linh thiêng, có thể ban tuổi thọ cho người già, ban con cái cho các bà mẹ. Dân Ấn Độ sống rất gần gũi rắn: trẻ em mới chập chững biết đi đã nghịch rắn, tín đồ An Độ giáo hôn hít rắn, các chàng trai cuốn rắn trên cổ đi chơi... Họ dành riêng cho rắn một ngày Tết trang trọng vào tháng 8 hàng năm.

Còn ở tỉnh Biển Đỏ (Sudan), ngày cuối cùng của tháng 4 lại là ngày Tết của... lừa! Hôm ấy các địa phương trong tỉnh đều dán la liệt ảnh lừa. Lừa được trang điểm đẹp đẽ, cùng chủ nhân đi dạo chơi hoặc tham gia hoạt động bán đấu giá tại những thành phố và thị trấn lân cận. Australia là nước sản xuất nhiều lông cừu nên ngành chăn nuôi cừu rất phát triển và cuộc sống người dân nơi đây cũng gắn bó mật thiết với con cừu. Họ tổ chức Tết Cừu vào ngày 14 tháng 8 hàng năm: từ sáng sớm, nhân dân đều đốt pháo và nói những lời chúc mừng tốt lành với đàn cừu, rồi lùa chúng ra những bãi cỏ xanh non.

Là thị trường lợn lớn nhất châu Âu, một thành phố ở miền Nam nước Pháp lại lấy ngày 21 tháng 7 hàng năm làm ngày Tết Lợn. Những người giỏi bắt chước lợn trong toàn quốc đều đổ về đây biểu diễn các động tác, thói quen... của lợn. Ai diễn giỏi hơn cả sẽ được thưởng một chú lợn quay rất to; đồng thời 5.000 người xem phải ăn hết một dây lạp xường dài 2.000m, 3.000 suất thịt lợn thái khá dày và 500 kg jambon!

Quy mô lớn và sôi động nhất phải kể đến Tết Kính bò ở Nepal. Người dân nước này rất yêu quý, tôn trọng bò (đặc biệt những con bò vàng - vốn được coi là bò thần). Pháp luật và tập quán dành cho bò nhiều ưu đãi về vật chất lẫn tinh thần hơn hẳn các vật nuôi khác. Hàng năm, Tết Kính bò được tổ chức rầm rộ từ mồng 1 đến mồng 8 tháng 5 (theo lịch Nepal). Ngày vui vẻ nhất của dịp Tết, người ta vẽ hình bò sữa lên mặt, đầu đội hai cái sừng bện bằng rơm hay tre trúc. Mọi người đều hóa trang thành bò, đằng trước ngực và sau lưng đeo những vật hình chiếc nón và đồ kim loại loảng xoảng./.

Nguyễn Thế (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực