Thân thiện, bền vững với môi trường, tại sao không?

Chủ nhật, 02/12/2018 10:17
(ĐCSVN) - Để thực hiện các “mục tiêu phát triển bền vững”, vai trò của đô thị ngày càng trở nên quan trọng. Gia tăng không gian công cộng đã được nhiều tổ chức trên thế giới công nhận là một trong những chiến lược nhằm phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội của các đô thị nói riêng và của các quốc gia nói chung.
Vườn Bách Thú Hà Nội - một không gian công cộng trong lòng TP Hà Nội (Ảnh: HNV)

Tuy nhiên, không gian đô thị cũng rất dễ tổn thương do bị sử dụng sai mục đích, bị thương mại hóa... Tình trạng này đã và đang diễn ra ở nhiều đô thị ở nhiều nơi trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng trên có nguyên nhân, từ chính sách chưa hoàn thiện, sự buông lỏng quản lý của chính quyền, đặc biệt là sự thụ động của người dân đối với quyền được tham gia gìn giữ, kiến tạo các không gian công cộng vì chính cuộc sống của mình.

Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam ngày càng nhanh, mạnh

Thực tế, các thành phố Việt Nam đang trong quá trình chuyển mình đáng kể. Kể từ năm 1986, Việt Nam đã trải qua sự thay đổi đáng kể về kinh tế-xã hội, từ một quốc gia nghèo trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế nhanh tạo ra việc làm, cải thiện mức thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Điều này tới từ ngành sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu bên ngoài. Ngoài ra, do đổi mới công nghệ, ngành nông nghiệp cũng đạt được bước tiến. Mặc dù đã đạt được nhiều bước tiến trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhà ở.

Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam trong tương lai sẽ không chỉ đến từ tăng trưởng đô thị, mà còn đến từ suy thoái khu vực nông thôn - tỷ lệ tăng trưởng thấp tại khu vực nông thôn. Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và khu vực lân cận đang là những khu vực đi đầu trong đô thị hóa ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển ngành sản xuất và dịch vụ ở khu vực đô thị, đổi mới ngành nông nghiệp, giải phóng nguồn lao động dư thừa ở nông thôn, những thành phố lớn và vừa sẽ là những thành phố phát triển nhanh nhất trong thời gian hiện tại và tới đây ở Việt Nam.

Cũng phải thắng thắn thừa nhận rằng, đô thị hóa ở Việt Nam có thể chia thành 02 loại "đô thị hóa có quy hoạch" và "đô thị hóa không quy hoạch". Cả hai hình thức đô thị hóa này đều đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng xu thế gia tăng dân số đô thị. Tuy nhiên, đô thị hóa không quy hoạch nếu không được kiểm soát sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội và môi trường. Để có thể đạt được mục tiêu phát triển không gian công cộng đô thị Việt Nam hướng đến đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững theo định hướng mục tiêu của các Quy hoạch chung được phê duyệt, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm từ quốc tế, khu vực, đã đến lúc, Việt Nam phải chung tay thống nhất hành động.

Xây dựng các cộng đồng và đô thị có chất lượng sống tốt và chăm lo hạnh phúc của người dân là yếu tố cơ bản của việc phát triển các đô thị hấp dẫn và cạnh tranh. Vấn đề then chốt là các chính quyền các cấp cần sẵn sàng lắng nghe người dân, doanh nghiệp và các nhóm dân cư khác nhau về nhu cầu của họ và cho phép cộng đồng tham gia vào việc ra quyết định tạo ra những thành phố, khu dân cư mà ở đó mọi người cùng nhau đóng góp để phát triển một xã hội tốt đẹp hơn.

Sự cần thiết trong phát triển không gian công cộng đô thị

Từ nhận thức về tầm quan trọng của không gian công cộng, rất cần sự tập tập trung hỗ trợ, hợp tác với mong muốn không chỉ gìn giữ các di sản, làm đẹp không gian đô thị, mà còn "làm mới" những nét đẹp đó, để chúng thực sự là những di sản "sống", cùng đồng hành với sự phát triển kinh tế-xã hội của người dân đô thị. Đồng thời, cần thiết phải có sự tham gia của  cả cộng đồng trong quá trình xây dựng và phát triển không gian công cộng nói riêng và của đô thị nói chung để đảm bảo tính bền vững, công bằng và hoà nhập xã hội. Hơn nữa, chiến lược và chính sách quốc gia về phát triển đô thị cần xem xét việc phát triển hệ thống không gian công cộng chất lượng như là chìa khóa để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bình đẳng và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Trong quá trình đó, trước tiên, bản thân chính quyền các đô thị phải chủ động xây dựng kế hoạch phát triển các không gian công cộng theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, để có thể góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, bảo vệ những không gian công cộng hiện có, phát triển các không gian công cộng mới theo đúng quy hoạch đô thị được duyệt, không thể để các không gian này bị sử dụng sai mục đích, thương mại hóa mà không vì lợi ích của cộng đồng..

Thiết nghĩ, để làm được như vậy, cần phải nhận thức một cách rõ ràng rằng, phát triển không gian công cộng cho mọi người dân đô thị cần được coi là một mục tiêu quan trọng trong các chiến lược và chính sách phát triển đô thị bền vững. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước cấp quốc gia về quy hoạch và phát triển đô thị, cụ thể là Bộ Xây dựng và Cục Phát triển Đô thị cần xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển đô thị phù hợp với định hướng toàn cầu về Mục tiêu phát triển bền vững – SDGs và Chương trình nghị sự đô thị mới. Các chiến lược và chính sách quốc gia về phát triển đô thị cần xem xét việc phát triển hệ thống không gian công cộng chất lượng như là chìa khóa để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bình đẳng và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Một không gian công cộng khác của thủ đô - vườn hoa Lý Tự Trọng (Ảnh: HNV)

Đồng bộ các mục tiêu trong quy hoạch và phát triển không gian công cộng đô thị

Xuất phát từ thực trạng đó, theo các chuyên gia, các nhà quản lý, quy hoạch và phát triển không gian công cộng đô thị cần hướng tới các mục tiêu cụ thể, bao gồm:

Thứ nhất, phát triển môi trường xây dựng nói chung và hạ tầng đô thị nói riêng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân đô thị. Ảnh hưởng này không chỉ qua những yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe như không khí, nguồn nước, mạng lưới cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe… mà còn qua việc môi trường xây dựng ở các đô thị có tạo điều kiện cho người dân thực hành những hành vi có lợi cho sức khỏe hay không. Các công trình công cộng thiết yếu như công viên, vườn hoa, sân chơi, trường học và chợ cần được xây dựng trong bán kính đi bộ và đạp xe thuận tiện nhằm khuyến khích các phương thức đi lại chủ động, vui chơi thể chất và giao tiếp xã hội. Mạng lưới giao thông và các hạ tầng giao thông cần được phát triển dựa trên thứ tự ưu tiên các phương thức đi bộ, xe đạp, giao thông công cộng và phương thức đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân cần dần hạn chế và loại bỏ.

Thứ hai, các đô thị cần được xây dựng và phát triển theo hướng thân thiện, bền vững với môi trường. Các không gian xanh hay không gian mở ngoài trời cần được đảm bảo không những chỉ để người dân sử dụng mà còn đem lại các lợi ích về môi trường lâu dài. Các công viên, vườn hoa tạo ra các khoảng mở trong đô thị giúp điều hòa và giảm nhiệt đô thị cũng như tạo ra các cảnh quan thiên nhiên trong đô thị. Các phương thức giao thông chủ động như đi bộ và xe đạp là những phương thức không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn là những phương thức giao thông sạch, gần như không khí thải.

Thứ ba, các hạ tầng đô thị như đường phố, chợ dân sinh hay các không gian công cộng khác cần được tổ chức đa dụng vừa là nơi để cộng đồng sử dụng công cộng vừa tạo ra nhiều cơ hội sinh kế, hộ trợ phát triển kinh tế địa phương. Các vỉa hè đường phố là nơi đi bộ nhưng cũng cần được tổ chức để phục vụ các nhu cầu khác như các cửa hàng bán lẻ hay những hội chợ thương mại quảng bá sản phẩm địa phương.

Thứ tư, các không gian công cộng đô thị chính là nơi tốt nhất để các quốc gia thể hiện sự bình đẳng. Các công viên là nơi mà mọi người mọi tầng lớp xã hội, mọi mức thu nhập, mọi lứa tuổi và giới tính gặp gỡ, giao tiếp với nhau. Các không gian công cộng trong thành phố cần được xây dựng và phát triển để cho mọi người, mọi nhu cầu hoạt động công cộng. Hệ thống giao thông cũng vậy, cần được thiết kế tôn trọng mọi thành phần tham gia đặc biệt là các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.

Thứ năm, huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình tạo dựng các thành phố bền vững. Ở đó, sự tham gia của cộng đồng là một công cụ dựa trên giá trị của sự phối hợp trong việc lập quy hoạch nhằm giải quyết mối quan tâm chính của người dân và các bên liên quan ở một cộng đồng mục tiêu. Đồng thời, đây cũng là một công cụ tham gia hai chiều giữa các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan để giúp phát triển ý tưởng sáng tạo và phù hợp nhu cầu và tầm nhìn chung.

Hơn nữa, để giúp phát triển các đô thị bền vững, hiệu quả, hấp dẫn, cạnh tranh và đạt được các mục tiêu quốc tế, một số chính sách quy hoạch đô thị quốc gia hiệu quả, Nhà nước cũng cần chú ý tới chính sách phát triển hệ thống không gian xanh và không gian công cộng cho mọi người; bảo tồn và phát triển hệ thống chợ dân sinh thực phẩm truyền thống; phát triển giao thông chủ động kết hợp giao thông công cộng…

Có thể thấy, không gian công cộng trong đô thị có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người dân đô thị, phục vụ cho sự phát triển kinh tế bền vững. Cuộc sống của người dân trong đô thị ngày càng nâng cao với tiêu chí không chỉ bó hẹp trong việc tăng diện tích và tiện nghi trong ngôi nhà, căn hộ mà là một loạt tiêu chí môi trường sống xung quanh nơi làm việc, nơi ở như thế nào trong đó không gian công cộng trong đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vừng giữ vai trò hết sức quan trọng.

 

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực