Đau như chính mình bị tát!

Thứ hai, 26/11/2018 18:26
(ĐCSVN) - Câu chuyện một học sinh lớp 6 Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), bị các bạn và cô giáo tát liên tục 231 cái, khiến em phải nhập viện là thông tin khiến dư luận xă hội đặc biệt quan tâm trong những ngày qua. Đau như chính mình bị tát, càng suy ngẫm, càng thấy đau lòng...
Ảnh minh họa. (Nguồn: tienphong.vn)

Việc em H.L.N bị phạt 231 cái tát bộc lộ một sự thật là có 11 học sinh khác đã nhận hình thức phạt tát tương tự. Báo chí phản ánh ý kiến học sinh cho hay, ngay trong ngày 19/11/2018, ngoài em N bị tát, thì có hai em khác là L. V. H, P.V. P,  mỗi bạn lãnh 230 cái tát. Hình thức phạt do cô giáo N.T.P.T đặt ra, nếu bạn nào tát nhẹ thì sẽ bị phạt ngược 10 cái tát nên các em đều phải tát bạn thật mạnh tay...

11 bạn bị phạt bằng tát cho thấy, đã không một học sinh nào dám phản kháng, dám nói tiếng nói can ngăn hay chí ít là van xin cô giáo dừng hình thức phạt này; không em nào dám thể hiện thái độ bảo vệ bạn trước sự xâm hại cả về thể chất và tinh thần nghiêm trọng như vậy. Các em học sinh biến mình thành công cụ, hành hung, lăng nhục bạn mình.

Chúng ta không tin rằng, các em không nhận thấy việc phạt bằng tát là sai, nhưng các em đã quá sợ hãi, tê liệt sự dũng cảm và khả năng bày tỏ ý kiến ngay trong môi trường nhỏ bé, thân quen là lớp học. Điều đó phải chăng có liên quan đến “văn mẫu”, với lối giáo dục khuyến khích sự sao chép, tuân phục vô điều kiện hiện nay?

Những cái tát này cũng cho thấy nó trái ngược với mục tiêu giáo dục học sinh về tình yêu thương, về tôn trọng lẽ phải và công bằng, về kỹ năng sống, để sau này các em trở thành những công dân “phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp”… Nó cũng trái ngược với tinh thần đổi mới giáo dục, chuyển từ một nền giáo dục giúp người học "học được cái gì" sang học để "làm được cái gì", nghĩa là giáo dục con người phải có cả kiến thức, kỹ năng và vận dụng được vào trong thực tiễn. 

Xu hướng phát triển mang tính toàn cầu hiện nay, cần có những công dân có tư duy mới, có tinh thần và khả năng phản biện, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt; có ý thức cộng đồng, tôn trọng tự do, nhân phẩm của người khác, tôn trọng môi trường thiên nhiên để phát triển một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Điều gì tạo nên phương pháp giáo dục phi nhân bản, vi phạm pháp luật của những cô giáo cho học sinh tát bạn, cho học trò uống nước giẻ lau, bắt trò liếm ghế… đã xảy ra trong thời gian qua?! Đó là câu hỏi cần được trả lời.

Liệu có phải do lương quá thấp, nên ngành sư phạm không thu hút được người giỏi hay không? Hay việc cho phép mở trường sư phạm tràn lan, dẫn đến đầu vào không được kiểm soát, tuyển dụng cả những sinh viên không có năng khiếu sư phạm, yếu kém cả về đạo đức và năng lực trình độ?

Ở đây, có thể thấy, bản thân các giáo viên vi phạm có hạn chế về nhận thức xã hội, nhận thức về những chuẩn mực văn minh và quy định của pháp luật. Nếu họ có nhận thức đúng mực thì không thể xử phạt học sinh với những kiểu cách phi giáo dục như vậy. Đã không ít giáo viên bị xử lý theo quy định của pháp luật, bị truy tố, bị xã hội lên án về các hành vi bạo hành học sinh, nhưng các hiện tượng này vẫn diễn ra triền miên, nên cần đặt ra câu hỏi: Họ có đọc sách báo thường xuyên hay không? Hay có đọc nhưng coi thường pháp luật đến mức bất chấp?

Dù sự thật như thế nào thì cũng không thể chấp nhận được...

Bản thân không ít giáo viên ít đọc sách và sự xuống cấp chung của văn hóa đọc ở nước ta là một thực tế dễ nhận thấy. Có ý kiến cho rằng, không ít giáo viên chẳng bao giờ đọc sách văn học, nên tâm hồn nghèo nàn,  cằn cỗi, thiếu nhân văn. Bên cạnh đó, nhiều chuẩn mực giá trị bị xáo trộn cũng khiến cho nhiều giáo viên không ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như ý thức được niềm tự hào nghề nghiệp của mình. 

Cuối cùng, cũng phải nhắc nhau, chúng ta không nên lấy một vài trường hợp giáo viên suy đồi để quy kết cho cả nền giáo dục, làm tổn thương đại đa số các thầy cô giáo đang tận tụy ngày đêm với học trò của mình.

Tuy nhiên, cũng không thể nói những hiện tượng đó không có mối quan hệ nào đó với bản chất của không ít cơ sở giáo dục hiện nay..../.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực