Để sáng tạo là việc tạo ra cái mới tốt đẹp hơn!

Thứ ba, 11/09/2018 19:41
(ĐCSVN) - Có thể nói, câu chuyện cải cách giáo dục chưa khi nào gây tranh cãi và tốn nhiều giấy mực như bây giờ!
Ảnh minh họa (Nguồn: dantri.com.vn)

Những ngày vừa qua, dư luận xã hội lại có phen dậy sóng xoay quanh câu chuyện cuốn sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1. Tạm thời chưa vội bàn đến lợi ích và bất cập của phương pháp vuông tròn hay cách đánh vần được dạy trong cuốn sách. Nhưng qua sự việc này cho thấy, vẫn tồn tại không ít những vấn đề trong lựa chọn giải pháp tối ưu cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT).

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, chương trình SGK mới sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp Tiểu học (lớp 1 - lớp 5) từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS (lớp 6- lớp 9) từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT (lớp 10- lớp12) từ năm học 2021-2022. Đổi mới chương trình sách giáo khoa là một phần của đổi mới giáo dục toàn diện mà Bộ GD&ĐT đang chủ trương đẩy mạnh cải cách. Tính từ năm 1945 cho đến hiện tại, Việt Nam đã trải qua bốn cuộc cải cách lớn (1950, 1956, 1979, 2013). Tuy nhiên, bài học từ những lần cải cách trước đây dường như chưa đủ mạnh để tác động đến cuộc cải cách đổi mới giáo dục đã và đang diễn ra.

Thực ra thì chuyện đổi mới, cải cách giáo dục ở nước ta gây tranh cãi nhiều rồi, tốn nhiều giấy mực rồi, không phải bây giờ người ta mới nói, bây giờ người ta mới mổ xẻ và tất nhiên không chỉ riêng vấn đề sách giáo khoa. Vậy tại sao chúng ta cứ rút kinh nghiệm và chuyện cũ nói mãi rồi vẫn thế. Có thể nói, câu chuyện cải cách giáo dục chưa bao giờ lại gây tranh cãi như bây giờ!

Không ít các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đã có những nghiên cứu phản biện, tranh luận đối với những vấn đề tồn tại của hệ thống giáo dục nước ta cũng như bất cập trong các lần cải cách đổi mới của ngành giáo dục. Phần lớn các nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế trong các lần cải cách giáo dục vẫn còn nặng tư duy theo cách “thử, sai, sửa”. Giáo dục không thể vừa làm vừa sửa, theo cách sai đến đâu sửa đến đó được. Không thể đưa học sinh vào những vòng quay để tìm kết quả. Đổi mới cải cách giáo dục không thể bằng tầm nhìn ngắn hạn trong quản lý, đó là quan điểm sai lầm không hề nhỏ.

Bài học thực tiễn từ Hàn Quốc, thập niên 60, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn Quốc quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn để giảng dạy, ngoại trừ những môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Không phải Hàn Quốc không tự soạn được một bộ sách giáo khoa, mà họ hiểu rằng, để có một chương trình sách giáo khoa như của người Nhật thì người Nhật đã phải mất cả trăm năm mới hoàn thành. Để rút ngắn thời gian, Hàn Quốc chẳng có cách nào khác ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, và quyết định đó đã góp phần mang lại thành tựu to lớn cho Hàn Quốc như ngày nay. Ngay cả các nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Nhật hay Singapoe… họ không có nhiều lần cải cách giáo dục như ở nước ta nhưng nền giáo dục của những nước này đã mang lại những thành tựu to lớn cho đất nước của họ và thế giới là không thể bàn cãi.

Xã hội mong muốn sau mỗi lần đổi mới, cải cách của ngành giáo dục sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước và quan trọng hơn là lợi ích của học sinh, của người dân. Chứ không phải cứ một khoảng thời gian ngành giáo dục lại đổi mới, lại cải cách và kéo theo là những dự án thay sách giáo khoa… rất tốn kém tiền của của xã hội, cũng như sự ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh và người dân.

Đúng là cải cách giáo dục không có giải pháp nào dễ dàng và hoàn hảo hay một mô hình lý tưởng nào để bắt chước y nguyên. Nhưng không thể cứ liên tục đổi mới mà vẫn cứ loay hoay chưa tìm ra lối thoát thậm chí là bế tắc. Phải chăng, nó chính là một phần của những ý tưởng, sáng tạo mang tính ngắn hạn, tình thế, sự vụ. Sáng tạo là động lực cho phát triển. Tuy nhiên, không phải cái gì hễ cứ động đến là phải sáng tạo, phải mới lạ…thì mới cho là đổi mới, là phát triển…

Xét cho cùng, nếu chúng ta nói sáng kiến hay cải cách giáo dục của chúng ta tốt thì thành quả (sản phẩm) của những cải cách đó được minh chứng ra sao và xã hội đã được hưởng lợi những thành tựu đó như thế nào?. Quan trọng là phải biết kế thừa những nền tảng sẵn có, dám chấp nhận loại bỏ những thứ không còn phù hợp, học hỏi và tiếp nhận có chọn lọc những thành tựu từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển là cách nhanh nhất để bắt kịp sự phát triển chung của thế giới.

Hoạt động sáng tạo là phát minh, sáng kiến… là việc tạo ra cái mới để thay thế cái cũ, cái mới phải tốt đẹp hơn cái cũ nhằm đáp ứng kịp thời những đòi hỏi về sự thay đổi nhanh chóng của xã hội như vậy sáng tạo mới có giá trị. Xã hội sẽ tốn kém nhiều công - của và sự phiền toái bởi những cải cách, đổi mới…thiếu thực tiễn khách quan. Đó là sự cải cách không cần thiết, như vậy sáng tạo để làm gì?

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực