Gỡ khó cho Đồng bằng sông Cửu Long !

Thứ ba, 26/09/2017 14:43
(ĐCSVN) - Những khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra tác động rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế của người dân.
Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên đối mặt với tình trạng khô hạn, nhiễm mặn. (Ảnh: TTXVN)

Với diện tích hơn 40.000 km2, dân số gần 18 triệu người (chiếm 19% dân số cả nước), Đồng bằng sông Cửu Long được xếp vào vùng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

Đây cũng là vùng đất có nhiều lợi thế phát triển kinh tế trên đất liền, trên biển cũng như mở rộng hợp tác với Tiểu vùng sông Mê Công; là vựa lúa lớn nhất của cả nước (cung cấp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và xuất khẩu tới hơn 150 quốc gia), góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước cũng như trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn chưa từng có do tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu.

Theo kịch bản Quốc gia về biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng 1 mét, sẽ ảnh hưởng đến 38,9% diện tích đất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của hơn 18 triệu người dân trong vùng.

Biến đổi khí hậu làm tình trạng ngập lụt đồng bằng và ngập lụt đô thị diễn ra nghiêm trọng hơn. Các cơn bão và áp thấp nhiệt đới cường độ mạnh có xu hướng tăng, và dịch chuyển xuống phía Nam. Cùng với việc gia tăng của bão lũ, tình trạng ngập lụt đô thị tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn; hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng; tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô ngày càng nghiêm trọng, v.v.

Những khó khăn, thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra tác động rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế của người dân, từ đó tác động tiêu cực đến khả năng sản xuất lương thực, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

Trong những năm qua, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Đồng bằng sông Cửu Long đã được bàn thảo, nhưng mới chỉ tập trung giải quyết vào một số vấn đề cụ thể, có tính cấp bách đặt ra cho từng lĩnh vực, từng địa phương riêng lẻ, thiếu tính tổng thể.

Để Đồng bằng sông Cửu Long giảm tối đa những khó khăn để phát triển nhanh và bền vững, thì cần hệ thống các giải pháp. Trong đó, có những giải pháp hết sức quan trọng: Rà soát, bổ sung các quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, sản phẩm theo hướng tăng liên kết vùng để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các thách thức khác của Đồng bằng sông Cửu Long; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên (nước, đất đai, rừng ngập mặn, thủy - hải sản…); xác định các dự án,chương trình, đề án, ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng; v.v.

Các giải pháp tổng thể cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn  phải được thực hiện trên nền tảng của giải pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư, đất đai, thuế, kiến tạo thị trường,  khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm tối đa những khó khăn và phát triển bền vững khi tìm ra được những giải pháp đúng với tầm nhìn dài hạn. Giải pháp là vấn đề quan trọng, nhưng để nó trở thành hiện thực cần sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, cần nguồn vốn từ trong và ngoài ngân sách nhà nước... và sự chung tay của cộng đồng./

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực