Ly hương, nào ai muốn?

Thứ sáu, 06/10/2017 10:47
(ĐCSVN) - Anh xe ôm chở tôi hôm đó quê ở huyện Giao Thủy (Nam Định). Lâu mới có khách nên anh rất “mặn chuyện”. Như lời anh thì ở quê chỉ có vài sào ruộng, nghề phụ không có, con cái đang tuổi ăn tuổi học, “khóc cũng tiền, cười cũng tiền” nên không còn cách nào khác, vợ chồng anh chấp nhận “ly hương”, kéo nhau lên Hà Nội ở trọ.

Ngày ngày chồng chạy xe ôm, vợ bán hàng rong. Anh bảo: “Chả riêng gì vợ chồng tôi, nhiều người làng cũng thế!”.

Có ở vào hoàn cảnh của người nông dân mới hiểu vì sao họ chọn giải pháp ly hương, ly nông.
 Ảnh: baogiaothong.vn.

Lần khác, đi xe khách từ Bắc vào tỉnh Bình Phước, tôi đi cùng xe với mấy chục phụ nữ cùng đến từ huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Tới địa bàn Tây Nguyên, tôi thấy cứ độ vài chục km lại có vài chị xuống xe. Hỏi chuyện, tôi biết những phụ nữ đồng hành ấy đều vào đây với mục đích làm thuê cho những chủ rẫy cà phê, chủ vườn tiêu, điều ở đây. “Có ai muốn bỏ chồng, bỏ con, bỏ bố mẹ, bỏ xóm làng để tha hương đâu chú! Nhưng ở quê ngoài mấy sào lúa chả có việc gì làm thêm để có tiền, đành phải đi”- một chị trải lòng.

Nhìn lại thì thấy ly hương, ly nông, tìm về thành thị hoặc những nơi có điều kiện hơn để mưu sinh đã và đang là lựa chọn của nhiều gia đình nông dân ở nhiều làng quê, nhất là ở miền Bắc, miền Trung. Bởi lẽ, có một thực tế, nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa ở nước ta dẫu đã có nhiều sự thay đổi, phát triển nhưng cái nghèo, cái khó vẫn chưa thôi đeo bám nhiều gia đình ở đây.

Có ở vào hoàn cảnh của họ mới hiểu vì sao họ chọn giải pháp ly hương, ly nông? Không “ly” sao được, khi mà ở miền Bắc, nhiều làng xã vẫn chỉ độc canh cây lúa; điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn cứ lặp lại? Không “ly” sao được khi ở miền Trung hạn hán, lũ lụt vẫn thay nhau hoành hành, đẩy nhiều người dân ở đây vào cảnh kiệt cùng? Việc đang ngày càng có thêm nhiều thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang; nhiều làng quê chỉ thấy người già và trẻ em.. đã phần nào nói lên thực tế này.

Khổ nỗi, “ra đi” có thể giúp nhiều gia đình cải thiện được thu nhập trước mắt nhưng như đã thấy, họ phải đối diện với nhiều hệ lụy. Trong nhiều trường hợp là vợ xa chồng, con cái không có bố mẹ ở bên, cha mẹ già không có con cháu chăm sóc.

Có lần, một cán bộ ở Phòng Giáo dục một huyện ở Nam Định chia sẻ với người viết, rằng: Một trong những lo lắng của ông là số lượng học sinh ở nhiều lớp, nhiều trường trong huyện thường có sự biến động. Đơn giản, số người ly hương, đi làm ăn xa của huyện khá đông trong khi chuyện học hành của con cái phụ thuộc vào bố mẹ. Có khi đang học hành ổn định, bố mẹ đi làm ăn xa, các em lại phải đi theo, sao tránh khỏi việc học hành bị ảnh hưởng?

Những nơi họ đến thì nhận được gì? Cứ nhìn vào bộ mặt đô thị Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh hiện nay - nơi mỗi làng quê ở miền Bắc, miền Trung đều đang có cả trăm người đến mưu sinh - sẽ thấy rõ hơn hệ lụy của di dân tự phát khủng khiếp đến thế nào? Hạ tầng, các cơ sở giáo dục, y tế đều bị quá tải trầm trọng, tệ nạn phát sinh, an ninh trật tự không đảm bảo... Công sức, tiền bạc của Nhà nước, xã hội đổ ra để giải quyết những vấn đề này ở các đô thị trên bao nhiêu cũng vẫn như... “muối bỏ bể”...

Nói vậy để thấy rõ hơn, muốn giải quyết hiệu quả vấn đề xã hội nổi cộm này, giải pháp căn bản vẫn phải là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa; qua đó, giúp người dân ở những khu vực này có thể thoát nghèo, thoát một cách bền vững, khá giả ở ngay chính làng quê, thôn bản của mình, không cần, không muốn, không buộc phải ly hương...

Trong thực tế, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng nhiệm vụ có tính chiến lược này. Đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển khu vực "tam nông" được ban hành, đi liền với đó là rất nhiều công sức, tiền bạc cùng sự kiên trì thực hiện. Hiệu quả thu được cũng rất lớn, rõ nhất là về tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã giảm mạnh; Việt Nam được cộng đồng thế giới ghi nhận, đánh giá cao về thành tích giảm nghèo...

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy kết quả giảm nghèo ở nước ta chưa bền vững. Có nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan đang tác động tiêu cực đến kết quả này. Đơn cử, lũ lụt liên tiếp ở miền Trung vừa qua gần như đã “xóa xổ” bao nhiều nỗ lực, kết quả giảm nghèo ở khu vực này lâu nay. Tương tự, lũ không về, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đẩy nhiều người dân ở đây vào tình thế người nghèo thì nghèo hơn, người đã thoát nghèo lại có nguy cơ tái nghèo. Những chuyến xe đò chở người dân ở đây lên TP. Hồ Chí Minh, lên Bình Dương, Đồng Nai... kiếm kế mưu sinh mới do vậy đang nhiều hơn, chật chội hơn. Rõ nhất là, dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, có đến 12 tỉnh vẫn phải đề nghị Chính phủ cấp gạo cứu đói cho dân... 

Từ đây đặt ra vấn đề các chính sách dành cho khu vực "tam nông" cần phải có tính chiến lược, tính động lực, phải phù hợp và hiệu quả hơn nữa. Đơn cử, là nông dân thì phải gắn bó, sinh sống bằng ruộng đồng. Nhưng như đã biết, đời sống nông nghiệp nước ta lâu nay bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, thiếu sự liên kết, định hướng thị trường; thu nhập của nhiều hộ nông dân từ đồng ruộng vẫn còn rất thấp, nhất là so với các ngành nghề, lĩnh vực khác, khiến họ không thoát được nghèo, chưa nói đến làm giàu.  

Họ đang mong mỏi điều gì? Họ mong sản phẩm họ làm ra được tiêu thụ, không bị ế ẩm; thị trường đầu vào lành mạnh để họ không bị lừa mua phải phân bón, con giống giả, kém chất lượng. Họ cũng mong Nhà nước, xã hội quan tâm, ưu tiên hơn nữa, chắt chiu, dành nguồn lực để đầu tư, phát triển khu vực "tam nông". Không thể để lặp lại việc nhiều công trình tượng đài, bảo tàng, nhà thi đấu... xây dựng hết cả trăm tỷ, nghìn tỷ nhưng sau đó bỏ không trong khi ở nhiều vùng nông thôn người dân chỉ mong có được một con đường dân sinh nhưng đợi hết năm này qua năm khác vẫn không được đáp ứng.

Hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là xu thế tất yếu. Họ mong được đón nhận những doanh nghiệp làm ăn chân chính về liên kết, đồng hành, hỗ trợ để cùng thực hiện các mục tiêu, chia sẻ lợi ích; ruộng đất của họ được lưu chuyển thuận lợi hơn. Họ cũng mong các dự án, công trình đầu tư cho "tam nông" phải phù hợp, phát huy hiệu quả, không phải nơi để cán bộ dự án lợi dụng xà xẻo; không còn chuyện con kênh đầu tư cả chục tỷ, trăm tỷ nhưng khi ruộng đồng cần lại chẳng có nước hay có cái trạm bơm nhưng cứ khởi động điện lại bị sập nguồn.../.

Trần Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực